Sacombank: Yếu tố nội tại luôn an toàn ở mức cao

Sacombank: Yếu tố nội tại luôn an toàn ở mức cao

(ĐTCK) Với phương châm công tác quản lý rủi ro “Giám sát thường xuyên - Cảnh báo kịp thời - Xử lý hiệu quả” đã phát huy tối đa tác dụng và sẽ tiếp tục được Sacombank thực hiện trong những năm tới đây.

Nói đến nền tảng nội tại của Sacombank, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đánh giá ở mức ổn định và bền vững cao. Bởi Sacombank là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, mạng lưới rộng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và có chiến lược phát triển theo tôn chỉ rõ ràng; tỷ lệ nợ xấu luôn được kiểm soát ở mức tương đối thấp, dưới 2% trong suốt cả năm 2012 và đến cuối tháng 6/2013 cũng chỉ ở mức 2,46%, cho dù diễn biến nợ xấu trong ngành còn phức tạp.

Sacombank: Yếu tố nội tại luôn an toàn ở mức cao ảnh 1

 

Quản lý rủi ro luôn được nâng tầm

Một trong những nền tảng của Sacombank được coi là lợi thế hơn các ngân hàng bạn, đó chính là mạng lưới. Mạng lưới 421 điểm giao dịch tại 48/63 tỉnh, thành trong nước cũng như tại Lào và Campuchia đã tạo điều kiện tốt cho Ngân hàng dễ dàng thực hiện chiến lược bán lẻ xuyên suốt hơn 21 năm qua. Chính từ bán lẻ sẽ phân tán được rủi ro, từ nhiều khoản vay nhỏ sẽ tạo ra được dư nợ lớn và bớt đi những khoản nợ lớn tiềm ẩn rủi ro. Điều đó cũng tạo sự ổn định tương tự cho công tác huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư.

Đồng thời, với mục tiêu giảm tối đa mức độ ảnh hưởng do rủi ro gây nên bằng những công cụ, chính sách, cơ chế hiệu quả, trong năm 2012, Sacombank đã xây dựng nhiều công cụ, áp dụng hàng loạt giải pháp và thu được những kết quả khả quan. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức tương đối thấp.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tiềm lực tài chính của DN suy giảm đáng kể, khả năng thanh toán nợ vay cho ngân hàng trở thành vấn đề nan giải, trong khi tài sản bảo đảm phần lớn là bất động sản lại không có thanh khoản…, kết quả tất yếu là nợ quá hạn phát sinh, trở thành nợ xấu, gây khó cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, tại Sacombank, nợ xấu, nợ quá hạn vẫn được kiểm soát và luôn duy trì ở mức thấp so với mặt bằng chung của ngành. Một trong những nguyên nhân là do Sacombank đã tận dụng tối đa sức mạnh của hệ thống văn bản lập quy trong Ngân hàng.

Hệ thống văn bản quản trị của Sacombank được xây dựng hoàn chỉnh trên cơ sở dự báo trước rủi ro, được điều chỉnh liên tục, phù hợp với thực tế. Điển hình là chính sách tín dụng, văn bản ở cấp độ cao nhất trong hoạt động cấp tín dụng do HĐQT Ngân hàng ban hành, trong đó, quy định tất cả các vấn đề có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, từ đối tượng khách hàng, phương pháp thẩm định, cách thức kiểm tra, giám sát... cho đến giới hạn rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Chính sách tín dụng được điều chỉnh, cập nhật thường xuyên phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách quản lý rủi ro tín dụng của Sacombank cũng được ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của NHNN và yêu cầu quản lý rủi ro tín dụng của Sacombank, giúp Ngân hàng định hướng quản trị rủi ro cũng như chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa rủi ro từ nghiệp vụ cấp phát tín dụng. Hay chính sách quản lý nợ, quy định tất cả các biện pháp quản lý nợ và cơ chế xử lý đối với từng khoản nợ cụ thể, nhằm định hướng và hỗ trợ cho nhân sự thực hiện vận dụng được các phương án xử lý nợ hiện nay.

Đáng chú ý, với hệ thống phân quyền phán quyết cấp tín dụng, thẩm quyền phán quyết cấp tín dụng được Sacombank xây dựng trên nguyên tắc quyết định nhanh, an toàn, hiệu quả. Hệ thống phân quyền phán quyết dựa trên các tiêu chí về chất lượng tín dụng, quy mô tín dụng, địa bàn hoạt động.

Nhờ vậy, hệ số an toàn vốn (CAR) của Sacombank luôn ở mức cao trong những năm qua, đạt trên 10% trong năm 2012. Tỷ lệ khả năng chi trả ngày, tuần, tháng đảm bảo cao hơn gấp nhiều lần so với quy định của Thông tư 13, tỷ lệ cho vay so với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư duy trì dưới mức 80%. Tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn trong cho vay trung dài hạn luôn ở mức dưới 30%. Tổng trạng thái mở trên vốn tự có trên 14%.

Trong năm qua, Sacombank được Moody’s và S&P xếp hạng triển vọng ổn định. Nhận định chung được đưa ra từ các tổ chức này là Sacombank có triển vọng ổn định, phản ánh chất lượng, hoạt động kinh doanh và tốc độ phát triển ổn định của Ngân hàng trước những thách thức của nền kinh tế Việt Nam và thế giới.

Sacombank: Yếu tố nội tại luôn an toàn ở mức cao ảnh 2

 

Hướng tới chuẩn mực quốc tế

Ngoài hệ thống hành lang pháp lý để kiểm soát tối đa rủi ro, Sacombank còn xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng (XHTD) nội bộ CSR. Hệ thống thực hiện chấm điểm khách hàng dựa trên các thông tin định tính và định lượng, nhằm đánh giá mức độ rủi ro của từng khách hàng cụ thể. Căn cứ trên kết quả từ hệ thống CRS, các cấp phán quyết cấp tín dụng phán quyết và thực hiện chính sách khách hàng. Về khía cạnh quản lý rủi ro tín dụng, hệ thống XHTD đáp ứng được yêu cầu hạn chế rủi ro ngay từ đầu. Từ khi tiếp cận khách hàng, Hệ thống có thể tính toán và định lượng được mức độ rủi ro mà khách hàng này có thể gây ra cho Ngân hàng, từ đó, định hướng cho các cá nhân, đơn vị có liên quan đến thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng.

 Đặc biệt, hệ thống XHTD nội bộ của Sacombank được IFC tư vấn và vận hành từ năm 2005, lúc đó Sacombank được xem như là ngân hàng đầu tiên có Hệ thống XHTD theo chuẩn mực quốc tế. Đến năm 2011, với sự tư vấn của Công ty Kiểm toán Ernst & Young, Sacombank đã cải tiến Hệ thống phù hợp hơn với thị trường Việt Nam và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo chuẩn mực quốc tế phù hợp với đặc điểm thị trường Việt Nam là một bước tiến quan trọng trong việc tiến đến đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro tại Basel II và Basel III. Hiện nay, tất cả khách hàng có quan hệ tín dụng với Sacombank đều được Hệ thống XHTD đánh giá, xếp hạng.

Sacombank cũng đang triển khai Hệ thống tính toán tổn thất dự kiến để tính toán xác suất không trả được nợ của từng khách hàng, đo lường rủi ro cụ thể ở cấp độ từng khoản vay và ước lượng dư nợ khi khách hàng không trả được nợ phương pháp tiếp cận nội bộ cơ bản của Basel II. Từ việc tính toán trên, Sacombank có thể định giá khoản cấp tín dụng trên cơ sở rủi ro mà khoản cấp tín dụng có thể mang lại cho Ngân hàng.

Đáng chú ý, liên quan đến rủi ro khía cạnh con người, các công cụ quản lý được Sacombank đưa vào ứng dụng như: Chương trình quản lý rủi ro hoạt động, Chương trình quản lý thông tin CIC, Hệ thống đánh giá tác động môi trường và xã hội… Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn rủi ro thông qua công tác kiểm tra, rà soát, đưa ra những cảnh báo, khuyến nghị để Ban điều hành Ngân hàng điều chỉnh chính sách một cách kịp thời, nhằm hạn chế sớm rủi ro phát sinh.

 

Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2013

Tính đến hết ngày 30/6/2013, Sacombank đạt 1.448 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương gần 52% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt trên 159.660 tỷ đồng, tăng 5,5% so với đầu năm; tổng huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 126.870 tỷ đồng, trong đó huy động VND  tăng hơn 17% so với đầu năm; dư nợ cho vay đạt gần 109.580 tỷ đồng, tăng 12,9% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,46% tổng dư nợ.

Vừa qua, Sacombank đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ giai đoạn 1 năm 2013 từ 10.740 tỷ đồng lên 12.425,5 tỷ đồng (17%) bằng việc phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức năm 2011 và phát hành cổ phiếu dành cho cán bộ cốt cán. Sacombank đang xúc tiến lựa chọn các đối tác nước ngoài phù hợp để thực hiện tăng vốn giai đoạn 2, dự kiến hoàn tất trong quý IV/2013. Tổng doanh số kiều hối qua Sacombank trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 815 triệu USD. Sacombank vẫn duy trì vị trí là đơn vị có doanh số kiều hối hàng đầu tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.