Ông Bùi Văn Mai

Ông Bùi Văn Mai

Sắp thêm công cụ ngừa kiểm toán “đi đêm”

(ĐTCK) “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán là một trong 10 chuẩn mực kiểm toán (CMKT) mới được ban hành trong năm tới, sẽ góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch đối với hoạt động hành nghề của kiểm toán viên…”.

Đó là đánh giá của ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Trưởng Ban soạn thảo CMKT Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK

Thưa ông, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán có là công cụ góp phần phòng ngừa tình trạng kiểm toán viên thỏa thuận ngầm với khách hàng làm sai lệch thông tin trên BCTC của DN mà kiểm toán viên thực hiện kiểm toán, một tình trạng có dấu hiệu diễn biến phức tạp trong khối DN niêm yết, các CTCK gần đây?

Thực hiện kế hoạch soạn thảo CMKT Việt Nam đợt 2 đã được Bộ Tài chính phê duyệt, VACPA đang chủ trì soạn thảo 10 chuẩn mực để trình Bộ Tài chính ban hành vào cuối năm 2014 và dự kiến áp dụng từ đầu năm 2015. Trong số 10 CMKT được ban hành đợt này, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán, theo thông lệ quốc tế là bộ chuẩn mực có nội dung đồ sộ, rất chi tiết.

Chuẩn mực này đưa ra những nội dung rất cụ thể về hành vi ứng xử của những người làm nghề kiểm toán và kế toán trên nguyên tắc căn bản là phải độc lập, khách quan. Các hành vi độc lập được chia thành 2 dạng thức: hữu hình và vô hình. Ở khía cạnh hữu hình, kiểm toán viên không được tham gia kiểm toán ở những DN mà bố, mẹ, anh chị em ruột… đang tham gia điều hành. Nếu kiểm toán viên đang sở hữu cổ phiếu của một DN nào đó sẽ không được tham gia kiểm toán, hoặc nếu muốn thực hiện kiểm toán thì phải bán hết toàn bộ lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Ở khía cạnh vô hình, chuẩn mực đề cập đến cách thức ứng xử của kiểm toán viên khi bị sức ép từ cấp trên, từ các mối quan hệ thân quen trong quá trình hành nghề.

 

Chuẩn mực có đề cập chi tiết đến một thực tế khá tế nhị là kiểm toán viên nhận quà biếu từ DN là khách hàng kiểm toán hay không, thưa ông? Nếu có thì ở mức nào, để tránh làm sai lệch kết quả kiểm toán?

Ở các nước, đây là một trong những nội dung được quy định rất chi tiết trong chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Ở Việt Nam , chuẩn mực này đề cập cả hai trường hợp: kiểm toán viên được và không được nhận quà hoặc lời mời ăn uống từ DN và không được chi hoa hồng cho khách hàng. Nếu được nhận quà, giá trị của món quà đó phải đảm bảo có giá trị vật chất không đáng kể, thiên về giá trị tinh thần, để tránh việc tặng quà biến tướng thành thỏa thuận “ngầm” giữa kiểm toán viên với các DN là khách hàng kiểm toán, làm sai lệch kết quả kiểm toán, tác động tiêu cực đến các đối tượng sử dụng kết quả kiểm toán…

 

Được biết, trong số các CMKT được ban hành mới lần này, có các chuẩn mực liên quan đến soát xét và dịch vụ đảm bảo. Theo ông, việc áp dụng các chuẩn mực này có góp phần nâng cao tính minh bạch về thông tin tài chính của DN, điều mà cổ đông, NĐT trên TTCK luôn mong đợi nhất?

Thực tế, nghiệp vụ soát xét BCTC của DN niêm yết đã phát sinh, nhưng các CMKT hiện hành vẫn chưa đề cập chi tiết đến vấn đề này. Việc soát xét BCTC quý hoặc bán niên được thực hiện theo Chuẩn mực Công tác soát xét BCTC, với các thủ tục có phần giản tiện hơn so với nghiệp vụ kiểm toán BCTC nên mức độ đảm bảo thấp hơn so với công tác kiểm toán. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành chuẩn mực soát xét cụ thể cho BCTC giữa kỳ, soát xét thông tin tài chính trong bản cáo bạch…, qua đó, giúp nâng cao hơn chất lượng các dịch vụ soát xét và dịch vụ đảm bảo.

Lâu nay, các DN thường xuyên trích dẫn nội dung từ BCTC đã kiểm toán để lập bản cáo bạch khi phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn, hoặc xây dựng báo cáo thường niên… Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có CMKT về soát xét và dịch vụ đảm bảo, nên không có cơ chế để kiểm soát việc trích dẫn nội dung của DN có trung thực, chính xác không. Thực tế, có trường hợp DN chỉ trích dẫn nội dung có lợi cho họ, hoặc trích dẫn không đầy đủ, dẫn đến người thụ hưởng thông tin không hiểu chuẩn xác nội dung đã được kiểm toán viên xác nhận. Điều này sẽ được khắc phục khi chuẩn mực soát xét được áp dụng.

Cùng với 37 CMKT hiện hành, việc chuẩn bị ban hành thêm 10 CMKT nữa, Việt Nam sẽ có 47/50 CMKT theo thông lệ quốc tế. 3 chuẩn mực còn lại do ít phù hợp với thực tiễn Việt Nam nên trước mắt, Bộ Tài chính chưa có kế hoạch ban hành. Khi áp dụng đồng bộ 47 CMKT này, kết hợp các biện pháp kiểm tra, xử lý sai phạm, tôi tin chất lượng dịch vụ kiểm toán sẽ có bước cải thiện đáng kể, qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch về thông tin DN.