Sáng 24/4: Bắt đáy cuối phiên

Sáng 24/4: Bắt đáy cuối phiên

(ĐTCK) Việc thị trường giảm mạnh giữa phiên đã thúc đẩy lực bắt đáy vào cuối phiên, giúp đà giảm của thị trường được hãm bớt và là tín hiệu tích cực cho phiên chiều.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 24/4 với sắc xanh nhạt. Tuy nhiên, màu xanh nhanh chóng biến mất khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh liên tục.

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,5 điểm (0,11%), lên 465,67 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 45,5 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, chỉ lác đác một vài mã tăng điểm, còn lại là đứng giá tham chiếu và giảm điểm. Trong đó, HAG ngay sau khi được khớp giá trần đã nhanh chóng giảm giá khi bước vào đợt giao dịch khớp lệnh liên tục. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 100:15 của HAG.

Đà tăng của thị trường cũng yếu đi khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu khoáng sản như BMC, KSA, KSH, KSS, KTB và các mã sắt thép như POM, HSG lại giữ được đà tăng rất tốt.

Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu khoáng sản trong nhiều phiên liên tiếp đã thúc đẩy hoạt động chốt lời trong phiên sáng nay. Ngoại trừ BMC và LBM có lượng bán rất ít, các cổ phiếu khoáng sản khác như KSA, KSH, KSS, đặc biệt là KTB đang có dấu hiệu bị chốt lời khi lượng giao dịch tăng lên đáng kể.  Tuy nhiên, nhờ lực mua mạnh đã giúp các cổ phiếu khoáng sản vẫn giữ được mức tăng trần ấn tượng.

Trong phiên sáng nay, ngoại trừ nhóm cổ phiếu khoáng sản và một vài cổ phiếu nhỏ khác có mức tăng trần, còn lại đại đa số các mã khác mã khác được giao dịch dưới tham chiếu, khiến đà giảm của thị trường mỗi lúc một mạnh thêm.

Tuy nhiên, về cuối phiên, lực mua được cải thiện đã hãm đã giảm của thị trường và là dấu hiệu tích cực cho phiên giao dịch buổi chiều.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, VN-Index giảm 1,9 điểm (-0,41%), xuống 463,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,39 triệu đơn vị, tương đương giá trị 715,95 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận là 3,3 triệu đơn vị, trị giá 106,52 tỷ đồng (riêng KDC được thỏa thuận hơn 2,15 triệu cổ phiếu, trị giá 90,47 tỷ đồng).

Mức chốt lời đầu phiên khiến nhóm cổ phiếu khoáng sản có giao dịch khá sôi động, trong đó đáng chú ý nhất là KTB với khối lượng giao dịch hơn 1,25 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất sàn HOSE trong phiên sáng là SAM với gần 2,22 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua vào hơn 2 triệu đơn vị trên HOSE, trong đó DPM được mua vào nhiều nhất với 236.100 cổ phiếu.

Với 11 mã tăng giá, 6 mã đứng giá và 13 mã giảm giá, VN30 kết thúc phiên sáng đứng ở mức 532,16 điểm, giảm 1,44 điểm (0,27%).

Trên sàn HNX, màu xanh cũng xuất hiện ngay từ đầu phiên khi chỉ có lác đác vào mã có giao dịch, đà tăng sau đó suy yếu khi có thêm giao dịch ở các mã khác, nhất là các bluechip.

Danh sách 6 công ty chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát đặc biết được công bố tuy không có công ty nào niêm yết, nhưng cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến nhóm cổ phiếu chứng khoán khiến nhóm này bị nhuốm đỏ, trong đó có ORS, PHS, VIG giảm sàn. Tuy nhiên, trong nhóm này vẫn có 3 mã giữ được đà tăng, ngoại trừ VIX tiếp tục tăng trần ấn tượng với sự hỗ trợ từ thông tin Chủ tịch HĐQT Công ty mua vào lượng lớn trước đó, sáng nay TAS cũng được đẩy lên mức trần với dư mua khá lớn, trong khi đó IVS cũng đóng cửa ở sát mức giá trần.

Kết thúc phiên sáng, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,45%), xuống 77,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,22 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 425,9 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận là 3,33 triệu cổ phiếu, trị giá 70,91 tỷ đồng.

Ngoài nhóm cổ phiếu khoáng sản vẫn được duy trì đà tăng trần, phiên sáng nay cổ phiếu SCR tạo được nhiều chú ý khi được kéo trần với lượng giao dịch khá lớn, trên 3,23 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này chỉ đứng thứ 2 về tính thanh khoản trên HNX sau cổ phiếu PVX với 3,44 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu HBB cũng có khối lượng khớp trên 3 triệu cổ phiếu.

Sáng nay, nhà đầu tư bán ròng khá lớn trên HNX khi họ mua vào 497.400 cổ phiếu, trong khi bán ra 1.322.800 cổ phiếu. Trong đó, họ bán ra mạnh nhất là PVX với 534.500 cổ phiếu, KLS đứng thứ 2 với 350.000 cổ phiếu, trong khi đó, họ mua vào nhiều nhất là PVS với 187.400 cổ phiếu.