Tuyến Quốc lộ 1 qua Quảng Bình đã hoàn thành nâng cấp để đưa vào khai thác. Ảnh: Anh Minh

Tuyến Quốc lộ 1 qua Quảng Bình đã hoàn thành nâng cấp để đưa vào khai thác. Ảnh: Anh Minh

Sai sót lớn trong giải phóng mặt bằng Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình

Không ít sai sót trong công tác quản lý vốn được Thanh tra Bộ Tài chính ghi nhận tại Dự án Đầu tư công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình sử dụng vốn trái phiếu chính phủ do Sở Giao thông – Vận tải Quảng Bình làm chủ đầu tư.

Khuyết tật trong dự án “mẫu”

Bản kết luận thanh tra liên quan tới công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng Dự án Đầu tư công trình mở rộng Quốc lộ 1 (Dự án), đoạn Km649 +700 – Km657 +025; Km663 +900 – Km671 +228 và Km672 +821 – Km717 +100 vừa được Thanh tra Bộ Tài chính gửi tới cấp quyết định đầu tư là Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) và chủ đầu tư là Sở GTVT Quảng Bình.

Cần phải nói thêm rằng, Kết luận Thanh tra của Bộ Tài chính nhận được sự chú ý khá cao của giới chuyên môn, bởi Dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình do Sở GTVT Quảng Bình làm chủ đầu tư không chỉ có quy mô tổng mức đầu tư khá lớn (2.475 tỷ đồng), mà còn được đánh giá là một trong những tuyến thi công “mẫu”, khi gần như không để xảy ra vấn nạn hằn vệt bánh xe.

Bên cạnh đó, các nhà thầu thi công phân đoạn này cũng thể hiện sự tự tin hiếm có khi chấp nhận bảo hành công trình tới 4 năm, gấp đôi thời  gian ở các công trình đường dân dụng khác.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2015, Bộ GTVT đã cho phép chủ đầu tư tổ chức thông xe, đưa vào khai thác chính thức toàn tuyến dài 59,2 km, quy mô 4 làn xe, rộng 12 m, vận tốc thiết kế 60 – 80 km/h, vượt trước tiến độ gốc 4 tháng – một trong những điểm nổi trội tại Dự án được đoàn Thanh tra Bộ Tài chính ghi nhận. Tuy nhiên, ngay cả khi được coi là tuyến mẫu, Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện không ít khuyết tật trong công tác quản lý vốn tại Dự án.

Khuyết tật lớn nhất là công tác quản lý vốn là chi phí dự phòng tính theo dự toán được chủ đầu tư phê duyệt là chưa đúng tỷ lệ chi phí xây dựng. 

“Đoàn Thanh tra cùng đơn vị tư vấn thiết kế xác định lại dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng là 15%, tương đương giá trị là 193,4 tỷ đồng, trong khi chi phí dự phòng ban đầu là 386,8 tỷ đồng”, ông Đặng Ngọc Tuyến, Chánh thanh tra Bộ Tài chính cho biết. Các gói thầu có dự toán sai lệch cao là Gói thầu số 10 (43,4 tỷ đồng); Gói thầu số 11 (47,2 tỷ đồng); Gói thầu số 12 (22,067 tỷ đồng).

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình phải giảm trừ dự toán Dự án do tính và lập dự phòng phí chưa đúng chế độ, với giá trị phải giảm trừ là 193,4 tỷ đồng.

“Đây là khối lượng giảm trừ khá lớn, thuộc trách nhiệm của đơn vị tư vấn và của chủ đầu tư do thẩm định trước khi phê duyệt dự toán không kỹ”, một chuyên gia cho biết.

Được biết, theo Luật Xây dựng, khối lượng thi công xây dựng trong dự toán được xác định theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt. Trong quá trình thi công nếu do yêu cầu kỹ thuật hoặc do biện pháp thi công phải thay đổi (tăng, giảm) được tư vấn giám sát và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, mới được xác định là khối lượng chính thức thanh toán.

“Hiện nay công trình đang giai đoạn thi công hoàn thiện và lập hồ sơ hoàn công để thanh quyết toán. Các vấn đề chênh lệch khối lượng giữa hồ sơ dự toán với thực tế thi công sẽ được chủ đầu tư xác định trong hồ sơ quyết toán công trình”, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và công trình GTVT cho biết.

Sai phạm lớn trong công tác giải phóng mặt bằng

Thanh tra Bộ Tài chính cũng “thổi còi” Sở GTVT Quảng Bình khi công tác thi công tại hiện trường chênh lệch so với dự toán được duyệt số tiền là 22,8 tỷ đồng, chủ yếu là ở hạng mục thi công cấp phối bê tông nhựa tại 6 gói thầu thi công đường (21,3 tỷ đồng).

Cụ thể, theo hợp đồng kinh tế được ký giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, việc nghiệm thu thanh toán hàm lượng nhựa trong bê tông nhựa căn cứ kết quả thí nghiệm trong quá trình thi công. Do hàm lượng nhựa thực tế tại một số gói thầu không đạt như dự toán (bê tông nhựa chặt C12,5 là 5% tương ứng 50,935 kg/tấn; C19 là 4,6% tương ứng với 46,117 kg).

Đây là lý do mà ngay tháng 7/2015 (trong thời gian đoàn Thanh tra Bộ Tài chính làm việc), Ban quản lý dự án thuộc Sở GTVT Quảng Bình đã xác định lại và giảm trừ giá trị bê tông nhựa tại gói thầu số 10 và số 11 với tổng số tiền lên tới hơn 8,2 tỷ đồng.

“Mặc dầu vậy, chủ đầu tư còn phải giảm trừ tiếp trong quá trình nghiệm thu khác tại 4 gói thầu còn lại với tổng số tiền là 13 tỷ đồng”, Chánh thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu.

Theo một chuyên gia giao thông, đây khó có thể coi là lỗi của chủ đầu tư, bởi trong dự toán xây lắp, khối lượng nhựa đường được tính theo định mức để lập dự toán; thực tế thi công, phải được xác định qua thí nghiệm tại hiện trường. Hàm lượng nhựa thực tế sử dụng phụ thuộc vào tính chất vật liệu tại các nguồn cung ứng và tỷ lệ phối trộn của các vật liệu đó, do đó tỷ lệ nhựa đường ở mỗi dự án, gói thầu có thể khác nhau.

“Để xác định được tỷ lệ nhựa đường cho công trình phải qua nhiều thí nghiệm thực tế tại hiện trường và phải được tư vấn giám sát và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định mới có cơ sở thanh, quyết toán hợp đồng”, vị chuyên gia này khẳng định.

Liên quan tới công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), Thanh tra Tài chính ghi nhận đã xuất hiện sai phạm trong quá trình đền bù GPMB tại huyện Lệ Thủy khi lãnh đạo địa phương này đã lập phương án bồi thường không ghi rõ nguồn gốc đất bị thu hồi, hỗ trợ đất liền kề đất ở bằng 50% giá đất cho 22 hộ dân ở xã Sen Thủy sai thẩm quyền.

Đối với vụ việc này, UBND tỉnh Quảng Bình đã có kết luận thanh tra và kiến nghị thu hồi số tiền đã chi bồi thường, hỗ trợ GPMB không đúng quy định gần 400 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu chủ đầu tư làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất thực hiện đối với khoản phụ cấp không ổn định sản xuất phê duyệt trong đơn giá xây dựng công trình chưa đủ căn cứ pháp lý với số tiền là 8,8 tỷ đồng.

“Chủ đầu tư phải có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện kiến nghị của đoàn Thanh tra gửi về Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2015”, ông Tuyến yêu cầu.

Tin bài liên quan