Sắp chốt chia cổ phiếu thưởng 1:1, cổ phiếu VCI gia nhập câu lạc bộ “3 chữ số”

Sắp chốt chia cổ phiếu thưởng 1:1, cổ phiếu VCI gia nhập câu lạc bộ “3 chữ số”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Danh sách cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán thêm nhiều tên mới, trong đó, VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt là cổ phiếu ngành chứng khoán duy nhất góp mặt vào câu lạc bộ “3 chữ số” với thị giá trên 100.000 đồng/CP.

Đóng cửa phiên 15/6, VCI đứng tại mức giá 102.000 đồng/CP, tương ứng tăng hơn 28% chỉ trong 1 tuần giao dịch, khối lượng giao dịch mỗi phiên gần 3,5 triệu đơn vị.

Trong phiên sáng nay, VCI giao dịch quanh mốc 100.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 3 triệu đơn vị.

Bên cạnh việc đi theo xu hướng chung của nhóm cổ phiếu chứng khoán, đà tăng mạnh mẽ của VCI còn có thêm "chất xúc tác" là sắp chốt ngày chia 166,5 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền và cứ 1 quyền sẽ được nhận 1 cổ phiếu phát hành thêm.

Theo thông báo, ngày 18/6 tới đây sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng và ngày 21/6 là ngày đăng ký cuối cùng.

Nguồn vốn phát hành là quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020. Sau khi phát hành, vốn điều lệ dự kiến của VCI sẽ tăng gấp đôi từ mức 1.665 tỷ đồng lên 3.330 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, VCI là công ty hiếm hoi trong ngành đặt mục tiêu tập trung 3 năm sẽ tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu mà không cần huy động vốn từ bên ngoài.

Tính từ đầu quý II/2020 trở lại đây, cổ phiếu VCI tăng gần 60%, còn tính trong 1 năm gần nhất, VCI tăng giá hơn 374% - đang được ví là siêu cổ phiếu mang lại lợi suất đầu tư ấn tượng cho nhiều nhà đầu tư. Giới đầu tư tiếp tục đặt kỳ vọng cổ phiếu VCI sẽ thêm nhiều kỳ tích sau khi thưởng xong cổ phiếu 1:1.

Kỳ vọng này không phải không có cơ sở, khi VCI đang nắm trong tay các hợp đồng IB (ngân hàng đầu tư) lên đến hàng tỷ USD.

Nếu như năm 2020, mảng IB của VCI bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid, chỉ mang về lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, thì năm 2021, tình hình thay đổi lớn, theo hướng tích cực hơn.

Cụ thể, số hợp đồng VCI ký trước đó sẽ đi vào thực hiện, dự kiến tư vấn IPO tổng giá trị huy động 200 triệu USD, tư vấn M&A giá trị thực hiện 2,3 tỷ USD, huy động vốn 100 triệu USD… Đây là cơ sở quan trọng cho hình hình kinh doanh sáng sủa cho 2 năm tới.

Từ đầu năm đến nay, thương vụ tư vấn đình đám nhất với vai trò là đơn vị tư vấn độc quyền bên bán của VCI là thương vụ chuyển nhượng 49% vốn của FE CREDIT cho đối tác Nhật Bản. Giá trị thương vụ là 1,4 tỷ USD.

FE CREDIT hiện là công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 lượt giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và hơn 13.000 nhân viên. Tính đến nay, FE CREDIT đã phục vụ gần 11 triệu người Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp – được đánh giá là lợi thế lớn nhất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Một thương vụ M&A khác được luồng thông tin trên thị trường rỉ tai nhau từ năm 2020 là Masan Group mua lại một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam. Thương vụ này được công bố chính thức vào ngày 24/ 5/2021 vừa qua.

Theo đó, Masan xác nhận The Sherpa, một công ty thành viên của Masan, đã ký kết thỏa thuận mua lại 20% Công ty cổ phần Phúc Long Heritage - doanh nghiệp sở hữu Phúc Long, một trong những thương hiệu chuỗi bán lẻ trà và cà phê hàng đầu Việt Nam, với mức giá 15 triệu USD.

VCI tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” khi là đơn vị uy tin với nghiệp vụ Ngân hàng Đầu tư (IB), đánh dấu cột mốc quan trọng trên thị trường vốn Việt Nam với thương vụ quy mô lớn đầu tiên mà các bên tham gia đều là người Việt Nam.

Vừa qua, VCI cũng tư vấn IPO thành công cho Công ty Dịch vụ bất động sản Đất Xanh, giá trị đợt IPO là 100 triệu USD.

Trong lĩnh vực chứng khoán, tên tuổi Chứng khoán Bản Việt không xa lạ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi vị thế hàng đầu, đặc biệt ở mảng Ngân hàng đầu tư (IB) giúp công ty này tăng trưởng tốt qua các.

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) thường xuyên cao nhất trong ngành, năm 2016 là 30%, gần như gấp đôi các công ty chứng khoán khác. Giai đoạn tăng trưởng nhanh là 2014 - 2018, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu là 31% và CAGR lợi nhuận ròng là 54%, trong khi tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức trên 24% kể từ năm 2014.

VCI có phần chững lại trong giai đoạn 2019 - 2020 dù vậy vẫn duy trì mức sinh lợi so với mức chung trên thị trường, quanh 20% từ 2007 đến nay. ROAE năm 2020 là 17,9%.

Nhân viên Công ty cũng là đội ngũ có năng suất lao động nằm trong top 1 trong ngành, với 248 nhân sự, tương ứng trung bình mỗi nhân sự góp phần mang về hơn 3,1 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2020, và mang về đến 1,18 tỷ đồng lợi nhuận/nhân sự trong quý I/2021.

Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của VCI đa dạng, từ tư vấn, tự doanh, môi giới và cho vay margin. VCI liên tục nhiều năm liền trong Top 3 thị phần giao dịch trên HOSE. Năm 2021, mục tiêu của VCI là nằm trong Top thị phần lớn nhất và có hiệu quả của mảng môi giới có thể lớn nhất.

Không bỏ qua cơ hội trước làn sóng nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư mới, VCI dù không chạy đua về phí, giá, nhưng cũng có những chiến lược riêng biệt nhằm mang đến dịch vụ, trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng (các chương trình thu hút khách hàng mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, eKYC…).

Đồng thời, tận dùng nguồn vốn rẻ, năm 2021, VCI sẽ huy động khoản vay tín chấp thứ 2 với lãi suất rất rẻ so với ngân hàng trong nước để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, trong đó có hoạt động cho vay margin.

Nhiều thông tin cho biết, VCI vẫn đang tiếp tục thực hiện các thương vụ tư vấn giá trị lớn khác, chưa kể đến danh mục tự doanh của VCI toàn những cổ phiếu tốt, tăng trưởng mạnh trên thị trường. Theo đó, dự báo, lợi nhuận VCI năm nay sẽ có sự bứt phá đáng kể - giá cổ phiếu cũng đang phản ánh những kỳ vọng tích của của nhà đầu tư đối với VCI.

Tin bài liên quan