Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19 (2014-2017), Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều này được phản ánh qua kết quả xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.
Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ 82 lên 68/190 nền kinh tế (theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2017); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.
“Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 19 trong 4 năm qua cho thấy sự vào cuộc chưa đồng đều giữa các Bộ, ngành, địa phương; nhiều nơi vẫn còn thiếu quyết liệt, chậm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Bởi vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần coi trọng, quyết liệt và theo dõi sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”, ông Cung nhấn mạnh.
Đánh giá về mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19/2018, đại diện CIEM cho rằng, đây là mục tiêu không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực. Sự nỗ lực và quyết tâm này trước hết phải đến từ người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương. Họ càng sâu sát, quyết liệt bao nhiêu thì khả năng thành công càng cao.
Đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, cần tăng cường đẩy mạnh giám sát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 19.
“Trên thực tế, chỉ cần đánh giá chương trình cắt giảm có hiệu quả hay không? xem cắt giảm như thế nào. Từ đó, đưa ra các giải pháp thực thi, đây là điều quan trọng”, ông Tuấn kiến nghị.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu đề ra, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt nhũng nhiễu cho DN khi thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Nghị quyết 19/2018 ban hành ngày 15/5/2018 tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới, về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Nghị quyết yêu cầu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.
Đặc biệt, Nghị quyết nhấn mạnh cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, VD: Nghị quyết yêu cầu bãi bỏ và đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh, giảm 50% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành và giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25-27% hiện nay xuống dưới 10% và đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Nghị quyết cũng lần đầu tiên bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và ngành du lịch để để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế.