Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do EuroCham khảo sát mỗi quý được thị trường đánh giá đã và đang nắm bắt được nhịp điệu của các DN châu Âu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010. BCI cập nhật về các đánh giá thực tế, chuyên sâu từ các công ty thành viên và cho thấy quan điểm của những công ty này về môi trường kinh doanh. Con số mới nhất cho thấy, các DN châu Âu vẫn có đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh với đánh giá trong quý IV/2018 ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Để có được kết quả trên, EuroCham nhận định, kể từ thời điểm công bố ấn bản Sách trắng của EuroCham vào tháng 3/2018, Chính phủ đã tiếp tục nỗ lực cải cách các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bất kể đánh giá khả quan này, EuroCham cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đang ở phía trước. Việt Nam xếp vị trí thứ 77 theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), giảm 3 bậc so với năm ngoái. Báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam là nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 25), Thái Lan (thứ 38), và Philippines (thứ 56), nhưng xếp trên Campuchia (thứ 110) và Lào (thứ 112).
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, EuroCham khuyến nghị trong Sách Trắng rằng, đối với chính sách chuyển giá, cơ quan thuế nên áp dụng một cách tiếp cận hướng tới tương lai hơn.
“Cơ quan thuế cần xem xét thích đáng đối với phân tích được thực hiện bởi người nộp thuế. Các thách thức phải dựa trên giá trị và đặc trưng của các so sánh người nộp thuế và lý do đầy đủ phải được đưa ra để từ chối các công ty tương đương của họ. Nếu các công ty tương đương bị từ chối, nhà chức trách cần đề xuất một tập hợp tốt hơn dựa trên cùng một cơ sở dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu công cộng khác, thay vì sử dụng dữ liệu mà người nộp thuế không thể truy cập được”, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá chia sẻ.
Liên quan đến các hạn chế về khấu trừ chi phí lãi, EuroCham cho rằng, giới hạn lãi chỉ nên áp dụng cho các khoản nợ của bên không liên quan, trừ khi một bên liên quan cung cấp bảo lãnh cho bên cho vay hoặc gửi một số tiền tương đương với bên cho vay. Khoản khấu trừ lãi bị từ chối sẽ có thể được kết chuyển cho các năm tiếp theo.
EuroCham tiếp tục giữ quan điểm, Chính phủ nên hợp tác với các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, tham khảo các cách làm tốt nhất nhằm xây dựng một chương trình học phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế. Các bộ liên quan nên yêu cầu sinh viên các trường đại học công nghệ thông tin (CNTT) và các trường dạy nghề CNTT phải hoàn thành một khóa thực tập thực tế. Đồng thời, các trường đại học cần phối hợp chặt chẽ với ngành CNTT để nắm bắt được các xu hướng công nghệ và nhu cầu thực tế về công việc trong ngành đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Một khóa thực tập bắt buộc dài hơn so với bình thường tại các công ty CNTT, theo EuroCham sẽ tạo điều kiện cho sinh viên có được những kinh nghiệm đầu tiên đầy đủ, thực tế và vận dụng được các kỹ năng chuyên môn, cũng như kỹ năng mềm của mình trong môi trường quốc tế. Đồng thời, các công ty CNTT sẽ có cơ hội phát hiện và tuyển dụng được nhân tài vào các vị trí công việc trong tương lai, do đó, có thể giảm thiểu chi phí chung phát sinh từ việc đào tạo lao động mới.
Ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch EuroCham nói: “Trong 30 năm qua, con đường phát triển kinh tế xã hội vượt bậc của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội và nguồn việc làm trong tương lai chủ yếu sẽ đến từ nền kinh tế kỹ thuật số với nhu cầu nhân lực công nghệ cao. Các DN châu Âu luôn cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội mà làn sóng đổi mới kỹ thuật số toàn diện và bền vững sẽ mang lại”.