Giá cổ phiếu VGC của Viglacera tăng mạnh nhờ thông tin Gelex thâu tóm doanh nghiệp. Ảnh: Dũng Minh.

Giá cổ phiếu VGC của Viglacera tăng mạnh nhờ thông tin Gelex thâu tóm doanh nghiệp. Ảnh: Dũng Minh.

Săn cổ phiếu M&A

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những biến động M&A mùa đại hội luôn tạo cơ hội cho các nhà đầu tư theo sóng và mùa đại hội 2021 không là ngoại lệ.

CMC về tay Nhựa Đồng Nai

Trong một năm qua, giá cổ phiếu CVT của Công ty cổ phần CMC đã tăng 228,1%, còn nếu tính riêng trong tháng 3 vừa qua, cổ phiếu này tăng 16,5%. Đà tăng mạnh của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không có gì đột biến.

Năm 2020, CMC ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 1.360,4 tỷ đồng, giảm 13,96%; lợi nhuận sau thuế 120,6 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2019. Các năm trước đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thường quanh mức hơn 160 tỷ đồng.

Cổ phiếu CVT bắt đầu thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường khi có chuỗi tăng trần 5 phiên liên tục từ ngày 17/11 đến 23/11/2020, đạt 39.350 đồng/cổ phiếu, tăng gấp đôi so với đầu năm 2020.

Thời điểm đó, đà tăng nóng của CVT được xem là xuất phát từ việc Công ty cổ phần Gạch ốp lát Hoà Bình Minh công bố sở hữu 6,3 triệu cổ phiếu CVT, tương ứng tỷ lệ 17,06% và trở thành cổ đông lớn.

Ở chiều ngược lại, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương, các thành viên Hội đồng quản trị, bao gồm Chủ tịch Dương Quốc Chính đồng loạt bán ra cổ phiếu và không còn là cổ đông lớn của CVT.

Gạch ốp lát Hòa Bình Minh là thành viên của Tổng công ty Hòa Bình Minh, tập đoàn hoạt động kinh doanh đa ngành, trong đó có mảng vật liệu xây dựng.

Hòa Bình Minh chính thức tham gia phân phối các sản phẩm gạch ốp lát từ năm 2015 với các thương hiệu CMC (của CVT), Viglacera, Prime, Vitto, Hoàng Gia…, đồng thời cho ra mắt bộ sưu tập Sunrise, Vision mang thương hiệu độc quyền Hòa Bình Minh.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ hướng tới mở rộng và phát triển thành chuỗi trung tâm vật liệu xây dựng trong cả nước. Với chiến lược này, không có gì ngạc nhiên khi CMC trở thành mục tiêu được nhắm tới.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, cuộc đua sở hữu tại CMC đã tới hồi kết khi Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP) trở thành cổ đông nắm quyền chi phối, đưa CMC thành công ty con. Dù từ ngày 25/3/2021, Nhựa Đồng Nai mới thâu tóm xong CMC, nhưng Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới bầu của CMC từ ngày 20/3 đã có 4/7 thành viên là người của Nhựa Đồng Nai.

Trước câu hỏi về nhóm nhà đầu tư khác là Tổng công ty Hoà Bình Minh, liệu có sự mâu thuẫn giữa hai nhóm cổ đông lớn, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Ngô Đức Vũ, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Đồng Nai, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị CMC cho biết, các cổ đông đều có chung một mục tiêu và tầm nhìn với CMC. Hai cổ đông đều có thế mạnh trong sản xuất - kinh doanh và phân phối vật liệu xây dựng nói chung, gạch ốp lát nói riêng, nên sẽ đem đến lợi thế rất tốt cho CMC khi mở rộng hoạt động.

Viglacera trở thành công ty con của Gelex

Ngày 6/4/2021, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã chứng khoán GEX) thông báo đã mua 18,57 triệu cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera trong thời gian từ 8/3 đến 6/4/2021. Trước đó, Gelex đăng ký mua 22,5 triệu cổ phần VGC. Lý do không mua hết số cổ phiếu như công bố, theo Gelex, là “không tìm được người bán”.

Gelex và công ty con là Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex hiện đang sở hữu 46% vốn tại Viglacera. Như vậy, sau giao dịch, Gelex đã nâng sở hữu tại Vigalecera từ 46,07% (207 triệu cổ phiếu) lên 50,2% (225 triệu cổ phiếu). Với tỷ lệ này, Gelex chính thức trở thành công ty mẹ của Viglacera và sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu quý II/2021. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex hiện nay đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Viglacera.

Năm 2020, Viglacera ghi nhận doanh thu 9.455 tỷ đồng, lãi sau thuế 667 tỷ đồng. Gelex báo cáo doanh thu 18.086 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 980 tỷ đồng.

Trên thị trường, giá cổ phiếu VGC giao dịch ở mức 35.000 đồng/cổ phiếu cuối phiên 6/4, tăng 28,9% trong 3 tháng qua và tăng 148,2% trong vòng 1 năm.

Diễn biến leo dốc của cổ phiếu VGC một phần xuất phát từ việc Gelex mua gom từ các nhà đầu tư. Sóng M&A tại doanh nghiệp này cũng tạo nên “dư chấn” với một số cổ phiếu có liên quan. Chẳng hạn, cổ phiếu DSG của Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu từng có chuỗi 7 phiên tăng trần tính tới 8/3/2021 và tăng 92,8% trong 3 tháng qua.

Kính Viglacera Đáp Cầu có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, với 86% vốn do Viglacera nắm giữ. Năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 54,6 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019 và lỗ gần 12 tỷ đồng, cao hơn con số 7,4 tỷ đồng của năm 2019. Công ty liên tục lỗ trong 9 năm gần đây.

Thông tin M&A làm nóng giá cổ phiếu

Cuối tháng 3, đại hội cổ đông của 3 doanh nghiệp “họ” Vinamilk (VNM) gồm GTN Foods (GTN), Vilico (VLC) và Mộc Châu Milk đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Trong đó, nóng nhất là câu chuyện sáp nhập công ty mẹ GTNFoods vào công ty con Vilico.

Theo đó, với mục tiêu tập trung và tối đa hóa nguồn lực, Ban lãnh đạo Vinamilk đã quyết định sáp nhận GTNfoods vào Vilico theo tỷ lệ 1,6 cổ phiếu GTN đổi 1 cổ phiếu VLC. GTNfoods sẽ chấm dứt tồn tại, hủy niêm yết cổ phiếu, trong khi Vilico tăng vốn và định hướng trở thành đơn vị lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt.

Trước thông tin này, cổ phiếu VLC đã có bước tăng giá mạnh từ vùng 34.000 đồng/cổ phiếu lên 42.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu GTN tăng nhẹ từ 25.000 đồng/cổ phiếu lên 27.500 đồng/cổ phiếu. Khi thông tin được chính thức công bố, “cặp đôi” lại lui bước để đến giờ GTN chỉ còn 22.000 đồng/cổ phần.

Một số thương vụ khác đang dần được hé lộ trong mùa đại hội năm nay. Transimex (TMS) dự kiến đầu tư mua cổ phần Công ty cổ phần Thủy đặc sản (Seaspimex).

Một số thương vụ khác đang dần được hé lộ trong mùa đại hội năm nay. Một trong các tờ trình tại cuộc họp cổ đông của Transimex (TMS) dự kiến tổ chức ngày 29/4 là phương án đầu tư mua cổ phần Công ty cổ phần Thủy đặc sản (Seaspimex, mã SPV).

Chủ tịch Hội đồng quản trị Transimex cũng đang nắm giữ gần 2,6% vốn Seaspimex. Kế hoạch mua lại cũng như mục đích đầu tư chưa được Transimex công bố.

Giá cổ phiếu SPV hiện đang giao dịch ở mức 15.500 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 3,3% trong 1 tháng qua và tăng 62,3% trong 1 năm qua. Trong khi đó, giá cổ phiếu TMS có diễn biến khá tích cực, tăng lần lượt 33,8% và 199% trong 1 tháng và 1 năm qua.

Tin bài liên quan