Sáng 17/5: Lực bán gia tăng

Sáng 17/5: Lực bán gia tăng

(ĐTCK) Sắc xanh chỉ xuất hiện yếu ớt trong một khoảng thời gian ngắn trước khi đảo chiều giảm điểm vào cuối phiên trước dấu hiệu lực bán gia tăng.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần, lực bán bất ngờ tăng mạnh hơn so với thường lệ khiến thị trường giảm điểm với sắc đỏ chiếm thể chủ đạo và thanh khoản tốt hơn nhiều so với đợt mở cửa của các phiên gần đây.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 0,35 điểm (-0,07%), xuống 489,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị 77 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm của VN-Index được nới rống thêm khi các mã bluechip đều mất điểm. Tuy nhiên, đà giảm không quá mạnh mà chủ yếu giằng co quanh mốc 489 điểm. Đến khoảng 9h30, VN-Index bất ngờ đảo chiều nhờ sự hỗ trợ của các bluechip như CTG, VIC, GMD. Tuy nhiên, màu xanh cũng nhanh chóng bị dập tắt ngay sau đó.

Đến 9h33, VN-Index giảm 0,51 điểm (-0,1%), xuống 489,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,26 triệu đơn vị, tương đương giá trị 214,17 tỷ đồng.

Các mã có kết quả kinh doanh tốt và chia cổ tức cao vẫn giữ được đà tăng như GMD, PGD, HSG, DHM, LIX, PPC, REE…

Cổ phiếu HAG hiện cũng giằng co dưới mốc tham chiếu khi lực bán giá thấp không nhiều, trong khi bên mua vẫn đang nghe ngóng quanh vụ báo cáo của Global Witness.

Đến 9h37, với việc MSN tăng giá trở lại, cùng với sự hỗ trợ các các bluechip khác giúp VN-Index một lần nữa vượt qua mốc tham chiếu khi tăng 0,79 điểm (+0,16%), lên 491,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,6 triệu đơn vị, trị giá 235,23 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HNX, dù có được sự hỗ trợ rất tốt từ mã cổ phiếu có tác động lớn tới chỉ số là ACB sau thông tin mua lại cổ phiếu quỹ, nhưng HNX-Index không thể gượng dậy.

Đến 9h40, HNX-Index đang đứng ở mức  60,41 điểm, giảm 0,53 điểm (-0,87%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 4,55 triệu đơn vị, tương đương giá trị 36,4 tỷ đồng.

Đà tăng của VN-Index được duy trì khoảng 20 phút trước khi quay đầu giảm trở lại xuống dưới mốc tham chiếu và duy trì sắc đỏ cho đến hết phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,67 điểm (-0,34%), xuống 488,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,33 triệu đơn vị, tương đương giá trị 609 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận 5,14 triệu đơn vị, trị giá 112 tỷ đồng. Riêng REE đã đóng góp gần 4,56 triệu đơn vị, trị giá 102,53 tỷ đồng trong giao dịch thỏa thuận.

Ngoài thỏa thuận lớn, REE cũng được mua vào nhiều trong phiên sáng nay với lượng khớp gần 2,77 triệu đơn vị, đứng ở mức giá 22.100 đồng/cổ phiếu, tăng 500 đồng (+2,32%). Đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE trong sáng nay.

REE duy trì được đà tăng ấn tượng, cùng sự quan tâm lớn của nhà đầu tư nhờ kết quả kinh doanh khá trong quý I. Theo báo cáo tài chính quý I/2013, dù lợi nhuận sau thuế giảm 57% so với cùng kỳ, nhưng do quý I năm trước, REE có khoản doanh thu tài chính đột biến nhờ bán cổ phiếu STB và hoàn nhập dự phòng. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố thu nhập bất thường, doanh thu và lợi nhuận gộp của REE trong quý I năm nay đều tăng, trong đó, lợi nhuận gộp tăng gần 15% so với cùng kỳ.

Một cổ phiếu khác cũng tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh quý I khả quan là PPC, với mức tăng trong phiên sáng nay là 1.400 đồng (+5,81%), có thời điểm tăng trần lên 25.700 đồng/cổ phiếu. PCC duy trì chuỗi tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh quý I có lợi nhuận tăng đột biến do đồng yên giảm mạnh. Sáng nay, PPC được khớp 1,77 triệu đơn vị, đứng sau REE, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 0,57 triệu đơn vị.

Ngoài 2 mã bluechip trên, TDC cũng được mua vào mạnh trong phiên sáng nay với lượng khớp đạt hơn 1,52 triệu đơn vị, đứng ở mức trần 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong nhóm VN30, ngoài REE, còn có thêm 5 mã nữa tăng giá là CTG, DRC, HSG, IJC và VIC. Tuy nhiên, số mã giảm điểm lại nhiều hơn gấp đôi với 13 mã, khiến VN30-Index giảm 0,86 điểm (-0,15%), xuống 555,15 điểm.

Cổ phiếu HAG giảm nhẹ 200 đồng, dù có thời điểm vượt qua mốc tham chiếu. Trong khi đó, vừa công bố kết quả kinh doanh 4 tháng với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 464 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch năm, cùng nhiều mảng kinh doanh khác tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng cổ phiếu FPT cũng không thể tăng nổi, mức giá tốt nhất của mã này trong sáng nay là mức tham chiếu 38.800 đồng/cổ phiếu, trước khi đóng cửa phiên sáng giảm 200 đồng, xuống 38.600 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài ngoài mua vào mạnh PPC, còn mua vào nhiều các mã khác như DPM (394.140 đơn vị), DRC (180.150 đơn vị), TDC (102.950 đơn vị).

Trên HNX, xu hướng tiêu cực hơn HOSE khi chỉ số HNX-Index không một lần về được mốc tham chiếu, dù ACB duy trì được sắc xanh trong toàn bộ thời gian của phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, với 58 mã tăng, 93 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 0,79 điểm (-1,30%), xuống 60,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14 triệu đơn vị, tương đương giá trị 112,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Với 6 mã tăng, 15 mã giảm, chỉ số HNX30-Index cũng mất 1,37 điểm (-1,2%), xuống 112,91 điểm.

Các mã ngân hàng niêm yết trên HNX chỉ có ACB tăng nhẹ sau thông tin mua cổ phiếu quỹ và trả cổ tức, còn lại SHB và NVB điều giảm, trong đó, NVB giảm tới 7,1%, xuống 6.500 đồng/cổ phiếu, trong khi SHB giảm nhẹ 100 đồng, xuống 6.800 đồng/cổ phiếu và đứng đầu về thanh khoản với 3,72 triệu đơn vị được khớp.

Nhà đầu tư nước ngoài mua vào nhiều các mã PVS (155.900 đơn vị) và PVC (95.500 đơn vị), trong khi bán ra nhiều nhất là PVC với 56.400 đơn vị.

Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 0,61 điểm  xuống còn 478,20 điểm (-0,13%). Trong đó có 10 mã tăng giá, 25 mã giảm và 15 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như PPC (5,8%), REE (2,3%), HSG (1,4%), ACB (1,3%) và DHG (1,3%). Giảm mạnh nhất là các mã như SBT (-8,4%), NVB (-7,1%), VCB (-2,0%), PVX (-1,9%) và NTP (-1,6%).

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2012 bằng tiền mặt, tỷ lệ 6,85% của ACB và nhận cổ tức bằng tiền mặt, tỷ lệ 10% của SBT. Trên sàn HNX, giá tham chiếu của ACB được điều chỉnh giảm 685 đồng và trừ thẳng vào giá tham chiếu, từ 16.600 đồng, xuống 15.900 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, trên SBT, giá tham chiếu của SBT không bị trừ ngay, mà giá tham chiếu của SBT trong phiên sáng nay vẫn là giá đóng cửa của phiên hôm qua. Vì vậy, trên bảng điện tử của sàn HOSE, SBT giảm 1.300 đồng/cổ phiếu, nhưng thật chất mã này chỉ giảm 300 đồng (-2,07%). Do đó, mã giảm mạnh nhất trong rổ VIR50 trong phiên sáng nay là NVB, với mức giảm 7,1%.

 

DXP: Ngày GDKHQ nhận cổ tức lần 2/2012 (50%)

MDC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (12%)

S96: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2013

OCH: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản

SBT: Ngày GDKHQ nhận cổ tức (10%)

BMC: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2013

MNC: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2013 và trả cổ tức năm 2011 (5%)

SGC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 3/2012 (3%)

HTL: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (5%)

ACB: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (6,85%)

QTC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (50%)