Theo đó, tài sản đấu giá bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù diện tích 20,803 m2 tại phường 6, quận 8, TP.HCM thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng thửa đất số 464 và 544 với tổng diện tích 12,669 m2 tại quận 8, TP.HCM.
Trong khi đó, tại quận Tân Phú, Sacombank cũng đấu giá quyền sử dụng đất tọa lạc tại 245/61B Hòa Bình, phường Hiệp Tân với tổng diện tích 6.327 m2 thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Tân Phong với giá khởi điểm 397 tỷ đồng vào ngày 05/03/2021 tới đây.
Trước đó, Sacombank cũng đã rao bán tài sản của các cá nhân là quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất tại quận Bình Thạnh (diện tích 6.382 m2) và quận 5 (tổng diện tích 2.206,9 m2) với giá khởi điểm 376,8 tỷ đồng và 277 tỷ đồng.
Đầu năm 2021, Sacombank đã rất tích cực rao bán các tài sản là bất động sản để thu hồi nợ xấu. 2 tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 348 Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, Tân Phú, TP.HCM có diện tích 4.664 m2 thuộc sở hữu của Công ty 584 và 418 căn hộ hình thành trong tương lai thuộc dự án khu căn hộ thu nhập thấp và tái định cư Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, Tân Phú, TP.HCM với tổng diện tích 24.622 m2, do Công ty 584 làm chủ đầu tư.
Hai bất động sản trên là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của CTCP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 và Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc và Vật liệu xây dựng An Pha với tổng giá trị khoản nợ tính đến ngày 30/09/2020 là hơn 670 tỷ đồng.
Trong đó nợ gốc là 289,2 tỷ đồng và lãi tồn đọng là 380,8 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ được công bố là 603 tỷ đồng.
Một khoản nợ có giá trị khác là của CTCP Tư vấn Đầu tư Bất động sản Minh Dương có giá trị tính đến ngày 31/08/2020 hơn 1.217 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 450 tỷ đồng, lãi tồn đọng là hơn 767 tỷ đồng. Giá khởi điểm là hơn 986 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo cho khoản nợ này là quyền sử dụng và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 212B/C79 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM có diện tích 3.104 m2.
Năm 2020, Sacombank cho biết, công tác thu hồi nợ đẩy mạnh, doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với 2019 và tỷ lệ nợ xấu được kéo về 1,6%
Tổng tài sản hợp nhất đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng gần 10%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 13%.
Tổng huy động đạt 447.000 tỷ đồng với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt hơn 340.000 tỷ đồng, tăng 15%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.
Chi phí điều hành được kiểm soát chặt chẽ, chỉ tăng 6% so với năm trước, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ lãi dự thu theo Đề án hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 25% và vượt gấp 3 lần so với mục tiêu tại Đề án.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dù vậy vẫn đạt 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 giao.