Tại Việt Nam, gần đây kiểm toán nội bộ được nhiều doanh nghiệp quan tâm, trong khi mô hình quản trị này đã được áp dụng phổ biến trên thế giới từ lâu. Không ít doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn chức năng của kiểm toán nội bộ với Ban Kiểm soát và Bộ phận Tài chính.
Một thành viên Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cho biết, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo và đang trình Chính phủ. Khi được ban hành, đây là khung pháp lý tạo tiền đề cho việc hoàn thiện bộ phận kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra những đảm bảo mang tính độc lập và khuyến nghị liên quan đến các nội dung về kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp, nhằm xử lý các rủi ro của đơn vị; các quy trình quản trị và quản lý rủi ro của đơn vị mang tính hiệu quả và có hiệu suất cao; đơn vị đạt được các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác.
Đây sẽ là một kênh kiểm tra và xác nhận chất lượng, độ tin cậy của thông tin kinh tế, tài chính của báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị trước khi trình ký duyệt; kiểm tra việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động, quản lý, việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính, kế toán, chính sách, nghị quyết, quyết định của lãnh đạo đơn vị kế toán.
Kiểm toán nội bộ còn có nhiệm vụ phát hiện những sơ hở, yếu kém, gian lận trong quản lý, bảo vệ tài sản của đơn vị; đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị kế toán.
Như vậy, bên cạnh báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán độc lập, doanh nghiệp sẽ có thêm báo cáo quản trị có ý kiến của kiểm toán nội bộ. Để quy định này đi vào thực tế, theo ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, doanh nghiệp phải có một HĐQT tốt, quan tâm đến chất lượng nhân sự kiểm toán nội bộ. Với thực tế hiện nay, đây là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản cho lĩnh vực này đang khá thiếu hụt.