Sản phẩm CW sẽ vận hành trong quý II/2019

(ĐTCK) Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ sở pháp lý cho tới hệ thống giao dịch, giám sát… đã cơ bản hoàn thiện để đưa sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) đi vào hoạt động trong quý II này.

Nghị định số 60/2015/NÐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 107/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành đã tạo dựng hành lang pháp lý cho việc phát hành và giao dịch CW. Thị trường trông đợi sản phẩm mới này từ lâu. Vậy, công tác chuẩn bị triển khai sản phẩm CW đã được tiến hành đến đâu, thưa bà?

Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị của cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường cho sự ra đời của CW cơ bản đã hoàn tất.

Cụ thể, về khung pháp lý cho triển khai sản phẩm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã hoàn thiện bộ Quy chế hướng dẫn về CW, đồng thời xây dựng các quy trình nghiệp vụ có liên quan. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW.

Về hạ tầng công nghệ của các thành viên, do hoạt động giao dịch CW tương tự như cổ phiếu, nên không có sự điều chỉnh lớn đối với hệ thống giao dịch của HOSE, cũng như hệ thống thanh toán bù trừ của VSD. 

 Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Ðối với các công ty chứng khoán là tổ chức phát hành, ngoài hệ thống giao dịch, còn cần phải đầu tư hệ thống phục vụ hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro. Báo cáo từ các công ty chứng khoán cho thấy, nhiều công ty đã đầu tư, lắp đặt hệ thống và hoàn tất việc chạy thử nghiệm với HOSE.

Tương tự việc triển khai sản phẩm phái sinh, trong thời gian đầu, cơ quan quản lý sẽ giới hạn nhất định một số công ty chứng khoán đủ các tiêu chuẩn để tham gia phát hành CW.

Phía HOSE cũng đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống giám sát giao dịch cùng với hệ thống giám sát hoạt động của tổ chức tạo lập thị trường. Các hệ thống đã được thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sử dụng. UBCK cũng phối hợp với HOSE và VSD để tăng cường sự giám sát. Ðồng thời, phối hợp với các tổ chức đào tạo cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư hiểu hơn về sản phẩm CW trước khi đầu tư nhằm tránh rủi ro. 

Việc đưa sản phẩm CW vào triển khai sẽ mang lại những lợi ích gì?

Mục tiêu của cơ quan quản lý khi đưa CW vào vận hành là nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

Bên cạnh đó, việc triển khai CW cũng thúc đẩy sự phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường chứng khoán dựa trên tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, hài hòa với điều kiện thực tế của Việt Nam, hội nhập với thị trường tài chính khu vực và thế giới.

CW ra đời sẽ bổ sung nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường, là cơ hội cho các công ty chứng khoán cải thiện chất lượng hoạt động nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm. Tổ chức giao dịch CW dựa trên tài sản cơ sở ban đầu là cổ phiếu, nhưng về dài hạn, phát triển các sản phẩm cơ cấu phức tạp hơn như callable bear/bull contract.

Ðối với nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, sản phẩm này sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với cổ phiếu truyền thống hay chứng chỉ quỹ.

CW tuy có đặc điểm như một sản phẩm phái sinh, nhưng được giao dịch tương tự như cổ phiếu, sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài cũng không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu chứng quyền. Ðiều này sẽ giúp họ có thể tham gia đầu tư vào những chứng khoán đã hết room trên sàn, tạo thanh khoản và tăng sự hấp dẫn cho cả chứng quyền và sản phẩm cơ sở. 

Rủi ro của phương thức phát hành, giao dịch và thanh toán giao dịch của sản phẩm này đang là vấn đề được thị trường quan tâm. Bà có lưu ý gì với các cá nhân và doanh nghiệp tham gia giao dịch CW?

Bên cạnh ưu điểm, CW cũng tồn tại những mặt hạn chế và rủi ro nhất định, mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành cần lưu ý.

Ðối với các công ty chứng khoán, để có thể trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty phải có tiềm lực tài chính vững mạnh để đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm. Quy định pháp luật còn yêu cầu tổ chức phát hành phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại chứng quyền dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán.

Ðây là một khoản chi phí lớn trong quá trình phát hành CW. Ngoài ra, trong quá trình phát hành sản phẩm, công ty chứng khoán còn phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm CW mà mình phát hành.

Về phía nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, đòn bẩy tài chính là “con dao hai lưỡi”, nhà đầu tư có thể bị gia tăng mức độ thua lỗ do tác động ngược của đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn chịu rủi ro biến động giá, vòng đời giới hạn của CW, rủi ro từ tổ chức phát hành bị phá sản, gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi CW đáo hạn, hay khi nhà đầu tư thực hiện quyền. Nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chứng quyền, quy định pháp luật cũng không cho phép nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ đối với CW.

Có 3 điều nhà đầu tư cần phải lưu ý khi tham gia sản phẩm CW. Một là, cần phải hiểu biết về sản phẩm để sử dụng CW một cách đúng đắn cho những mục đích thích hợp.

Hai là, xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng CW là để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư, hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở. Mỗi một mục tiêu đòi hỏi một chiến lược sử dụng khác nhau.

Kể từ ngày 18/3/2019, Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp với Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cập nhật Bảng công bố thông tin giá giao dịch hàng tuần một số mặt hàng. 

Ba là, cần phải tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành về năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, cũng như thông tin về đợt phát hành chứng quyền, theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy.

Vậy, cơ quan quản lý có những biện pháp nào để bảo vệ nhà đầu tư trong những trường hợp các tổ chức phát hành không thể thanh toán vào thời điểm CW đáo hạn?

Việc tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư sở hữu chứng quyền và ảnh hưởng đến toàn thị trường. Ðây là điều thị trường lo ngại, song, các quy định đã được lập ra để hạn chế tối đa khả năng này.

Ðơn cử, theo quy định tại Nghị định 60, để trở thành tổ chức phát hành chứng quyền, các công ty chứng khoán phải có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên và có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hay theo quy định tại Thông tư 107, trong thời gian còn hiệu lực của chứng quyền, tổ chức phát hành chứng quyền có nghĩa vụ thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư khi chứng quyền đáo hạn.

Cũng lưu ý thêm, hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành được theo dõi giám sát chặt chẽ bởi HOSE thông qua chế độ báo cáo hàng ngày và Sở có quyền yêu cầu tổ chức phát hành giải trình nếu xét thấy các thông số đưa ra chưa hợp lý.

Cùng với đó, Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro của UBCK cũng quy định hạn mức chào bán nhất định đối với tổ chức phát hành. Theo đó, chỉ công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính tốt (tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 250%) mới được phát hành chứng quyền và chỉ được phát hành giá trị tương đương từ 5 - 20% vốn khả dụng của công ty.

Trong trường hợp tổ chức phát hành xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán, Thông tư 107 cũng đã quy định tài sản dùng để thanh toán cho người sở hữu chứng quyền, bao gồm tài sản phòng ngừa rủi ro và các tài sản khác có trên tài khoản tự doanh; tài sản có trên tài khoản ký quỹ tại ngân hàng lưu ký hoặc bảo lãnh thanh toán (số tiền ký quỹ 50% tổng giá trị chứng quyền phát hành).

Trường hợp không đủ tài sản để thanh toán thực hiện quyền, việc giải quyết quyền lợi cho người sở hữu chứng quyền thực hiện theo quy định pháp luật liên quan áp dụng đối với chủ nợ có bảo đảm một phần.

Tin bài liên quan