Sắp hết thời tiền rẻ

Sắp hết thời tiền rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có nhiều yếu tố khiến cơ quan quản lý thận trọng hơn trong việc tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ như hiện nay…

Nền kinh tế tiếp tục khả quan

“Giá nhà ở các thành phố lớn tăng lên nhờ hưởng lợi từ chính sách tiền tệ”, đây là một kết luận trong báo cáo của HSBC về rủi ro bất động sản được công bố tuần trước. Chính sách tiền tệ nới lỏng kích chứng khoán và bất động sản tăng giá, nhưng đó chỉ là một mặt, nền kinh tế cũng hưởng lợi từ tiền rẻ.

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 của đợt bùng phát lần thứ tư này vẫn đang tăng nhanh, nhưng số liệu kinh tế tháng 5/2021 cho thấy sự ổn định, nhiều khả năng là do tránh được tình thế phải giãn cách xã hội cả nước. Theo đó, xuất khẩu tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2020, một phần là nhờ hiệu ứng cơ sở thấp.

Sản xuất sản phẩm điện tử duy trì tốt ngoài mong đợi, với mảng máy tính và linh kiện điện thoại tăng lần lượt 9% và 26% so với cùng kỳ năm trước. Đáng khích lệ hơn, xuất khẩu da giày và dệt may tiếp tục đà phục hồi, tăng 41%. Đây là kết quả của gói kích thích tài khóa ở các nước phương Tây nhằm thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

“Tuy chịu ảnh hưởng tiêu cực từ làn sóng Covid-19 mới, nhưng điểm tích cực là các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan về sản lượng sản xuất trong thời gian tới, khi đợt dịch này được kiểm soát... Để kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng theo kế hoạch, điểm mấu chốt là phải triển khai khống chế dịch bệnh nhanh chóng thông qua xét nghiệm và truy vết dịch tễ nghiêm ngặt, kết hợp thúc đẩy nhanh chóng chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid trên toàn quốc”, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á của HSBC nhận định.

Được biết, cuối tuần trước Nhật Bản đã tặng Việt Nam gần 1 triệu liều vắc-xin Covid-19. Cùng với đó, việc các cơ quan chức năng nỗ lực tìm mua vắc-xin cũng là một tín hiệu đáng khích lệ, đặc biệt sau khi một quỹ vắc-xin Covid-19 trị giá 1,1 tỷ USD vừa được phê duyệt. Mặc dù thời điểm chính xác chưa được công bố, nhưng Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nói rằng, tới tháng 8/2021, sẽ có thêm nhiều liều vắc-xin về tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nga cũng đã đồng ý cung cấp 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V vào năm 2021. Việt Nam cũng đã phê duyệt vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc như là một lựa chọn sau vắc-xin AstraZeneca - Oxford (Vương quốc Anh) và Sputnik V.

“Động thái trên cho thấy các cơ quan chức năng sẵn sàng tận dụng mọi nguồn lực sẵn có... để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng càng nhanh, Việt Nam càng sớm có thể mở cửa biên giới cho du lịch và các nhà đầu nước ngoài”, bà Yun Liu nhấn mạnh.

Lãi suất tiền gửi dự báo tăng

Một thông tin rất đáng chú ý cuối tuần qua, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo không thay đổi mức lãi suất điều hành và giữ nguyên chương trình mua tài sản (bơm tiền) hàng tháng. Điều này có nghĩa, không có gì mới về chính sách tiền tệ so với thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, có những tín hiệu cần lưu ý từ những thông điệp phát đi:

Thứ nhất, hàm ý nền kinh tế Mỹ đã qua giai đoạn khủng hoảng và lạm phát sẽ tăng lên, nhưng chỉ là tạm thời; thứ hai, gợi ý việc tăng lãi suất vào cuối năm 2023, thay vì trước đây công bố sẽ không thay đổi ít nhất hết năm 2023; thứ ba, thông báo sẽ thảo luận về việc thu tiền về (ngược lại của mua tài sản - giới đầu tư dự kiến sẽ diễn ra tháng 8 hoặc tháng 9/2021); thứ tư, nâng lãi suất đối với mức dự trữ vượt dự trữ bắt buộc và các thỏa thuận cho vay mua lại (repo).

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất giảm nhẹ từ mức 54,7 điểm trong tháng 4/2021 xuống mức 53,1 điểm trong tháng 5/2021 và những chỉ số phụ bắt đầu yếu đi. Sản lượng, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới đều tăng chậm nhất trong 3 tháng, trong khi thiếu hụt nhân công khiến số lượng đơn hàng chờ tăng đột biến.

Tuy vậy, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức ổn định khi chỉ tăng 0,2% so với tháng trước đó, tương đương 2,9% trong tháng 5/2021. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 4/2021). Trong đó, chỉ số giá nhóm giao thông tăng mạnh 21,2% so với cùng kỳ do giá xăng RON95 bình quân tháng 5/2021 đạt 19.290 đồng/lít, tăng 1,5% so với tháng trước đó và tăng 62,2% so với cùng kỳ. CPI tháng 5/2021 tăng chủ yếu do chỉ số giá giao thông tăng 0,8% và chỉ số nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,4% so với tháng trước đó.

Mối lo về lạm phát gia tăng được hạn chế và tăng trưởng tín dụng khả quan đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng tương đối mạnh trong tháng 5/2021, từ đó làm giảm tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 21/5/2021, tăng trưởng tín dụng (tính từ cuối năm 2020) đạt 4,67% - cao hơn đáng kể so với mức tăng 2% của cùng kỳ năm 2020.

Theo dữ liệu của Bloomberg, lãi suất qua đêm tăng 63 điểm cơ bản lên 1,18%/năm vào ngày 31/5/2021. Cùng với đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 12 tháng tăng trong khoảng từ 2-60 điểm cơ bản trong tháng 5/2021. Trong khi đó, lãi suất huy động của khối ngân hàng cổ phần từ nhân tăng 3-4 điểm phần trăm, còn khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối không đổi trong tháng 5/2021.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tư nhân cho biết, dư địa cắt giảm lãi suất thời gian tới tương đối hạn chế bởi áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm do giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc giá bất động sản lên “cơn sốt” ở nhiều tỉnh, thành phố trong những tháng đầu năm sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng hơn trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Những ký ức về hiện tượng bong bóng nhà đất giai đoạn 2007-2012 kéo theo khủng hoảng ngân hàng kéo dài vẫn còn là nỗi ám ảnh trong tiềm thức. Hiện tại, ngành ngân hàng đã gượng dậy, nhưng dư nợ bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Một số ngân hàng chưa phân định rõ các khoản vay bất động sản, đáng chú ý là 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối vẫn cho thấy mối liên hệ với một ngành liên quan trực tiếp là xây dựng. Xét cho cùng, Việt Nam vẫn dùng tăng trưởng tín dụng cao là đòn bẩy chính cho phát triển kinh tế”, bà Yun Liu nói.

Không những không cắt giảm lãi suất, vị tổng giám đốc trên thậm chí còn dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.

“Trước áp lực lạm phát cao hơn vào nửa cuối năm so với nửa đầu năm, các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn để tăng huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán…”, vị tổng giám đốc nhấn mạnh.

Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nhận định, lãi suất huy động sẽ tăng, nhưng kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ duy trì ổn định đến hết năm 2021. Với tỷ suất lợi nhuận ở mức tốt, VNDirect cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Trong một diễn biến có liên quan, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chủ trương xuyên suốt của cơ quan quản lý là tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là động thái điều hành công cụ lãi suất của ngân hàng trung ương các nước lớn, diễn biến của lạm phát, cung - cầu vốn trong nền kinh tế… để đưa ra các quyết sách kịp thời, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng có thể giảm thêm lãi suất cho vay, đảm bảo duy trì được mặt bằng lãi suất thấp hợp lý, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Tin bài liên quan