Mục tiêu của SAM là đưa Sabeco trở thành nhãn hiệu được ưa chuộng nhất tại thị trường Bắc Mỹ

Mục tiêu của SAM là đưa Sabeco trở thành nhãn hiệu được ưa chuộng nhất tại thị trường Bắc Mỹ

Saigon Asset Management góp phần phát triển thương hiệu Việt

(ĐTCK) Saigon Asset Management Corporation (SAM) trong năm qua đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty tư nhân, song song với đầu tư trên thị trường niêm yết. Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc SAM chia sẻ, TTCK Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển rất lớn với 3 chữ F, gồm FDI, FTA, FOL, nhưng các công ty niêm yết phải cạnh tranh cao hơn để thu hút vốn đầu tư. 

Ông kỳ vọng gì khi SAM mua lại Heritage Beverage, độc quyền nhập khẩu bia Sài Gòn (Sabeco) vào thị trường Bắc Mỹ?

Là công ty chuyên đầu tư, SAM chú trọng các thương vụ có khả năng tạo lợi nhuận cao. Việc mua lại Heritage Beverage là bước tiếp theo trong sự phát triển của hoạt động đầu tư vào các công ty tư nhân của SAM, nhắm tới những công ty có sự tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh cao tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Bắc Mỹ (bao gồm cả Canada và Mexico) là thị trường lớn tiềm năng với khoảng 2,5 triệu người Việt sinh sống có các nhu cầu đa dạng. Vô số nhà hàng, quán ăn, siêu thị tiện dụng của người Việt hoạt động ở đây, mà chỉ khoảng 5% là có bán bia Sài Gòn.

Saigon Asset Management góp phần phát triển thương hiệu Việt ảnh 1

Ông Louis Nguyễn
 

Dự kiến, chúng tôi sẽ phát triển kênh phân phối và có kế hoạch đưa các sản phẩm cao cấp khác của Việt Nam vào thị trường tiềm năng này. Chúng tôi hiện đang làm việc với Sabeco về chiến lược và tăng trưởng mục tiêu xuất khẩu, với mục đích lớn nhất là đưa Sabeco trở thành nhãn hiệu quốc gia Việt Nam được ưa chuộng nhất tại thị trường Bắc Mỹ. 

Vậy SAM sẽ để mắt đến các công ty tư nhân như thế nào?

Ở thị trường nội địa hiện nay, SAM đang quan tâm đến các công ty tập trung vào lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm an toàn, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Chúng tôi cũng hướng đến các công ty, các tổ chức chuyên về giáo dục và an ninh.

Với các công ty tiềm năng, SAM có cam kết đầu tư và giúp huy động thêm vốn để phát triển với quy mô lớn hơn. 

Là đơn vị quản lý Vietnam Equity Holding (VEH) - quỹ hiếm hoi có giá trị tài sản ròng tăng trưởng dương theo thống kế từ năm 2007 đến nay, SAM đánh giá thế nào về cơ hội đầu tư ở TTCK Việt Nam và có tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại đây?

Thời điểm cuối năm 2015, chúng tôi vẫn tranh thủ ra nước ngoài để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam. Thực lòng, chúng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội khi TTCK Việt Nam đứng trước triển vọng lớn với 3 chữ F.

Thứ nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng là dấu hiệu kinh tế ổn định và dự báo tăng trưởng. Thứ hai là Việt Nam đang chuẩn bị rốt ráo để tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại lợi thế cho DN Việt Nam, nhất là ở các ngành dệt may, xuất khẩu nông thủy sản, thực phẩm chế biến…, dù Việt Nam đứng trước thách thức “cuộc đổ bộ ồ ạt” của hàng hóa nước ngoài.

Chữ F thứ ba là FOL (Foreign Ownership Limit), tăng giới hạn về tỷ sở hữu của NĐT nước ngoài. Nếu việc mở “room” được thúc đẩy, chỉ cần 1 - 2% dòng vốn nước ngoài tại những thị trường đang phát triển chảy vào Việt Nam, thì con số cũng lên tới hàng tỷ USD, giúp thị trường tăng giá chủ động.

Thông điệp mà chúng tôi gửi đến các NĐT nước ngoài là “Bạn nên tham gia thị trường Việt Nam trước khi TTCK Việt lọt vào MSCI EM Index (Morgan Stanley International Emerging Market Index - bộ chỉ số xếp hạng thị trường mới nổi). Điều đó có thể đến trong vòng 2 năm tới nên hy vọng các bạn không tham gia quá trễ”.

Nhưng NĐT nước ngoài đang bán ròng trên TTCK Việt Nam và trong khi các công ty niêm yết rất khó huy động vốn thì các thương vụ đầu tư vào các công ty tư nhân lại diễn ra khá sôi động trong thời gian gần đây như đầu tư vào chuỗi nhà hàng The Kafé, hay Phở Ông Hùng, Món Huế…

Thực tế, thị trường niêm yết có rất ít lựa chọn, khoảng 30 công ty tốt nhất có thể đầu tư được thì hết “room”, khoảng 20 công ty vốn hoá trung bình (midcap) có khả năng lọt vào nhóm trên như Khang Điền (KDH), Năm Bảy Bảy (NBB)…, nhưng tìm được công ty như thế là rất khó.

NĐT tùy vào khẩu vị của mình có thể lựa chọn chứng khoán niêm yết hay đầu tư vào các công ty tư nhân. Đầu tư trên TTCK có thể lãi hai ba chục phần trăm, còn đầu tư vào các công ty tư nhân có cơ hội đạt mức lãi tính bằng lần. Thị trường niêm yết minh bạch hơn, nhưng có NĐT từng nói, họ mệt mỏi vì các thủ tục mở tài khoản, rồi phí quản lý, hiệu quả quản lý…

Trong khi đầu tư vào các công ty tư nhân, nếu chọn đúng công ty tốt thì khả năng kiếm lời là rất lớn. Tuy nhiên, vì cơ hội đạt lãi lớn nên rủi ro đi kèm cao hơn. Vì vậy, các công ty trên TTCK muốn cạnh tranh với các công ty tư nhân trong thu hút vốn, phải công khai, minh bạch, quản trị tốt như VNM, FPT…, chứ nếu niêm yết mà vẫn giữ kiểu công ty gia đình thì NĐT sẽ chán nản và bỏ cuộc.

SAM sẽ tiếp tục phát triển đầu tư theo cả hai hướng?

Đúng vậy, chúng tôi xác định sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở cả thị trường niêm yết và các công ty tư nhân. Nói chung, với các công ty tư nhân, chúng tôi sẽ đầu tư có chiến lược, hỗ trợ huy động thêm vốn để giúp các công ty đó tăng cường tiềm năng phát triển.

Tin bài liên quan