Trong Dự thảo Nghị định trình Thủ tướng, Bộ Giao thông - Vận tải cho phép các doanh nghiệp kinh doanh taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi có quyền lựa chọn giữa việc đeo mào TAXI hoặc chỉ phải gắn 1 tấm biển vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 6 x 20 cm.
Việc định danh doanh nghiệp cung cấp nền tảng kết nối và doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô cũng gần hơn với thực tế cũng như mong muốn của các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ. Theo định nghĩa mới, đơn vị cung cấp nền tảng trong hoạt động kinh doanh vận tải là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho các đơn vị kinh doanh vận tải với hành khách hoặc người thuê vận tải; tất cả các hoạt động kết nối diễn ra trong môi trường số.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô khi tham gia thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong khi trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe được định nghĩa là việc đơn vị kinh doanh vận tải giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hoá thông qua nền tảng kết nối (diễn ra trong môi trường số), Lệnh vận chuyển, Hợp đồng vận chuyển hoặc Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).
Cần phải nói thêm rằng, các nội dung nói trên đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi diện mạo của giao thông đường bộ, khiến những mâu thuẫn về lợi ích của những “người mới” - mà đại diện là Grab, Uber - với các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống gần như không thể dung hòa.
Điều này là lý do khiến Dự thảo Nghị định liên quan sát sườn 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ô tô chưa thể ban hành sau hơn 4 năm “đập, sửa” với ít nhất 12 lần trình Chính phủ.
Có thể thông cảm với Ban Soạn thảo về sự chậm trễ, lúng túng này, bởi việc định danh chính xác các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối (như trường hợp của Grab hay Uber) để vừa phát huy những hiệu ứng tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, vừa không để xảy ra kẽ hở pháp lý trên cơ sở bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng thực sự vẫn là thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Sẽ rất khó có một dự thảo nghị định làm hài lòng tất cả các bên cũng như có thể giải quyết tất cả các vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi. Ngay cả những nhân nhượng mới nhất của cơ quan chuyên môn cũng chỉ có thể kiểm nghiệm tính đúng, sai qua thực tiễn hoạt động, nhất là trong bối cảnh sự ra đời của một nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang là đòi hỏi rất cấp bách.
Trước đó, việc Bộ GTVT có Quyết định số 24/QĐ - BGTVT ngày 7/1/2017 về triển khai Kế hoạch thí Điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh có thể coi là một cơ chế sandbox giúp cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản thử nghiệm công nghệ mới 4.0 trong lĩnh vực vận tải. Mặc dù vậy, không thể tiếp tục kéo dài quá lâu cơ chế sandbox bởi điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa nhiều hãng taxi.
Sau gần 4 năm xây dựng, đã đến lúc phải đặt niềm tin vào cơ quan soạn thảo, đơn vị có chuyên môn cao nhất, có cái nhìn toàn diện nhất và cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Sức ép kéo, đẩy từ các bên, xét cho cùng, cũng không thể lớn bằng nhu cầu sớm đưa Dự thảo Nghị định “lăn bánh” để điều chỉnh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mang tính xã hội rất cao này.