Sau chuyện thu hồi dự án tỷ đô

Sau chuyện thu hồi dự án tỷ đô

(ĐTCK-online) Phản ứng của chủ đầu tư sau khi bị UBND TP. HCM rút giấy phép đầu tư dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm với quy môi vốn đầu tư 1,2 tỷ USD đang đặt ra nhiều vấn đề cần suy nghĩ về việc quản lý các dòng vốn đầu tư tại Việt Nam.

>> Chủ dự án tỷ đô trần tình về nợ tiền thuê đất 

Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm với quy mô vốn đầu tư 1,2 tỷ USD do Công ty TA Associates Việt Nam (liên doanh giữa CTCP Viễn thông Sài Gòn (SGT) với Công ty TA Singapore, thành viên của Tập đoàn Teco, Đài Loan) làm chủ đầu tư.

 

Cái lý của chủ nhà…

Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm được UBND TP. HCM cấp phép ngày 11/6/2008, khởi công vào tháng 7/2008, dự kiến hoạt động từ năm 2012. UBND TP. HCM quyết định thu hồi lại dự án với các lý do chủ đầu tư chậm triển khai, không trả tiền thuê đất và chậm thanh toán các khoản lãi phát sinh.

Theo tính toán của đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tiền phạt chậm nộp tiền thuê đất chủ đầu tư dự án nợ Thành phố không dưới 1 triệu USD. Theo quy định, trong vòng 60 ngày sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ đầu tư phải nộp cho Thành phố 50% tiền thuê đất. 50% còn lại phải đóng sau khi được ký hợp đồng thuê, thời hạn đóng là 30 ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, chủ đầu tư chưa đóng tiền thuê đất cũng như tiền phạt do đóng chậm. Cách tính là cứ một ngày đóng trễ sẽ bị phạt 0,05%. Đến nay, chủ đầu tư đã trễ hạn 3 năm. Số tiền cho thuê là 1.100 USD/m2 trong vòng 50 năm. Diện tích đất khai thác của dự án khoảng 7,7 héc-ta.

Đồng thời, UBND TP. HCM cũng cho biết, TA đưa ra nhiều đề nghị không có trong giấy phép đầu tư như giảm tiền thuê đất, bãi bỏ điều khoản phạt thanh toán trong trường hợp chậm nộp tiền thuê đất, đóng tiền thuê đất làm nhiều đợt, xin cấp trước chứng nhận sử dụng đất (theo quy định nộp tiền đến đâu, cấp giấy chứng nhận đến đó)... Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án đề nghị Thành phố cho phép chia dự án ra hai phần: khu công viên phần mềm và khu nhà ở. Trong đó, công ty này đề nghị hạ tỷ lệ xây dựng khu văn phòng từ 75% (như giấy chứng nhận đầu tư đã cấp) xuống 59%, đồng thời tăng diện tích sàn khu nhà ở từ 10% (tương đương 65.000 m2) lên 26% tổng diện tích sàn để kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, theo quy hoạch dự án ban đầu, khu nhà ở chỉ dành cho các chuyên gia sử dụng.

Tháng 9/2010, SGT tuyên bố sẽ thay TA nộp toàn bộ số tiền thuê đất cho dự án, trong đó diện tích đất sử dụng xây dựng khoảng 7,7 héc-ta, với tổng số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng. Ngay khi nhận được thông tin này, Thành phố có ý kiến phản hồi, nếu muốn nộp tiền thay thì liên doanh phải có biên bản thống nhất để SGT nộp thay. Bởi lẽ, đây chỉ là đề nghị đơn phương của một thành viên chiếm 20% cổ phần. Nhưng sau đó, đơn vị này đã không thực hiện. Đến tháng 8/2011, Ban quản lý dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gửi văn bản đến chủ đầu tư và đề nghị, nếu liên doanh vẫn muốn tiếp tục dự án, Thành phố sẽ thuê tư vấn để định giá đất lại. Trên cơ sở giá mới này, hai bên sẽ thương lượng lại việc triển khai dự án, song TA không có phản hồi.

 

…Và trần tình của SGT

SGT ngay sau đó đã có văn bản gửi Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, lãnh đạo UBND TP. HCM, Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra những lý do trái ngược với Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo SGT thì Teco - công ty mẹ của TA Singapore, là tập đoàn lớn với doanh số hàng năm trên 40 tỷ USD, vì thế không thể nói chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Văn bản nói trên cũng khẳng định rằng, ngày 21/4/2010, ông Ted Huang, Chủ tịch TA Việt Nam đã có văn bản gửi UBND TP. HCM và gửi Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm về vấn đề thanh toán tiền thuê đất. Theo văn bản này, TA Việt Nam đồng ý thanh toán 60% và 40% còn lại sẽ thanh toán 3 năm theo đúng yêu cầu của UBND TP. HCM.

Theo chủ đầu tư dự án, do khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu là bất khả kháng, nên đề nghị UBND TP. HCM miễn phạt chậm nộp tiền thuê đất. Hơn nữa, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm không ký hợp đồng thuê đất với TA Việt Nam theo đúng luật Việt Nam, nên cơ sở trả tiền thuê đất khi chưa ký hợp đồng thuê đất là chưa phù hợp Luật Đất đai của Việt Nam. Tuy vậy, từ đó đến nay không có trả lời của Thành phố về nội dung văn bản này.

SGT cũng cho biết, mặc dù ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT SGT được Chủ tịch TA Việt Nam, ông Ted Huang (cũng là Chủ tịch Teco 2010), ủy quyền làm việc với Thành phố và Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm để quyết định các vấn đề còn lại, nhưng chưa một lần ông Tâm được mời làm việc chính thức với Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo SGT, chờ mãi không có thư trả lời, trong khi đó Trung Quốc mời chào cho không đất và đầu tư hạ tầng đầy đủ, nên ông Huang đã quyết định đầu tư vào Tsingtao Trung Hoa. Đến nay, dự án Trung tâm Phần mềm ở Tsingtao Trung Hoa đã và đang xây dựng cơ bản giai đoạn 1 với số vốn đầu tư vài trăm triệu USD… Sau hơn 1 năm, Ban Quản lý Thủ Thiêm có ý định đánh giá lại giá đất cho thuê, một lần nữa làm đối tác nước ngoài thất vọng và đã quyết định rút hoàn toàn văn phòng… "Họ chỉ đợi quyết định rút giấy phép đầu tư của Thành phố để làm thủ tục giải thể công ty. Trong vụ việc này, SGT đã tổn thất nhiều…", ông Hoàng Sĩ Hóa, Tổng giám đốc SGT cho biết.

Việc xử lý các dự án tỷ đô được triển khai với tốc độ rùa là cần thiết, không chỉ TP. HCM, mà cả một số tỉnh, thành phố khác đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, nếu những gì SGT trần tình ở trên là đúng thì các cơ quan chức năng của TP. HCM cũng cần xem lại cách hành xử đối với các nhà đầu tư, nhằm đảm bảo thực thi nghiêm pháp luật về đầu tư, vừa không để mất đi những dự án cần thiết cho quá trình phát triển.

 

"Chưa có các giải pháp chung và giải pháp ứng xử cụ thể đối với từng dự án"

Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài, Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Về việc ứng xử với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các dự án công nghệ cao, có quy mô lớn, nếu bị thu hồi sẽ có tác động tiêu cực đến lĩnh vực đầu tư tại nước tiếp nhận và cạnh tranh trong thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty lớn.

 

Từ việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm, tôi cho rằng, chúng ta chưa có các giải pháp chung và các giải pháp cụ thể đối với từng trường hợp. Đây là bài học lớn. Sau trường hợp cụ thể này, cần đánh giá lại các giải pháp đối phó với cạnh tranh trong thu hút FDI, dựa trên nền tảng chủ yếu là "luôn hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam".

 

Trong vụ việc này, cần đánh giá lại cụ thể, toàn diện công tác quản lý nhà nước từ khi bắt đầu được NĐT báo cáo xin ý kiến về dự án, đến khâu cấp GCNĐT và quản lý sau khi cấp GCNĐT. Nguyên tắc nhất quán của công tác quản lý này là "Nắm chắc và thực hiện đúng các quy định của pháp luật" liên quan đến đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể là:

 

- Ngay khi được báo cáo là việc hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đến các yêu cầu đối với dự án từ góc độ quản lý nhà nước và chính quyền địa phương.

 

- Thẩm tra và đánh giá dự án trong quá trình xem xét cấp GCNĐT: nội dung thẩm tra và đánh giá dự án đã được quy định rõ trong Luật Đầu tư và Nghị định hướng dẫn thi hành. Nhưng trong thực tế, 1 - 2 năm gần đây, tại một số dự án có quy mô lớn bị thu hồi, NĐT thường đòi hỏi nhiều điều kiện vượt luật, vượt quy định. Tuy nhiên, khi cấp phép đã không được làm rõ, nên mới có chuyện ngay sau khi được cấp phép, NĐT lại có ngay các đề nghị bổ sung, điều chỉnh GCNĐT. Có phải cách làm việc của chúng ta vừa qua đã để các NĐT thường xử lý theo kiểu của họ là "cần có GCNĐT trước đã, sau đó sẽ 'chạy' tiếp"?

 

- Trong quá trình sau cấp phép: tiếp tục hỗ trợ và giúp các NĐT xử lý các vướng mắc phát sinh theo quy định của luật pháp. Đối với các dự án lớn, cần có người theo dõi cụ thể, giúp lãnh đạo các cơ quan quản lý giải quyết nhanh các tình huống xảy ra, tránh việc "công văn, văn bản qua lại giữa các bên và chờ đợi".

 

"Cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố cơ sở phi vật chất"

TS. Alan T.Pham, Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital

 

Sau chuyện thu hồi dự án tỷ đô ảnh 2

Vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng đối với các nước đang phát triển, bởi nó là nguồn bổ sung sự thiếu hụt tiết kiệm nội địa, hỗ trợ chuyển giao công nghệ hiện đại, tiếp thu các kỹ năng quản lý tiên tiến... Thông qua các chuyến công tác và liên lạc cá nhân, chúng tôi đã lắng nghe yêu cầu và hiểu được mối quan tâm của các NĐT ở nước ngoài.

 

Các NĐT quan tâm tới nhiều điều khi quyết định đầu tư, trong đó có những yếu tố như cơ sở hạ tầng (hệ thống giao thông, nguồn cung cấp năng lượng…). Đặc biệt, họ quan tâm đến yếu tố cơ sở phi vật chất như một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và nhất quán; thủ tục hành chính nhanh chóng và hiệu quả; vấn đề chi phí kinh doanh ngoài luật pháp; các ưu đãi về thuế… Việt Nam có ưu điểm là một thị trường rộng lớn và đang phát triển, lực lượng lao động trẻ, giàu tài nguyên thiên nhiên, chính trị và xã hội ổn định, nhưng cơ sở hạ tầng không đầy đủ. Đặc biệt, cơ sở phi vật chất với các yếu tố như tôi đã đề cập ở trên cần phải cải thiện nhiều.