SAM và 3 kỳ vọng lớn

SAM và 3 kỳ vọng lớn

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) chia sẻ, SAM có 3 kỳ vọng lớn vào nền kinh tế Việt Nam trong năm mới.

Cụ thể, 3 kỳ vọng đó là gì, thưa ông?

Trong năm 2013, SAM kỳ vọng tỷ giá USD/VND không tăng quá 3%; lạm phát được kiểm soát dưới 8%/ năm và lãi suất cho vay về dưới 10%/năm.

Chúng tôi tin tưởng vào triển vọng phát triển lâu dài của Việt Nam và hy vọng Việt Nam có kế hoạch cụ thể xử lý nợ xấu và đề cao tính minh bạch trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục thu hút NĐT nước ngoài bằng việc nới quy định về tỷ lệ sở hữu trong DN với NĐT nước ngoài; tiếp tục cổ phần hóa những công ty Nhà nước hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là các ngành viễn thông, giao thông vận tải, dầu khí và nông nghiệp.

Diễn biến đi lên của TTCK từ đầu năm đến giờ đồng nghĩa với việc Việt Nam đang có cơ hội thứ hai để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để khôi phục TTCK và bất động sản, phải biến những kỳ vọng trên thành sự thật.

 

SAM nhận định thế nào về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam thời gian tới?

TTCK Việt Nam đã giảm 60% so với đỉnh cao vào năm 2007. Trong khi đó, các TTCK trong khu vực từ đó đến nay đã tăng gần gấp 3 lần. Con số tăng trưởng 17,7% của VN-Index năm 2012 trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề nợ xấu, đóng băng bất động sản, tăng trưởng tín dụng thấp là đáng khích lệ, nhưng so với các TTCK trong khu vực thì còn rất khiêm tốn. Điều đó chứng tỏ TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ đang thực thi nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và ổn định kinh tế vĩ mô, nên triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam sắp tới sẽ tốt hơn.

Trong thời gian tới, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn FII. Ngoài ra, dòng vốn FDI cũng đang có sự dịch chuyển mạnh vào Việt Nam do Việt Nam có chi phí sản xuất thấp và lực lượng lao động dồi dào, đây cũng là một nhân tố tích cực để thu hút dòng vốn FII.

Về kênh dẫn vốn, chúng tôi cho rằng, quỹ đóng sẽ không còn là một kênh đầu tư ưa thích của các NĐT, trừ khi những quỹ này vượt qua chỉ số   VN - Index, MSCI EM, MSCI FM. Trong khi đó, với những ưu điểm nổi trội của quỹ mở hoặc quỹ ETF, NĐT nước ngoài đang có xu hướng lựa chọn các kênh đầu tư này khi đầu tư vào Việt Nam. Thị trường hiện giờ gần như đã vượt qua hoặc gần chạm đến điểm đáy, nên chúng tôi tin tưởng rằng, các biện pháp thu hút NĐT được công bố gần đây sẽ tạo cơ hội thứ hai cho các NĐT nước ngoài nhìn lại khả năng phát triển của Việt Nam và đầu tư vào Việt Nam lần nữa.

 

Năm 2012, nhiều quỹ mở tập trung thoái vốn. Kết quả kinh doanh các quỹ của SAM trong năm qua ra sao?

SAM đang điều hành 3 quỹ: Quỹ Chứng khoán Viet Nam Equity Holding (VEH), hoạt động tương đối tốt trong năm 2012; Quỹ Bất động sản Vietnam Property Holding (VPH), hoạt động không thực sự hiệu quả; thứ ba là Quỹ Tài nguyên và Năng lượng Indochina Energy Holding (IEH), quỹ này hiện vẫn đang đàm phán với các NĐT, nhưng tình hình huy động vốn nhìn chung chưa có nhiều triển vọng.

 

Ông có thể cho biết kế hoạch của SAM trong thời gian tới ở thị trường Việt Nam ?

Trong năm 2012, VEH và VPH được Đại hội NĐT gia hạn thời gian hoạt động thêm 3 năm, đồng thời chuyển sang hình thức quỹ mở trong năm 2014. Vì vậy, năm 2013 sẽ là một năm quan trọng để chúng tôi nỗ lực đáp lại sự kỳ vọng của các NĐT. Cụ thể là tái cấu trúc danh mục đầu tư để nắm giữ những công ty/cổ phiếu có triển vọng nhất khi TTCK hồi phục.

Thế mạnh của chúng tôi là nguồn vốn, đối tác chiến lược, tư vấn tài chính và khách hàng tiềm năng đều ở nước ngoài, nên chúng tôi sẽ tận dụng thế mạnh này để hỗ trợ các công ty thuộc danh mục đầu tư của SAM.

Thứ ba là tập trung đầu tư, thúc đẩy phát triển lĩnh vực tài nguyên, năng lượng và nông nghiệp. Gần đây, chúng tôi đã bổ nhiệm được 3 giám đốc người nước ngoài, có chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực này.