Sự kiện S&P hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Mỹ từ AAA xuống AA+ là một tin chấn động thị trường tài chính thế giới

Sự kiện S&P hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Mỹ từ AAA xuống AA+ là một tin chấn động thị trường tài chính thế giới

S&P hạ knock-out niềm tin Mỹ: Cơ hội cực lớn để mua vào

(ĐTCK-online) TTCK đang ở điểm chuyển biến, và đây là một cơ hội cực lớn để mua vào và kỳ vọng chuyển tất cả các khoản đầu tư vào TTCK niêm yết trong vòng 6 - 9 tháng tới.

Trái phiếu Mỹ bị hạ tín nhiệm

Sự kiện S&P hạ bậc tín nhiệm trái phiếu Mỹ, vốn từng được đánh giá tốt như vàng, từ AAA xuống AA+ là một tin chấn động thị trường tài chính không khác gì khi Mike Tyson hạ knock-out nhà vô địch hạng nặng huyền thoại Larry Holmes vào tháng 1/1988 (đây cũng là lần duy nhất Larry Holmes bị đánh bại bởi đòn knock-out) trong làng boxing chuyên nghiệp.

Dù cho vẫn còn nhiều tranh cãi quanh sự kiện hạ mức tín nhiệm lần này, nhất là từ Bộ Tài chính Mỹ, nhưng S&P cũng tìm thấy sự hưởng ứng từ nhà siêu đầu cơ Jim Rogers. Trong một bài phỏng vấn độc quyền với Kênh truyền hình CNBC của Mỹ vào thứ Hai (ngày 8/8), Rogers cho biết: "Tôi cảm thấy rằng, Mỹ không thể trả được hết nợ".

Tuy vậy, phần đông mọi người đều không tán thành với quyết định của S&P. "Việc hạ bậc tín nhiệm thật là lố bịch ở chỗ xếp hạng tín dụng đồng nghĩa với việc đánh giá khả năng vỡ nợ. Không thể có chuyện Mỹ bị vỡ nợ được", Richard Portes, giáo sư kinh tế của Trường kinh doanh London nhận xét trong cuộc trao đổi với CNBC hôm thứ Hai.

Trong một buổi phỏng vấn khác của CNBC, Warren Buffett - nhà tiên tri, vị nhạc trưởng lỗi lạc của giới đầu tư trên toàn thế giới phát biểu: "Tiền tệ của chúng ta (đồng USD) không được AAA và trong những tháng vừa qua, biểu hiện của Chính phủ (Mỹ) cũng chưa được AAA, thế nhưng xếp hạng nợ của chúng ta thì vẫn là AAA". Ông Buffet cho rằng, "thật là lợi khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể in tiền".

Thêm vào đó, cuộc tranh luận cũng nảy sinh từ hai điểm, động cơ hạ xếp hạng tín dụng của S&P và sai sót trong tính toán đến 2.000 tỷ USD. Nhầm lẫn này nằm trong tính toán hệ số nợ trên GDP của Mỹ trong vòng 10 năm tới và dựa trên sự hiểu sai những công bố của Quốc hội.

Để bảo vệ chính kiến của mình, S&P đã công bố rằng, "việc hạ bậc tín dụng thể hiện quan điểm của chúng tôi về kế hoạch cắt giảm nợ công, Quốc hội cũng như Chính phủ đã đi đến thống nhất, thiếu đi điều mà theo nhìn nhận của chúng tôi là cần thiết cho việc ổn định nợ trung hạn của Chính phủ".

Theo S&P, triển vọng trên xếp hạng tín dụng mới của Mỹ là khá tiêu cực, đồng nghĩa với việc có khả năng một đợt hạ bậc tín dụng khác sẽ xảy ra trong vòng 12 đến 18 tháng tới.

 

Thị trường phản ứng mãnh liệt

Trước khi sự kiện S&P hạ mức xếp hạng tín dụng Mỹ diễn ra, phong vũ biểu của TTCK Mỹ, chỉ số Dow Jones đã giảm sâu đến 200 điểm với tin xấu về nợ công châu Âu. Chỉ số này giảm tiếp 500 điểm vào ngày 4/8 với việc hạ bậc tín dụng bởi S&P. Đây là một sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử khi nợ Mỹ luôn được xếp hạng AAA kể từ năm 1941. Ngày 8/8, Dow Jones giảm thêm 634 điểm. Mức sụt mạnh lên đến gần 11% chỉ trong vòng ba ngày đã lấy đi toàn bộ lợi nhuận trên TTCK Mỹ từ đầu năm đến giờ. Chỉ số Dow Jones kết thúc phiên giao dịch ở mức 10.809 điểm.

S&P hạ knock-out niềm tin Mỹ: Cơ hội cực lớn để mua vào ảnh 1

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT AI Capital

Trái phiếu chính phủ Mỹ, từng được xem như là địa điểm đầu tư an toàn nhất trên thế giới, thì bây giờ được xếp hạng còn thấp hơn trái phiếu phát hành bởi những nhà nước khác như là Anh, Đức, Pháp và thậm chí nền kinh tế nhỏ của người "hàng xóm" phía Bắc, Canada.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Tim Geithner trả lời CNBC hai ngày sau diễn biến hạ bậc tín dụng: "S&P đã cho thấy một sự thiếu hiểu biết trầm trọng về cơ bản phép toán ngân sách, cắt giảm nợ công của Mỹ. Tôi cho rằng, họ chắn chắn đã rút ra một kết luận sai lầm".

Thị trường tài chính của Mỹ đang được định giá thấp hơn cả những thời điểm thấp của thị trường như tháng 10/2008 và tháng 3/2009. Dòng chảy vốn ra khỏi những quỹ đầu tư thị trường niêm yết lên đến 11,2 tỷ USD, lớn nhất kể từ tháng 5/2010. Đây là đợt rút vốn lớn nhất trong trong thị trường các quỹ đầu tư tiền tệ, kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers. Thị trường sụt giảm hơn 15% kể từ khi kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE2 - chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD của FED) ngày 30/6/2011. Nhà đầu tư cũng như những nhà quan sát thị trường đang kỳ vọng vào giải pháp rót vốn (QE3) của FED trong những tuần tới.

 

Sự kiện Mỹ và ảnh hưởng đến nhà đầu tư Việt Nam ?

Nếu ai đó đọc hoặc lắng nghe những nhà kinh tế và trưởng bộ phận kinh doanh của các CTCK hàng đầu Việt Nam, họ sẽ khiến bạn tin rằng, một thảm họa tài chính nho nhỏ đang tiến đến rất gần. Khi mà lạm phát chạm mức 20% vào cuối năm, giá trị đồng Việt Nam sẽ giảm xuống, ở mức 22.000 - 22.500 đồng/USD.

Chúng tôi tin rằng, họ đã không nắm được bức tranh tổng thể!

Những nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã cho thấy rõ quyết tâm kiềm chế lạm phát và bảo vệ người tiêu dùng. Đúng là chúng ta đã có chính sách thắt chặt tín dụng và giảm nguồn cung tiền chính (M2) thông qua chính sách tiền tệ như là rút thanh khoản (9.000 tỷ đồng) thông qua thị trường mở (OMO), cũng như mua lại gần 5 tỷ USD từ tháng 4. Chúng ta cắt giảm và dừng bớt chi tiêu của Chính phủ, điều mà nhiều nhà kinh tế học cho là không tốt. Nhưng chúng tôi tin rằng, đây sẽ là điều tốt cho thị trường, cũng như nền kinh tế về mặt dài hạn. Việc thực hiện chính sách kiểm soát hoạt động thị trường hàng hoá như vàng và ngoại hối cũng rất khả quan. Trong khi đó, các đồng tiền khác của Đông Nam Á đều mạnh lên so với USD. Nếu chúng ta tính FDI cộng với kiều hối sẽ góp phần đến 20% GDP, góp phần bù đắp cho cán cân thương mại. Ngoài ra, với việc giá cổ phiếu ở mức thấp, thị trường sẽ thu hút được những dòng vốn FII mới. Điều này đi kèm với những chính sách trên sẽ làm tiền đồng mạnh lên, chứ không thể yếu đi trong thời gian 2 - 3 năm tới. Đây đều là những dấu hiệu tích cực.

Chúng tôi làm việc với những đối tác nước ngoài và tin tưởng rằng, TTCK đang ở điểm chuyển biến (inflection point). Chúng tôi nhận thấy đây là một cơ hội cực lớn để mua vào và kỳ vọng chuyển tất cả các khoản đầu tư của chúng tôi vào TTCK niêm yết trong vòng 6 - 9 tháng tới.

Khi mà kinh tế toàn cầu hiểu ra rằng, Chính phủ Mỹ không thể vỡ nợ với khả năng in tiền để trả nợ, tâm lý định giá thấp thị trường sẽ được giải quyết và tiếp tục tập trung vào vấn đề thật sự của thế giới - khủng hoảng nợ công châu Âu.

Được tiếp sức bởi những con số đẹp đẽ về số lượng việc làm cũng như triển vọng lợi nhuận quý III/2011 của các doanh nghiệp Mỹ, tâm lý nhà đầu tư sẽ được cải thiện và phục hồi trở lại. Đi đôi với một QE3 được kỳ vọng trước, nguồn cung tiền được bơm vào để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Đây không giống như sự kiện Lehman Brothers năm nào. Đây cũng không phải là sự lặp lại của ngày 11/9. Và đây cũng không phải là thảm họa tài chính. Cùng lắm, đây chỉ là sự điều chỉnh tâm lý sợ hãi của bầy đàn.

Chúng tôi nhận thấy đây chỉ là một hiện tượng đảo chiều tâm lý thị trường. Khi mà vốn được rút ra khỏi các quỹ tiền tệ cũng như chứng khoán, những chuyên gia quản lý quỹ được yêu cầu phải thoái vốn để hoàn trả cho nhà đầu tư. Để làm được điều đó, họ phải cố gắng bán trước khi người khác kịp làm tương tự, do đó gây ra làn sóng bán tháo chứng khoán của thị trường.

Hiện tượng S&P hạ bậc tín dụng chỉ như sự châm ngòi cho thị trường vốn đã bị kích động với vấn nạn nợ công châu Âu và lạm phát hàng hoá. Đối với phần đông trên thị trường, họ không hoàn toàn hiểu về việc hạ bậc tín dụng này, nó chỉ như là một phần của bức tranh tiêu cực của thị trường.

Làn sóng mua vào sẽ bắt đầu sau khi thị trường tiếp tục điều chỉnh 6 - 8% từ thời điểm hiện tại, kéo chỉ số Dow Jones xuống thấp hơn 10.000 điểm. Khi mà những đám mây đen lắng đi, đây sẽ là cơ hội mua vào lớn đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, phần đông trong số họ sẽ cố lấy lại những gì đã mất trong những ngày vừa qua.

Còn đối với thị trường vàng, mỗi ngày trôi qua nó đã lại tiếp tục tỏa sáng, phá những kỷ lục mới. Ngân hàng đầu tư JP Morgan đang dự báo giá vàng cuối năm chạm mốc 2.500 USD/ounce. Chúng tôi nhận thấy một sự biến động lớn ở vàng và theo quan điểm của chúng tôi thì nếu bạn sở hữu nó, hãy tiếp tục giữ và chỉ mua vào khi có sự điều chỉnh. Với giá 1.724 USD/ounce sáng qua, nó không phải là tài sản chúng tôi không mua vào.

Lưu ý, hai tổ chức đánh giá tín dụng khác cũng đồng hỗ trợ quyết định của S&P. Fitch đã cảnh báo việc xếp hạng Mỹ "sẽ tiếp tục nằm trong vòng áp lực trong một thời gian nữa"; trong khi đó, Moody's đi xa hơn khi đưa ra dự báo tiêu cực của mình.

Đây là sự kiện chưa có tiền lệ, một sự kiện lịch sử. Tuy vậy, nó rồi cũng sẽ chóng qua.