Theo số liệu thống kê của Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (WFE), tính đến năm 2018, số lượng CW phát hành và niêm yết trên các sở GDCK trên thế giới đạt gần 2,3 triệu chứng quyền, tương đương với giá trị giao dịch đạt gần 937 tỷ USD.
Thị trường CW đã phát triển mạnh mẽ ở cả thị trường châu Á và châu Âu, với giá trị giao dịch CW tại các khu vực này cao rõ rệt hơn so với châu Mỹ. Ngoài ra, tại thị trường khác như châu Mỹ cũng đã cho thấy sự phát triển của CW, với 32% tăng trưởng về giá trị giao dịch trong năm 2018.
Tại Việt Nam, sau thời gian chuẩn bị, sàn giao dịch CW sẽ chính thức khai mở tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào ngày 28/6 tới đây. Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tham gia phát hành CW đợt đầu tiên đã liên tiếp tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu, chia sẻ cơ hội đầu tư tới nhà đầu tư cá nhân.
Những thành viên tiên phong đều kỳ vọng, CW sẽ là sản phẩm hấp dẫn giới đầu tư, phù hợp với cấu trúc 99% nhà đầu tư tại Việt Nam là các cá nhân. Sản phẩm này không giới hạn sở hữu nước ngoài, nên sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào doanh nghieepj Việt Nam thông qua CW, một cách để thu hút dòng tiền ngoại và tăng thanh khoản thị trường chứng khoán.
Nghiên cứu từ HOSE cho biết, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tuy chỉ chiếm gần 2% số lượng CW phát hành trên thế giới, nhưng giá trị giao dịch lên đến 87% tổng doanh số giao dịch CW toàn cầu. Nhiều sở GDCK tại khu vực này đứng trong Top 10 sở GDCK có doanh số giao dịch CW lớn nhất trên thế giới, ví dụ Sở GDCK Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Ðài Loan…
Ðặc biệt, Sở GDCK Hồng Kông trong nhiều năm qua vẫn luôn đứng đầu về giá trị giao dịch CW. Các thị trường CW tại châu Á khác cũng có nhiều hoạt động ấn tượng như Thái Lan, Hàn Quốc, Ðài Loan, Malaysia...
Với sự tăng trưởng nhanh tại các thị trường và đặc biệt là hút nhà đầu tư cá nhân, thị trường CW “made in Vietnam” được kỳ vọng sẽ sôi động và tăng trưởng tốt. Sản phẩm có các đặc tính như tính đòn bẩy cao, chi phí đầu tư thấp, giao dịch và thanh toán dễ dàng, không phải ký quỹ... rất phù hợp với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.
“Nhân tố chính” trong sân chơi mới là các tổ chức phát hành - các CTCK đủ điều kiện phát hành CW. Tương tự như thị trường chứng khoán phái sinh, để có thể tham gia thị trường mới, CTCK buộc đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
8 công ty đầu tiên gồm CTCK SSI (SSI), CTCK TP.HCM (HSC), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK VNDIRECT (VND), CTCK MB (MBS), CTCK BIDV (BSC), CTCK VPS (VPS) và CTCK KIS Việt Nam (KIS) đã đủ điều kiện bước vào sàn CW tại Việt Nam. Nếu như gần 2 năm qua, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam tăng trưởng vượt dự đoán, thì thị trường CW cũng được chờ đợi sẽ sớm ghi nhận kỷ lục tăng trưởng và tạo động lực cho những cuộc chạy đua dẫn đầu.
Chia sẻ bên lề nhiều hội thảo, một số CTCK đã bày tỏ mục tiêu khẳng định vị thế dẫn đầu trên thị trường CW. Tính chất hấp dẫn của CW cộng với khát vọng của các CTCK có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm thương trường tại Việt Nam đang là những yếu tố cốt lõi cho kỳ vọng thị trường CW sẽ sớm sôi động. Tuy nhiên, thị trường này sẽ chỉ bền nếu nhà đầu tư thấu hiểu sản phẩm và nhà quản lý quản trị được tính liêm chính của các chủ thể tham gia.