Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Sau 1.000 điểm, thị trường chứng khoán đi về đâu?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau khi liên tiếp đón nhận các thông tin tích cực trong nước và quốc tế, chỉ số VN-Index đang tiếp cận vùng 1.000 - 1.026 điểm, đây là vùng đỉnh thiết lập từ tháng 10/2018. Nếu vượt qua vùng đỉnh lịch sử này, thị trường liệu có giữ được phong độ?

Nhiều thông tin tích cực

Gần đây, giới đầu tư trên thế giới có tâm lý tích cực, chủ yếu nhờ thông tin khả quan về quá trình điều chế vắc-xin phòng Covid-19 tại Mỹ, cũng như cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới nghiêng về ông Joe Biden dẫn tới kỳ vọng chính sách kinh tế của Mỹ trong thời gian tới sẽ thúc đẩy thương mại tự do thay vì thuế quan, hạn ngạch như trước.

Các thông tin tốt trên thị trường quốc tế đã tạo tâm lý hứng khởi cho nhà đầu tư trong nước, trong khi thị trường chứng khoán nội cũng liên tục đón nhận thông tin khả quan.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BSC, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2020 được cải thiện sau khi suy giảm trong quý II.

Cụ thể, tính tới 30/10/2020 có 587 công ty, chiếm tỷ lệ 77% trên 2 sàn HOSE và HNX đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III.

Trong đó, tổng lợi nhuận sau thuế các công ty tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, 56% công ty có lợi nhuận tăng trưởng dương, chỉ có 12% công ty báo lỗ. Trong nhóm VN30, 29/30 công ty công bố lợi nhuận quý III/2020 tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, thị trường có động lực không nhỏ từ các cổ phiếu vốn hóa lớn với kỳ vọng được hưởng lợi sau khi MSCI công bố lộ trình nâng hạng thị trường Kuwait từ cận biên lên mới nổi cũng như lộ trình giảm cổ phiếu Kuwait và tăng tỷ trọng các thị trường còn lại trong chỉ số thị trường cận biên.

Theo đó, tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ tăng từ 12,64% lên 15,76% sau khi kỳ cơ cấu đợt 1 kết thúc vào ngày 30/11/2020 và tỷ trọng này sẽ dần tăng lên 28,76% vào tháng 11/2021.

Một số cổ phiếu của Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số này là VNM, VIC, VHM, MSN, HPG, VCB. Các quỹ ETF đang mô phỏng chỉ số thị trường cận biên của MSCI có thể sẽ tăng mua cổ phiếu.

Mới đây nhất, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký ngày 15/11/2020 mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Hiệp định RECP chiếm khoảng 1/3 GDP cũng như dân số toàn cầu, đây là khối thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Thách thức trước vùng kháng cự mạnh

Ngày 18/11/2020, VN-Index đạt 973,5 điểm. Liệu chỉ số có thể bứt phá khỏi vùng kháng cự tâm lý 1.000 - 1.026 điểm, vốn không duy trì được lâu trong 3 lần kể từ năm 2018?

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E.

Diễn biến VN-Index và mức định giá P/E.

Cụ thể, kể từ tháng 4/2018, khi thị trường bước vào giai đoạn giảm mạnh do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, VN-Index chưa từng vượt được vùng giá này.

Giai đoạn cuối năm 2019, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được những bước tiến quan trọng về thoả thuận giai đoạn 1, giúp chỉ số đạt 1.026 điểm, nhưng rồi nhanh chóng điều chỉnh giảm.

Trong vòng hơn 2 năm qua, VN-Index có 3 lần tiếp cận vùng đỉnh 1.000 điểm là tháng 10/2018, tháng 3/2019 và tháng 11/2019, nhưng đều không giữ được thành quả.

Trong đợt tăng giá tháng 11/2019, giá nhiều cổ phiếu bứt phá từ ngày 1/10 - 6/11/2019, đẩy định giá P/E của thị trường lên 16,5 lần. Các cổ phiếu trụ tác động tích cực tới thị trường là VHM, VCB, BID, VIC, VRE…

Hiện tại, những cổ phiếu trụ như VIC, VCB, VRE.. đều tiếp cận vùng đỉnh tháng 11/2019. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng như TCB, MBB, VPB tiếp cận vùng đỉnh; cổ phiếu bất động sản như VIC, VHM có giá thấp hơn; một số cổ phiếu khác có mức tăng nóng gần đây như BCM, GVR, MSN, CTG…, vượt vùng đỉnh cũ.

Chỉ số VN-Index có 3 lần không giữ được mốc 1.000 điểm trong 2 năm qua.

Chỉ số VN-Index có 3 lần không giữ được mốc 1.000 điểm trong 2 năm qua.

Tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang lạc quan với triển vọng của thị trường chứng khoán. Không ít người đã trải qua các diễn biến thăng trầm của thị trường trong lịch sử và học được bài học “thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thoả mãn”.

Năm nay, giai đoạn dịch Covid-19 mới bùng phát, nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn, sau đó thị trường tăng lên trong nghi ngờ về các gói kích thích, cũng như các biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vắc-xin có thể giải quyết được bài toán đại dịch và kinh tế toàn cầu sớm hồi phục.

Sự hưng phấn của giới đầu tư có vẻ đang lấn át thông tin về các đợt lây nhiễm Covid-19 tiếp theo đang diễn ra trên diện rộng, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á…, tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh doanh ở nhiều nơi.

Trong khi đó, vắc-xin được nhìn nhận phải có thêm thời gian để triển khai tiêm phòng trên thực tế và không thể cung cấp toàn bộ cho dân số trên thế giới ngay lập tức.

Vì vậy, dịch bệnh nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng kéo dài tới các hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh…

Thông thường, thị trường sẽ phớt lờ thông tin tiêu cực trong giai đoạn sóng tăng, nhưng sau đó sẽ quay trở lại phản ứng với thông tin này, nhất là khi có thêm thông tin tác động theo hướng bất lợi.

Đối với thị trường trong nước, động lực thúc đẩy thị trường từ các thông tin tốt về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, dòng tiền kỳ vọng từ câu chuyện nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ thị trường cận biên, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu có được duy trì trong ngắn hạn hay không là yếu tố mà các nhà đầu tư cần đánh giá, dù không ít yếu tố được nhận định sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong trung và dài hạn.

Lưu ý, trên sàn HOSE, kể từ đầu năm tới nay, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.210 triệu cổ phiếu, tương ứng rút ròng 13.819,3 tỷ đồng. Đây là mức rút ròng kỷ lục trong một năm của khối ngoại. Dòng vốn từ các nhà đầu tư cả cũ và mới trong nước đã hấp thụ hết lượng bán ra của khối ngoại.

Thách thức của thị trường chứng khoán còn đến từ một số cổ phiếu trụ gần đây có diễn biến đi ngang sau khi đạt vùng giá cao trong nhiều năm, làm giảm động lực tăng của thị trường chung.

Xét về định giá, P/E bình quân của thị trường hiện ở mức 16,22 lần, gần với vùng đỉnh 1 năm trước là 16,5 lần.

Hiện chưa có cảnh báo về nguy cơ thị trường giảm sâu nên 2 kịch bản có khả năng sẽ xảy ra là chỉ số tiếp tục tăng điểm hoặc chững lại một thời gian nhằm tạo đà cho đợt tăng mới. Kỳ vọng, “quá tam ba bận”, VN-Index sẽ không thất bại quá 3 lần tại mốc 1.000 điểm.

Tin bài liên quan