Sáng tạo - Chìa khóa để doanh nghiệp đi xa
Tập đoàn Viettel vừa được xướng tên tại giải thưởng Telecom Asia Awards năm 2019 - giải thưởng uy tín nhất khu vực châu Á về lĩnh vực viễn thông.
Trong đó, Dự án Trung tâm Điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt giải ở hạng mục Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á; Keeng Movies được vinh danh là một trong bốn dịch vụ video sáng tạo nhất châu Á; Viettel Pay được vinh danh là một trong bốn dịch vụ thanh toán di động sáng tạo nhất châu Á.
Đổi mới, sáng tạo đã giúp một doanh nghiệp Việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ phát triển công nghệ khu vực. Theo Viettel, Trung tâm điều hành Thừa Thiên - Huế được đưa vào vận hành từ năm 2018, Tập đoàn xây dựng theo hình thức “may đo” theo yêu cầu và đặc thù của tỉnh.
Đó là điểm độc đáo được Telecom Asia Awards 2019 ghi nhận, Ban Tổ chức đánh giá cao sự thông minh và phù hợp với đặc thù của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đảm bảo việc phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao trải nghiệm của người dân và khách du lịch, nhưng vẫn bảo tồn được nét cổ kính của trung tâm văn hóa lịch sử của đất nước.
Hiện nay, Trung tâm điều hành thông minh đã được Viettel đưa vào vận hành tại 3 tỉnh là Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Các giải pháp này đều được xây dựng riêng để phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, giao thông, an ninh công cộng, ứng cứu khẩn cấp, an toàn thông tin và phân tích dữ liệu.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xác định, đổi mới, sáng tạo là chìa khóa để họ bước đến thành công và vươn ra chinh phục thị trường quốc tế. Đổi mới, sáng tạo có nhiều nội dung, trong đó có đổi mới quản trị, đổi mới sản phẩm và đổi mới về quy trình công nghệ... Những doanh nghiệp quy mô nhỏ thường gặp khó khăn hơn so với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn khi đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế.
Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, xu hướng đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây.
Với những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, trong đó có cả các doanh nghiệp nhà nước, điển hình như Viettel, VNPT, có điều kiện về tài chính đã đầu tư cho quỹ khoa học công nghệ và hoạt động khoa học công nghệ trong doanh nghiệp. Vì vậy, việc đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo nói chung và đổi mới công nghệ nói riêng thuận lợi hơn.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI cũng đã và đang đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.
Sáng tạo hơn sẽ thành công hơn
Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng: "Sẽ không còn có chuyện cá lớn nuốt cá bé nữa mà bất kể một con cá nào cũng có thể làm nên chuyện nếu sáng tạo và tận dụng được công nghệ”.
Tại FPT Retail, lãnh đạo luôn khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo và truyền lửa cho đội ngũ nhân viên cùng dốc sức với những ý tưởng đột phá.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT, nếu tất cả người FPT đều nâng cao tinh thần cải tiến, tiết kiệm sẽ mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.
Một trong những cách hiệu quả để cải tiến là đề xuất từ “người trong cuộc”. Chương trình đổi mới, sáng tạo được FPT triển khai từ tháng 4/2018 trên toàn hệ thống với tên gọi iDo.
Từng công ty thành viên đăng ký khởi động chương trình riêng như FPT Online với chương trình mang tên “Find you ideas”, FPT Telecom với “Xe cải tiến”, FPT Software là “Post &Tag”, FPT Retail là “We love - We change”…
Cuối tháng 8/2018, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã công bố kết quả điều tra thí điểm về hoạt động đổi mới, sáng tạo trong các doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2016. Trong số 7.641 phiếu điều tra thu được, có 4.709 doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo (61,63%), 2.841 doanh nghiệp không có hoạt động đổi mới, sáng tạo (37,18%) và 91 doanh nghiệp (1,19%) không xác định được đã thực hiện hoạt động đổi mới, sáng tạo hay chưa.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng nhiều đến đổi mới, sáng tạo. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp coi cái gốc của lợi thế cạnh tranh chính là sáng tạo cùng chiến lược kinh doanh linh hoạt.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội của thị trường 100 triệu dân với cơ cấu dân số vàng để tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, liên kết với các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu. Điều này có ý nghĩa quyết định trong đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Trong một diễn đàn mới đây, bà Ninh Thị Bích Thùy, Tổng giám đốc Công ty Thép TVP chia sẻ, chuyển đổi công nghệ số đã giúp Công ty bước lên một nấc thang mới.
“Tôi quyết định đầu tư vào dây chuyền sản xuất từ năm 1996, thời điểm đó, công suất dây chuyền thép chỉ 200.000 tấn/năm, nhưng giờ đã hơn 2 triệu tấn/năm. Trước sức ép của thị trường, tôi mạnh dạn chuyển đổi công nghệ số, sử dụng công nghệ mới làm tăng năng suất lao động, có được giá thành cạnh tranh và mở rộng được thị phần trong và ngoài nước”, bà Thùy nói.
Đáng chú ý là câu chuyện tại Nutifood Việt Nam, một trong những điển hình cho sức vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp nhờ đổi mới, sáng tạo. Nutifood từng có giai đoạn lâm vào khủng hoảng tài chính, thua lỗ hết vốn điều lệ, nhưng dần dần hồi phục, chủ yếu là nhờ nghiên cứu sản phẩm mới - sữa đặc trị dành cho trẻ em suy dinh dưỡng. Hiện tại, doanh nghiệp này đã có 3 năm liên tiếp dẫn đầu thị trường sữa đặc trị.
Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Nutifood cho hay, Công ty dành ngân sách lớn cho đầu tư và nghiên cứu sản phẩm mỗi năm. Hoạt động đổi mới, sáng tạo được duy trì liên tục ở Nutifood.
Năm 2018, doanh thu của Nutifood đạt hơn 11.000 tỷ đồng. Nhìn lại hành trình đã đi, doanh nhân Trần Thị Lệ chia sẻ, giá trị lớn nhất làm nên thành công đối với bà là có đam mê và lý tưởng, biết dấn thân và kiên định với mục tiêu.
Sở hữu những sản phẩm sáng tạo, chất lượng, cùng nỗ lực đổi mới không ngừng sẽ giúp doanh nghiệp Việt đi xa hơn, đi nhanh hơn trên thị trường kinh doanh vốn cạnh tranh rất khốc liệt.