Một cô bạn, trước là dân Hà Nội, sau chẳng biết đời xô đẩy thế nào, lại ngã vào lòng Sài Gòn một cách đầy bất ngờ với những thằng bạn lơ đãng như tôi.
Mới đây, cô viết:
“Nếu buộc phải lựa chọn Sài Gòn hoặc anh, em sẽ chẳng ngần ngại nói lời từ biệt. Vì em sẽ không bao giờ đưa Sài Gòn vào một sự lựa chọn. Với Sài Gòn, em được là chính mình, chẳng cần để tâm đến những thứ phù phiếm bên ngoài, sống chân thật như những gì mình có, thoả thích vẫy vùng với những ý tưởng và thoải mái thử sức với những cái mới mẻ một cách cởi mở: Không hằn học; Không phán xét; Không khắt khe; Không quá ồn ào vồn vã…
Sài Gòn đông đúc hối hả nhưng luôn dịu dàng nâng đỡ em, ôm chặt em vào lòng trong những ngày bão táp cơ cực, bằng tất cả những cảm thông, yêu thương chia sẻ và nhiệt thành!
Em nợ Sài Gòn một ân tình!
Em yêu Sài Gòn và không gì có thể thay thế. Kể cả Anh!”
Chẳng hiểu sao, đọc những dòng tự sự trên, tôi lại muốn viết vài dòng cho thành phố này.
Sài Gòn khiến ai từng ghé cũng có một phần ký ức thật đáng nhớ. Ảnh: Thành Nguyễn.
Năm 2005, lần đầu tôi đến Sài Gòn trong một chuyến công tác đâu chừng hơn 2 tháng. Ngày đó mới ra trường, được đi đây đó là cả một niềm háo hức, hứng khởi, xen cả lẫn cái hộp hồi thuở mới lớn.
Độ đó, trong hơn 2 tháng ở Sài Gòn, tôi đã chạy Honda đi hầu khắp các quận, rồi còn phấn khích làm thêm một tour miền Tây, Tây Nguyên nữa.
Nhưng thôi, quay lại chuyện Sài Gòn. Hồi những năm 2005, Sài Gòn và Hà Nội còn khác nhau nhiều, chứ chưa giao thoa văn hóa mạnh mẽ, chưa học hỏi lẫn nhau nhiều như bây giờ.
Lúc mới vào, tôi ngạc nhiên lắm. Cùng là quán xá, mà sao Sài Gòn khác thế.
Hãy nhìn từ những quán cà phê. Những quán đẹp đẽ như Chợt nhớ, New Window, Rista,… đèn chăng khắp chốn, nhấp nháy đủ màu, rất chi thẩm mỹ. Giờ nói lại điều này, e nhiều người cho là bình thường, nhưng là người hay so sánh, tôi thấy rằng, đó là cả một sự khác biệt với phong cách tranh tre, nứa lá, ngõ nhỏ, phố nhỏ của quán xá Hà Nội. Ngày đó, nếu quán cà phê Hà Nội được chữ “mộc”, thì ở Sài Gòn, quán cà phê lại được chữ “sang”.
Nói đến đây, tôi cũng muốn thanh minh, thanh nga vài dòng. Đó hoàn toàn là cảm nhận cá nhân. Và thực tế, thì vài năm sau đó, hàng quán Hà Nội mới coi trọng nhiều hơn đến đồ decor, việc trang trí…
Cả các quán cà phê bình dân cũng vậy. Người ta uống cà phê như một thói quen. Quán là nơi tán gẫu, bàn công chuyện, hay ngớ ngẩn hơn, chỉ là để ngồi đốt thuốc nhớ nhà cho những kẻ tạm xa Hà Nội như tôi…
Và thích thú nhất, là ai cũng gần gũi, dễ bắt chuyện một cách chủ động.
Góc hoài cổ trong một quán cà phê ở Sài Gòn. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi từng nghe một ai đó nói rằng, người dân vùng nóng cơ bản chủ động, cởi mở và bộc trực hơn người dân xứ lạnh - vốn thường khép kín. Và nếu xét về khí hậu Bắc - Nam, tôi tin điều này đúng.
Bữa đầu vào Sài Gòn, ghé quán, tôi gọi một ly nâu đá, cô bé nhân viên cứ đứng ngẩn tò te ra. Anh bạn đi cùng vội giải thích: “Cho anh ấy ly sữa đá”.
Rồi anh bạn bảo, trong này người ta không dùng khái niệm “nâu” hoặc “đen” như ngài Bắc. Hay đơn giản, cái đựng đá, người ta hay gọi là cái tẩy…
Ừ, Sài Gòn cũng có phương ngữ chứ bộ, và cũng dễ thương như nụ cười của em gái miền Tây, kèm cái má lúm đồng tiền trên má.
Rồi đận đó, tôi có dịp phỏng vấn anh Bùi Xuân Thoa. Ngày đó, anh Thoa là Giám đốc Nhà máy Cà phê Biên Hòa. Là dân cà phê, anh Thoa bảo, người Sài Gòn và người Hà Nội cơ bản uống cà phê khác nhau. Sài Gòn là ly cối, nhiều đá, uống như giải khát, còn Hà Nội, thường cà phê đậm hơn, đặc hơn.
Kể cũng đúng!
Chính ra như tôi, khi ở Hà Nội cũng không uống quá 2 ly/ngày, thậm chí có ngày không uống. Nhưng trong thời gian ở Sài Gòn, tôi cũng mắc nghiện với thứ đồ uống này. Mà nói thật, ở Sài Gòn, ngày không làm vài ba cữ, nghe sao sao ấy.
Quay lại chuyện phải lòng Sài Gòn. Bạn bè tôi thiên di tránh rét vào đây không ít. Và trong câu chuyện nói về Sài Gòn, tôi dường như thấy, ai cũng có niềm tự hào khi nói về thành phố mình đang sống.
Đâu đó ở Sài Sòn. Ảnh: Thành Nguyễn.
Tôi thích cái cách Sài Gòn đón người nhập cư vào lòng, bao dung, chở che người ta. Không biết có đúng không, nhưng tôi thấy, Sài Gòn khác nhiều đô thị khác ở chỗ, dù là người ngoại tỉnh, vào Sài Gòn, họ vẫn là chính mình, họ hòa nhập với lối sống, phong cách của thành phố hơn 300 năm tuổi, nhưng không bị tan ra, họ là chính họ.
Nói cách khác, Sài Gòn là đô thị đa vùng miền, tươi tắn trẻ trung lắm, chứ không theo kiểu mang cái bóng đô thị đồng hóa người nhập cư.
Có bận, tít ngoài Hà Nội, một gánh hàng rong bán đĩa nhạc đi qua cửa công ty bỗng vang lên giọng ca quen thuộc. Điều đáng nói, giọng ca ấy chẳng phải hàng sao số trong làng showbiz, chỉ đơn thuần là đĩa CD của ca sĩ tự thu và phát hành theo kênh truyền thống, nhưng nó vô tình đánh thức tôi một phần ký ức, một đoạn kỷ niệm với thành phố này.
Có độ hay vào Sài Gòn, tôi thường ghé quán cà phê ca nhạc “Hà Nội và tôi”. Quán nằm trong con ngõ ngỏ trên phố Trần Cao Vân. Ngày đó, quán bắt đầu có ca nhạc bằng ghi ta mộc, của ông chủ người Hải Phòng - anh Toàn Nguyễn. Cứ mỗi tối, từ 20h đến 23h, ông chủ vừa đệm đàn, vừa hát. Xen lẫn là các tiết mục của khách. Toàn Nguyễn giọng ấm, da diết với những bài về Hà Nội, nhất là nhạc của Phú Quang. Chẳng hiểu sao, ở giữa đất Sài Gòn mà anh lại hát về Hà Nội nhiều đến thế.
Rồi có bận, cô bạn Sài gòn dẫn tôi đến quán Cúc Cu trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Cũng là quán cà phê ca nhạc, nhưng ở đó nhiều bạn trẻ, người ta hát với nhau những bài mới mẻ hơn, sôi động hơn.
Điều đáng nói, tất cả đều mộc. Mộc từ tiếng đàn cho đến giọng hát mà không dùng bất cứ giải pháp tăng âm nào. Giọng ca, tiếng nhạc vừa đủ, và nó cũng đòi hỏi người thưởng thức một sự tập trung nhất định. Âm thanh rộn ràng duy nhất ngoài các tiết mục chỉ là những tràng pháo tay…
Thấy cũng hay lắm!
Có bận khác, trong một lần đi tìm kiếm địa điểm tổ chức sự kiện. Tôi ghé và chọn Duxton Hotel trên đường Nguyễn Huệ. Thấy tôi xem nhanh, chốt sớm, bạn nữ phụ trách marketing của khách sạn sau khi rà soát lịch trống, đã lịch sự xin phép ra ngoài gọi điện thoại. 5 phút sau, bạn này vào và bảo: “Anh quyết nhanh quá, em vừa gọi điện và xin sếp giảm phí ++ cho các anh rồi” (++ là phí dịch vụ, khoảng 5%).
Sài Gòn là thành phố năng động bậc nhất cả nước, nơi có thêm khoảng 200.000 người dân mỗi năm. Ảnh: Shuttersotck.
Làm đẹp lòng khách đến, có lẽ đó là điểm chung của người Sài Gòn, mà ấn tượng với bạn marketing của khách sạn nọ là một ví dụ. Thích nhất, đó là đòi hỏi tự thân và “người Sài Gòn” thấy vui về điều đó.
Mỗi năm, Sài Gòn vẫn có thêm khoảng 200.000 người dân, tôi tin, trong đó không ít, nếu không muốn nói là phần lớn là dân nhập cư các tỉnh. Có lẽ, trong 200.000 người mới ở thành phố này, cũng có những người mến Sài Gòn như tôi, hay nặng tình với Sài Gòn như việc sẵn sàng đánh đổi nhiều điều - “cả anh”.