Giới đầu tư đang chờ đợi nhiều thông tin kinh tế quan trọng trong 2 phiên cuối tuần - Ảnh minh họa: Reuters

Giới đầu tư đang chờ đợi nhiều thông tin kinh tế quan trọng trong 2 phiên cuối tuần - Ảnh minh họa: Reuters

S&P 500 lập đỉnh mới, vàng lình xình đợi thông tin

(ĐTCK) Dữ liệu của khu vực dịch vụ mới được ISM công bố tích cực hơn dự báo giúp Phố Wall lấy lại đà tăng với việc S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó, giá vàng lình xình để chờ đợi các thông tin kinh tế quan trọng.
Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, chỉ số khu vực dịch vụ của Mỹ tăng lên 56,3 trong tháng 5 từ 55,2 trong tháng 4, vượt kỳ vọng của giới phân tích 55,5 và mức tăng mạnh nhất 9 tháng.

Trước đó, Báo cáo việc làm ADP cho thấy, khu vực tư nhân tạo thêm 179.000 việc làm trong tháng 5, thấp hơn mức kỳ vọng 210.000​. Trong khi mức tăng việc làm của tháng 4 đã được điều chỉnh giảm 5.000.

Dữ liệu kinh tế tích cực do ISM công bố đã hỗ trợ giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại sau phiên điều chỉnh ngày 3/6, trong đó, S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones tăng 15,19 điểm (+0,09%), lên 16.737,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,64 điểm (+0,19%), lên 1.927,88 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,56 điểm (+0,41%), xuống 4.251,64 điểm.

Không tích cực như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục điều chỉnh để chờ đợi cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra vào hôm nay (5/6). Trước đó, dữ liệu lạm phát của khu vực được công bố với mức tăng 0,5% trong tháng 5 so với mức 0,7% trong tháng 4, trong khi GDP của 18 nền kinh tế khu vực chỉ tăng 0,2% trong quý đầu tiên, cho thấy khu vực đồng euro đang đối mặt với giảm phát. Trong khi đó, chỉ số PMI tháng 5 giảm xuống 53,4 từ mức 54 trong tháng 4.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 17,67 (-0,26%), xuống 6.818,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 6,93 điểm (+0,07%), lên 9.926,67 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 2,69 điểm (-0,06%), xuống 4.501,00 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp trong tuần, lên mức cao nhất 2 tháng khi đồng USD tăng mạnh, lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên tăng mạnh trước đó, còn chứng khoán Trung Quốc nới rộng đà giảm trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 33,71 điểm (+0,22%), lên 15.067,96 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 139,33 điểm (-0,60%), xuống 23.151,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 13,47 điểm (-0,66%), xuống 2.024,83 điểm.

Thị trường kim loại quý không có nhiều biến động trong phiên giao dịch thứ Tư, giá vàng lình xình quanh mức đóng cửa trước đó khi chờ đợi các dữ liệu kinh tế quan trọng. Đầu tiên là kết quả cuộc họp ECB vào thứ Năm với dự báo sẽ đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ. Tiếp đó, trong phiên cuối tuần, thị trường vàng sẽ đón nhận dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ.

Kết thúc phiên 4/6, giá vàng giao ngay giảm 1,3 USD (-0,10%), xuống 1.243,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 0,3 USD (-0,02%), xuống 1.244,0 USD/ounce.

Dù dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, nhưng việc đồng USD tăng giá khiến giá dầu không thể tăng trong phiên giao dịch thứ Tư, mà chỉ lình xình và đóng cửa gần như không đổi.

Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,02 USD (-0,02%), xuống 102,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,42 USD (-0,39%), xuống 108,40 USD/thùng.

Tin bài liên quan