Dự án Sacom Tuyền Lâm mới bước vào giai đoạn vận hành

Dự án Sacom Tuyền Lâm mới bước vào giai đoạn vận hành

SAM - Đổi tên liệu có đổi vận?

(ĐTCK) Quyết định đổi tên và chuyển đổi thành công ty đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM kỳ vọng tạo bước đột phá sau nhiều thăng trầm trước đó. Song từ kỳ vọng tới thực tế là cả một chặng đường dài.

Thay đổi…

Ngày 21/9/2017 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM (Mã chứng khoán: SAM) đã chính thức cụ thể hóa chủ trương đề ra tại Đại hội đồng cổ đông 2017 diễn ra hồi tháng 4/2017 bằng việc đổi tên thành Công ty cổ phần SAM HOLDINGS (vẫn giữ nguyên mã chứng khoán là SAM).

Giống với ý nghĩa của từ HOLDINGS, việc đổi tên được ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc SAM cho biết, không nằm ngoài chủ trương chuyển đổi mô hình Công ty thành tập đoàn đầu tư đa ngành, với chiến lược công ty mẹ sở hữu các công ty con hoạt động bao trùm các lĩnh vực kinh doanh sản phẩm cáp và dây thông tin, vật liệu viễn thông; bất động sản; tài chính và lĩnh vực du lịch; lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Nhìn lại lịch sử của doanh nghiệp này, vốn từng sở hữu vị thế đầu ngành trong lĩnh vực kinh doanh cáp và vật liệu viễn thông, có thời điểm SAM chiếm lĩnh tới 50% thị phần nội địa trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh các loại cáp viễn thông.

Dẫu vậy, sự phát triển sôi động của thị trường cáp viễn thông tại thị trường Việt Nam đã kéo theo sự ra đời của một số công ty sản xuất cùng ngành với SAM như Cáp Sài Gòn, Taihan-Sacom, Thăng Long, Thiên Thành, Vĩnh Khánh… khiến thị trường ngày càng cạnh tranh. Trong khi đó, giống với nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng thời kỳ, thay vì đổi mới cùng đối thủ, SAM lại giữ nguyên mô hình kinh doanh cũ. Sự không thay đổi trong nhiều năm đã bộc lộ những bất cập khi Công ty mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực tài chính và bất động sản từ năm 2008.

SAM - Đổi tên liệu có đổi vận? ảnh 1

Giai đoạn 2008 - 2012, hoạt động kinh doanh của SAM chùng hẳn xuống với nhiều thăng trầm, lúc lãi 232 tỷ đồng (năm 2009), lúc lỗ 183 tỷ đồng (năm 2011).

Nhận ra vấn đề, năm 2013, SAM đã tiến hành tái cấu trúc với việc thoái vốn, tập trung trở lại mảng kinh doanh chiến lược là kinh doanh cáp và dây thông tin. Tuy nhiên, sự thay đổi quá nhanh của ngành cáp viễn thông nội địa khi nhu cầu sử dụng cáp đồng - sản phẩm truyền thống và chính yếu của Công ty đã giảm mạnh và dần bị thay thế bởi cáp quang, khiến SAM tỏ ra đuối thế so với các đối thủ.

Điều này được phản ánh một cách rõ nét khi kết quả lợi nhuận trong giai đoạn 2013 - 2016 giảm mạnh từ mức hơn 120 tỷ đồng năm 2013 xuống vỏn vẹn 25 tỷ đồng vào năm 2016. Tính riêng năm 2016, theo báo cáo kiểm toán công bố, mảng dây và cáp thực hiện đạt 1.463,4 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 73,2% kế hoạch và giảm tới hơn 20% so với năm 2015.

Trong khi đó, dù nỗ lực mở rộng sang mảng cáp quang, nhưng cả năm 2016, mảng này cũng không mang lại nhiều lợi thế khi SAM đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ trong ngành như: Nhà máy M3, các công ty trong Tập đoàn VNPT (Postef, Focal, Vinacap, Vina OFC, Vĩnh Khánh, YOFC, FiberHome…).

Kết quả yếu kém này cũng được phản ánh vào giá cổ phiếu khi SAM chỉ loanh quanh ở 6000 - 7000 đồng/cổ phiếu trong nhiều năm liền. Khả năng cạnh tranh kém cùng nguồn lực tới hạn và có thể bị vượt mặt trong tương lai khiến không nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào SAM.

Trong bối cảnh đó, SAM đã buộc phải thay đổi với việc tiếp tục tái cấu trúc doanh nghiệp, từ bỏ hoàn toàn mô hình kinh doanh cũ. Theo đó, ngoài việc tập trung cải tiến "chất lượng" và "hiệu quả" ở tất cả các mảng kinh doanh, thì SAM xác định đổi mô hình sang Tập đoàn đầu tư, lấy mảng tài chính là mảng tay trái, là nền tảng sức mạnh; trong khi mảng bất động sản mang sứ mệnh bàn tay phải.

Trong đó, đối với mảng đầu tư tài chính - lĩnh vực mũi nhọn của Tập đoàn, SAM sẽ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, ngắn hạn hoặc dài hạn vào các lĩnh vực trọng điểm then chốt của nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước đang IPO. Còn ở mảng bất động sản, SAMLAND (Công ty con của SAM) đang phục vụ thị trường các sản phẩm phân khúc trung bình.

Kế hoạch của SAM rất rõ ràng là sẽ tiến hành tăng vốn lên 2.418 tỷ đồng trong năm 2017, triển khai chiến lược kinh doanh đa ngành mới, đặt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30% và trở thành tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam vào năm 2020.

…nhưng còn nhiều thách thức

Phải nói rằng, việc SAM định hướng thay đổi mô hình kinh doanh là hướng đi đúng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 20 - 30% thực tế không hề dễ dàng.

Cần nhớ rằng, từ năm 2013, SAM cũng đã tiến hành tái cấu trúc bộ máy hoạt động, nhưng điều đó chỉ mang lại tăng trưởng về doanh thu, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại phình to cùng các khoản vay nợ ngắn hạn đã bào mòn lợi nhuận của SAM.

Trong giai đoạn tái cấu trúc thứ 2, SAM có sự góp mặt của dàn lãnh đạo và cổ đông mới thay thế cho những người cũ. Các Chủ tịch Đỗ Đình Tú, Phó Chủ tịch Hoàng Trí Cường, Phó Chủ tịch Đỗ Văn Trắc cùng một loạt thành viên thuộc Ban giám đốc, Ban kế toán, Ban kiểm soát được thay thế bởi những người mới như ông Nguyễn Hải Dương, Chủ tịch HĐQT, ông Đào Ngọc Thanh, ông Nguyễn Hồng Hải, thành viên HĐQT, ông Trần Hải Quang, Thành viên HĐQT…

Dẫu vậy, thay đổi dàn lãnh đạo với chiến lược kinh doanh mới không có nghĩa SAM sẽ ngay lập tức lột xác và trở lại, đặc biệt đối với hai lĩnh vực sẽ là "bàn tay trái" và "bàn tay phải" là đầu tư tài chính và bất động sản. Trong vài năm vừa qua, SAM được biết đến dưới vai trò đầu tư khá nhiều dự án bất động sản, bao gồm SACOM Tuyền Lâm, Dự án Giai Việt, Dự án Hoàng Anh Gia Lai, Dự án Nhơn Trách, Dự án Tân Vạn, Dự án BCIS, Dự án Samland River View.

SAM - Đổi tên liệu có đổi vận? ảnh 2

Tuy nhiên, trong các năm gần đây, doanh thu từ mảng này đều không như kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi các dự án lớn vẫn đang trong giai đoạn chủ yếu là đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty được thị trường đánh giá còn thiếu cả về nguồn lực chủ chốt lẫn nguồn vốn để đảm bảo hoàn thành các dự án đầu tư đã được thông qua.

Hiện nay, dự án Sacom Tuyền Lâm mới bước vào giai đoạn vận hành nên phải chi phí khấu hao ban đầu khá cao, trong khi giá phòng và công suất phòng chưa đạt được kỳ vọng, khiến lợi nhuận mảng này bị ảnh hưởng. Doanh thu 2016 của dự án Sacom Tuyền Lâm đạt 40,7 tỷ đồng, tăng 128% so cùng kỳ 2015, nhưng mức lỗ trước thuế lên đến -39,6 tỷ đồng, vượt xa mức lỗ kế hoạch đề ra từ đầu năm 2016 là mức -1,3 tỷ đồng.

Báo cáo mới nhất, 6 tháng đầu năm 2017, Sacom tiếp tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, tuy nhiên, muốn cải thiện lợi nhuận, Sacom bắt buộc phải cải thiện hoạt động vận hành để giảm chi phí quản lý.

Tại mảng bất động sản cho thuê, báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông năm 2017 cho biết, trong năm 2016, doanh thu cho thuê tòa nhà Sacom Chíp Sáng (SCS) chỉ đạt 13,3 tỷ đồng, với diện tích cho thuê khoảng 5.400m2, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình cả năm vỏn vẹn 37%, kém xa so với kỳ vọng và kế hoạch ban đầu. Mảng này mới chỉ khởi sắc trở lại trong thời gian gần đây khi SAM tăng diện tích cho thuê cùng với sự đổi mới về các hoạt động của tòa văn phòng cho thuê trong khu công nghệ cao này.

Trong khi đó tại mảng bất động sản bán, năm 2016, SAMLAND đã đẩy mạnh công tác bán hàng ở hai dự án Giai Việt và Hoàng Anh Gia Lai River View và Samland Airport. Tuy nhiên, doanh thu dự án này mới chỉ mang về lợi nhuận gộp gần 40 tỷ đồng và SAM xác định doanh thu chính sẽ tập trung vào năm 2017. Dẫu vậy, kế hoạch này còn phụ thuộc nhiều vào công tác bán hàng, trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh gay gắt do tăng mạnh về nguồn cung.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, đại diện SAM cho biết, dự án tổ hợp SAMSORA (SAMLAND Tân Vạn) nằm ngay cửa ngõ phía Đông Sài Gòn (khu tam giác Sài Gòn - Đồng Nai - Bình Dương) quy mô hơn 1,5 ha, dự kiến thu về cho SAM 800 tỷ đồng. Tháng 10/2017, SAMLAND cũng đã khai trương nhà mẫu và tiếp thị dự án SAMSORA Riverside tại Dĩ An - Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, mới đây SAMLAND cũng chính thức công bố phát triển dự án SAMSORA Premier 105 nằm trên mặt tiền đường Chu Văn An (Hà Nội) với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.

Còn đối với lĩnh vực tài chính, 6 tháng đầu năm 2017, SAM đã thoái vốn khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Bất động sản Hiệp Phú với giá trị 227,3 tỷ đồng và ghi nhận mức lợi nhuận trên báo cáo hợp nhất hơn 90,7 tỷ đồng. Đồng thời, SAM cũng đã thực hiện khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh ngắn hạn đem lại mức lợi nhuận gần 9 tỷ đồng.

Bên cạnh các hoạt động thoái vốn, SAM đã triển khai các khoản đầu tư mới như mua 11,8 triệu cổ phiếu DVN (Tổng Công ty cổ phần Dược Việt Nam) trị giá 283,6 tỷ đồng; dự kiến sẽ mua thêm 7 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ. Tuy nhiên, lưu ý rằng, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 vừa qua, khoản đầu tư vào Du lịch Phú Thọ gây nhiều băn khoăn cho cổ đông khi hiệu quả đạt không cao.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan