Các đại biểu biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội. (Ảnh: TTXVN).
Sáng 26/1, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, với sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên.
Trong số đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỷ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỷ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%...
Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu...
Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu; đồng thời chỉ định 15 đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa định hướng tương lai, từ đó tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước.
Các văn kiện trình Đại hội XIII lần này không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (năm kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng); và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Chương trình của Đại hội cũng tập trung kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo chương trình, sau nghi thức khai mạc, Đại hội sẽ ghe trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Buổi chiều, Đại hội tiến hành làm việc tại Đoàn.
Trước đó, ngày 25/1, Đại hội đã họp phiên trù bị thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch gồm 17 đồng chí, Đoàn Thư ký gồm 5 đồng chí, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.