Công ty ngoại mất lợi thế vốn rẻ
Hai sở HOSE, HNX đã công bố thị phần môi giới cổ phiếu, trái phiếu quý III/2021, với các gương mặt Top 10 gần như không thay đổi so với quý II. Trên HOSE, Top 10 công ty chứng khoán chiếm 67,05% thị phần môi giới toàn thị trường, tăng 2,01% so với cuối quý II.
Top 5 trong bảng xếp hạng thị phần vẫn là những gương mặt quen thuộc, chỉ có sự thay đổi vị trí thứ 3. Cụ thể, VPS đứng đầu với thị phần 16,5%, tiếp đến là SSI với thị phần 11,58%, VND 7,72%, HSC 6,79%, VCSC 4,9%.
Ở Top dưới, TCBS có sự thăng hạng lên vị trí thứ 6, với thị phần 4,81%, tăng so với thị phần 4,03% ở quý II. Trong khi Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam từ vị trí thứ 6 trong quý II, với 4,56% thị phần đã rơi xuống vị trí thứ 8, với 3,94% thị phần.
Bảng xếp hạng này có sự ổn định trong khoảng 3 - 4 quý gần đây, cơ hội cho các công ty chứng khoán khác lọt vào bảng Top 10 cũng thách thức hơn nếu không có sự đầu tư và chiến lược đột phá.
Điều này thể hiện rõ ở câu chuyện cạnh tranh giữa công ty chứng khoán nội và ngoại. Nếu như trước đây, các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc từng tạo ra sự bứt phá về thị phần nhờ tăng vốn mạnh mẽ với chi phí vốn rẻ thì nay, các lợi thế đó không còn quá nổi bật. Bởi vậy, vị trí công ty ngoại trong bảng xếp hạng thị phần có sự trồi sụt.
Trong khi đó, hầu hết các công ty chứng khoán Top 5 thị phần là công ty nội địa đều đã tăng vốn. Thậm chí, SSI sau tăng vốn đang là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. HCM chuẩn bị tăng vốn, còn VND, SHS… đã thực hiện xong.
Chưa kể, các công ty chứng khoán nội địa đã tiếp cận được với tín dụng quốc tế với lãi suất thấp, qua đó tăng lợi thế cạnh tranh, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính khi lượng nhà đầu tư gia nhập thị trường vẫn đang liên tục tăng lên.
Đơn cử, VND vừa nhận khoản vay hợp vốn kỳ hạn 1 năm từ nhóm các ngân hàng nước ngoài với tổng giá trị 100 triệu USD.
Trước đó, SSI nhận giải ngân khoản vay tín chấp nước ngoài 118 triệu USD từ nhóm ngân hàng nước ngoài và định hướng phân bổ một phần vào mảng cho vay giao dịch ký quỹ. Cuối năm 2019 và năm 2020, SSI, VCI, HCM cũng tiếp cận được tín dụng quốc tế với chi phí vốn thấp.
Nhờ nguồn vốn này, SSI tung gói phí dành cho khách hàng mới và giao dịch chủ động trực tuyến chỉ 0,15% cho các giao dịch trên thị trường cơ sở và từ 500 đồng/hợp đồng trên thị trường phái sinh.
Hay MBS có gói phí thấp chưa từng có, dành riêng cho khách hàng mở mới tài khoản. Chứng khoán VPS cũng mới áp dụng chương trình 6 tháng miễn phí giao dịch phái sinh dành cho tài khoản mở mới, không đi kèm điều kiện giao dịch…
Nhiều công ty chứng khoán khác vẫn đang duy trì chương trình giảm, hoặc miễn phí giao dịch.
Nghiệp vụ môi giới vẫn luôn là hoạt động cốt lõi của hầu hết các công ty chứng khoán, nhưng tùy vào mục tiêu hoạt động của từng công ty chứng khoán để có các chiến lược về thị phần khác nhau.
Rõ ràng, công ty chứng khoán duy trì và phát triển được tệp khách hàng rộng lớn, thị phần tốt sẽ có các lợi thế nhất định trong việc hỗ trợ được cho các mảng kinh doanh khác, chẳng hạn đẩy mạnh cho vay margin, thậm chí hỗ trợ tốt cho mảng IB ở nghiệp vụ tư vấn phát hành và phân phối trái phiếu.
Số liệu mới nhất từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tổng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) của các công ty chứng khoán tính đến ngày 13/9/2021 ước đạt 141.304 tỷ đồng, tăng 74,62% so với đầu năm 2021.
Với số lượng tài khoản mở mới tăng cao và nhu cầu sử dụng margin lớn hơn, nhiều công ty chứng khoán đã có kết quả kinh doanh tốt.
Theo SSI, dư nợ ký quỹ của Công ty cuối quý III/2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh lên mức 18.100 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với quý trước. Riêng trong quý III, số lượng tài khoản mở mới tại SSI đã tăng 17,4% so với quý trước và tăng 323% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư tại SSI trong quý III tăng trưởng 7,5% so với quý II, cao hơn mức tăng trưởng bình quân 4,2% của thị trường chung và tăng 247% so với cùng kỳ.
Cạnh tranh bằng chất lượng tư vấn
Giai đoạn vừa qua, khi thị trường điều chỉnh, giằng co, việc vào sai nhịp đã khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Nhu cầu gia tăng kiến thức, gia tăng góc nhìn về thị trường của nhà đầu tư ngày càng lớn. Nhiều công ty chứng khoán đã nhận ra điểm này và nhanh chóng tổ chức các chương trình đào tạo thêm kiến thức cho nhà đầu tư, tích hợp sẵn trên ứng dụng giao dịch.
Nếu như trước đây, nhà đầu tư hầu như chỉ được cung cấp các bản báo cáo file mềm thiếu cảm xúc, các video với nội dung không nhiều hữu ích… thì nay, họ có thể tiếp cận và tương tác nhiều hơn các chuyên gia của công ty chứng khoán thông qua các tọa đàm, hội thảo online, với cách tổ chức đơn giản, gần gũi và nội dung bám sát thị trường.
Hầu hết các công ty ở Top đầu về thị phần môi giới như SSI, HSC, VCI, VND, MBS… đều có các chương trình đào tạo kiến thức, từ sơ khai nhất cho nhà đầu tư, kèm theo đó là các chương trình hội thảo, “có bao nhiêu chuyên gia là tung ra hết”.
Các công ty chứng khoán năng động khác như Pinetree cũng được cộng đồng nhà đầu tư ghi nhận về chất lượng các bản tin video cập nhật sau phiên giao dịch và các nhận định cổ phiếu.
Cạnh tranh trong ngành chứng khoán thời nay khó khăn hơn, vì nhà đầu tư có nhiều công cụ để tiếp cận thông tin và kiến thức hơn, nếu chỉ cạnh tranh về giá, phí sẽ không bền. Nhưng điều này không đồng nghĩa là không có cơ hội “mở lối đi riêng” cho một số công ty chứng khoán.
Chẳng hạn, TCBS tiếp tục ngự trị vị trí số 1 thị phần môi giới trái phiếu, TPS mạnh mẽ vươn lên vị trí số 2 sau tái cơ cấu, hay nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang có những hoạt động tương đối chuyên biệt - đi đúng lợi thế cạnh tranh, thay vì dàn trải tất cả các mảng, như tư vấn IR, tư vấn và phân phối trái phiếu như TVSI, hay công ty chứng khoán có quy mô nhỏ hơn như AAS cũng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng đầu tư trái phiếu…
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được đánh giá là còn nhiều dư địa phát triển, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường bùng nổ trong thời gian vừa qua mở ra cơ hội cho các thành viên trong ngành.
Ghi nhận của người viết, các công ty chứng khoán ít có hoạt động lâu nay, nói cách khác là chỉ còn giấy phép đang được săn mua tích cực. Việc gia nhập của các “tay chơi mới mà không mới” trên thị trường tiếp tục mở ra các đợt cạnh tranh với nhiều sắc thái khác nhau.