Ông Phạm Hữu Phú

Ông Phạm Hữu Phú

Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững thay vì lợi nhuận ngắn hạn

(ĐTCK) Trả lời Báo ĐTCK trước thềm ĐHCĐ năm 2013, ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) cho rằng, mặc dù lợi nhuận Ngân hàng năm qua đã bị ảnh hưởng bởi khoản trích lập dự phòng cho SBS, nhưng điều đó sẽ làm cho Sacombank lành mạnh trong những năm tới.

Với nền tảng về con người và thế mạnh và sẵn có, cũng như mạng lưới phủ kín hiện nay, Sacombank tự tin với kế hoạch xây dựng cho năm 2013.

Lợi nhuận của Sacombank năm qua sụt giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi khoản trích lập dự phòng cho SBS. Liệu khoản trích lập này có được hoàn nhập, thưa ông?

Trong năm 2012, chúng tôi trích lập dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng khoảng 1.042 tỷ đồng mà Ngân hàng đã trích lập cho SBS khó có thể được hoàn nhập và Sacombank xem như đã mất khoản này. Hướng giải quyết đối với SBS trong thời gian tới nếu được NHNN đồng ý cho phép chuyển đổi về vốn hoặc có thể sáp nhập với một đơn vị khác thì Công ty có thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, SBS phải giảm bớt vốn điều lệ nếu được NHNN và UBCKNN chấp thuận. Nhưng vấn đề này hiện chưa có tiền lệ. Hiện Sacombank đang chờ NHNN trả lời về chủ trương nói trên, nên chúng tôi chưa thể đưa ra ĐHCĐ kỳ này.

 

Liệu có khả năng SBS sẽ sáp nhập vào CTCK Phương Nam như tin đồn? 

Hiện tỷ lệ cổ phần Sacombank nắm giữ tại SBS chỉ 10,95% nên chúng tôi không thể quyết định được điều này. Hơn nữa, STB cũng đã lập dự phòng đầy đủ cho SBS. Do đó, khả năng SBS sẽ sáp nhập với ai, hợp nhất với CTCK nào trong thời gian tới sẽ do ĐHCĐ SBS quyết định.

 

Sacombank và Eximbank đã có lộ trình sáp nhập trong vòng 3 - 5 năm tới. Vậy còn thông tin Southern Bank sẽ sáp nhập vào Sacombank thì thực hư thế nào, thưa ông?

Tôi khẳng định, hoàn toàn không có chuyện sáp nhập Southern Bank vào Sacombank. Đây cũng là một trong những yêu cầu của đối tác nước ngoài khi đặt vấn đề mua cổ phần của Ngân hàng, với tỷ lệ tối đa 20%. Còn với lộ trình hợp nhất Sacombank - Eximbank thì nhà đầu tư nước ngoài có ý định mua cổ phần Sacombank không đặt vấn đề này khi đàm phán.

Tôi cho rằng, việc sáp nhập, hợp nhất giữa các ngân hàng mạnh với nhau là xu hướng tất yếu trong tương lai không xa để có thể phát triển lớn mạnh hơn, mang tầm vóc khu vực. Tuy nhiên, chủ trương Sacombank sẽ chọn đối tác chiến lược nước ngoài trước khi tính đến việc sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính, đồng thời tránh thiệt hại cho các cổ đông.

 

Sacombank có kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài, dự kiến khi nào sẽ hoàn tất?

Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên năm 2011 ngày 26/5/2012, Đại hội cũng đã thống nhất thông qua việc chấp thuận chủ trương và ủy quyền cho HĐQT quyết định các vấn đề liên quan đến việc nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và triển khai các thủ tục cần thiết để tiếp cận, chọn lọc các đối tác chiến lược nước ngoài tham gia góp vốn vào Sacombank, với tỷ lệ nắm giữ cổ phần 15% vốn điều lệ. Vì thế, ĐHCĐ lần này là để tái xác nhận về mặt chủ trương này với cổ đông. Nhưng tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tối đa lên đến 20% vốn điều lệ và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2013. Đối tác chiến lược của Sacombank sẽ là một định chế tài chính mạnh. Tuy nhiên, hiện tôi chưa thể tiết lộ thông tin về đối tác chiến lược nước ngoài của Ngân hàng.

 

Năm nay, Sacombank đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ 53%. Điều đó có gây áp lực cho cổ đông và liệu có hoàn thành trước bối cảnh thị trường khó khăn?

Kế hoạch tăng vốn năm nay của Sacombank có một phần vốn bán cho cổ đông nước ngoài. Đồng thời, nguồn thực hiện là từ bán cổ phiếu quỹ, phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc từ nguồn khác, cổ đông không phải bỏ thêm tiền. Vì thế, tôi cho rằng, việc tăng vốn không có gì đáng lo ngại. Sacombank cũng vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ mức 10.740 tỷ đồng lên trên 12.425 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ Ngân hàng thông qua ngày 26/5/2012.

 

1 năm sau khi nhóm cổ đông mới vào Sacombank, điều gì theo ông là được và chưa được?

Tôi cho rằng, nền tảng bền vững của Sacombank đã tạo đà cho Ngân hàng tăng trưởng bền vững trong năm qua. Đó cũng chính là động lực để Sacombank phát triển trong năm nay. Quý I/2013, Sacombank đạt mức lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, đạt trên 30% kế hoạch năm; huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư bằng VND tăng 9,9% so với đầu năm; cho vay khách hàng bằng VND tăng 4,4%; tổng tài sản tăng 4,1%; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 2,18% tổng dư nợ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 10,1%. Sacombank hiện có vốn chủ sở hữu 14.012 tỷ đồng và có 421 điểm giao dịch.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Sacombank đưa ra năm nay ở mức 2.800 tỷ đồng có phần thận trọng là do Ngân hàng đã xác định được những khó khăn và thách thức của thị trường tiền tệ năm nay. Đáng chú ý là với Thông tư 02/TT-NHNN quy định về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng… sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng khó hơn. Đồng thời, khả năng các khoản nợ xấu sẽ bùng phát trong năm nay. Vì thế, Sacombank đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận ở mức phù hợp là để trích lập dự phòng một cách quyết liệt. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế phấn đấu của Sacombank năm nay là trên 3.000 tỷ đồng. Còn tỷ lệ cổ tức Ngân hàng dự kiến chi trả cho cổ đông trong năm nay ở mức 9 - 10% bằng tiền mặt.

 

Sacombank kỳ vọng thế nào về lợi nhuận đóng góp từ các công ty con năm nay?

Nhìn chung, các công ty con của Sacombank đều hoạt động khá ổn định và hiệu quả. Công ty cho thuê tài chính (SBL) hiện đang dẫn đầu ngành về hiệu quả hoạt động và kiểm soát nợ xấu, tạo được uy tín tốt với các định chế tài chính quốc tế như FMO, ADB và Norfund. Công ty kiều hối (SBR) năm 2013 đặt mục tiêu doanh số khoảng 1,77 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực chi trả kiều hối tại Việt Nam. Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (SBA) ngoài chức năng hỗ trợ Ngân hàng trong công tác thẩm định giá tài sản, quản chấp hàng hóa, xử lý nợ, còn đang quản lý và khai thác có hiệu quả diện tích kho bãi hơn 500.000 m2 ở Bình Dương, Long An, TP. HCM và Hưng Yên.

Sacombank đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững thay vì lợi nhuận ngắn hạn ảnh 1

Sacombank hiện có vốn điều lệ 10.740 tỷ đồng

Trong năm 2013, mặc dù môi trường hoạt động còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi kỳ vọng các công ty con của Sacombank sẽ có những đóng góp tích cực hơn vào lợi nhuận của Ngân hàng. Cụ thể, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế của các công ty con tăng khoảng 20% so với năm 2012.

 

Đầu tư vào cổ phiếu STB hiện nay, nhà đầu tư có thể kỳ vọng điều gì ở Ngân hàng?

Thế mạnh và nền tảng về con người cũng như mạng lưới phủ kín của Sacombank hiện nay sẽ dễ dàng giúp Ngân hàng triển khai chiến lược của mình trong giai đoạn 2013 - 2020 là đẩy mạnh bán lẻ, cho vay phân tán, nhỏ lẻ đồng thời gia tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ, tạo đà tăng trưởng bền vững cho Sacombank trong tương lai. Sacombank kỳ vọng nguồn thu từ dịch vụ tăng 20% năm nay. Để thực hiện chiến lược bán lẻ, năm nay, Sacombank tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ khách hàng cá nhân, với kế hoạch tăng 35% số lượng khách hàng mới.

Mặt khác, tỷ lệ cổ tức luôn được Sacombank đảm bảo ở mức hợp lý qua từng năm, dù có khó khăn. Kế hoạch chia cổ tức năm 2012 là 12 - 14%, nhưng do khoản trích lập dự phòng cho SBS lớn trong năm qua đã ảnh hưởng đến lợi nhuận và cổ tức giảm xuống 6%. Tuy nhiên, điều đó sẽ giúp Sacombank lành mạnh hơn trong những năm tới. Tôi cho rằng, với mức cổ tức trên là hợp lý trong bối cảnh hiện nay và dự kiến Sacombank chia cổ tức năm 2013 ở mức 9 - 10% là phù hợp. Bởi năm 2013, các ngân hàng phải triệt để trong vấn đề giải quyết nợ xấu nên khó có thể kỳ vọng lợi nhuận cao.