Rung lắc là cơ hội…

Rung lắc là cơ hội…

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, các cân đối lớn như xuất khẩu, chỉ số sản xuất, thu ngân sách… ngày càng sáng trở lại và khi dòng vốn chảy mạnh trong nền kinh tế, TTCK rung lắc là cơ hội để thu hút dòng tiền mới tham gia.

Thông tin biến chủng Omicron lan tới một số nước Đông Nam Á có thể là “chất xúc tác” tức thời khiến nhiều nhà đầu tư thoát hàng dứt khoát hơn và VN-Index rơi gần 40 điểm trong phiên cuối tuần qua, nhưng nhiều nhà quan sát có kinh nghiệm trên thị trường lại cho đó là pha “rũ hàng” cần thiết đề dòng tiền lớn nhập cuộc trở lại.

Thực tế, thanh khoản giảm dần trong vài phiên trước đó là dấu hiệu cho thấy dòng tiền đang “rình rập” với hai lớp nghĩa. Thứ nhất là rình rập cơ hội giải ngân hấp dẫn hơn, nhưng quan trọng hơn là chờ đợi những thông tin cụ thể hơn về “hình hài” và hướng đi của gói kích thích kinh tế đang được rốt ráo lên kế hoạch.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nội dung cơ bản của tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu là y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công và cải cách hành chính.

Chưa có một con số cụ thể nào được đưa ra về gói hỗ trợ kinh tế trị giá hàng tỷ USD như ở các nền kinh tế khác, hoặc như một vài dự đoán ban đầu, nhưng với Việt Nam, một chương trình với các giải pháp toàn diện như vậy được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận khá hồ hởi, bởi nó hứa hẹn đem đến sự ổn định vĩ mô, tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần một con số hỗ trợ nền kinh tế bằng tiền tương đương khoảng 3-5% GDP là tối thiểu để hỗ trợ tăng tổng cầu, giúp các doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Mặt khác, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán tại các cộng đồng doanh nghiệp khác nhau, hỗ trợ về tháo gỡ vướng mắc thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính lại đang được mong chờ nhất.

Chẳng hạn như nhóm doanh nghiệp bất động sản ở phía Nam đang rất mong chờ tháo gỡ các khó khăn trong triển khai dự án để các nút thắt pháp lý nhiều năm nay được gỡ bỏ, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp. Nếu như gói hỗ trợ bằng tiền là điều kiện cần thì một kế hoạch chính sách tổng thể hỗ trợ nền kinh tế là điều kiện đủ để có thể khơi thông, “nong mạch” cho dòng vốn đầu tư đang tắc nghẽn.

Trên TTCK, các giải pháp hỗ trợ kinh tế đang rốt ráo chuẩn bị là một trong các lý do cơ bản để các nhà đầu tư tin tưởng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng, dù ghi nhận yếu tố nóng ở đà tăng giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán HSC tại hội thảo “Vietnam Bouncing Back from Covid” tổ chức tuần trước, Việt Nam có mức tăng trưởng EPS dự báo mạnh nhất trong khu vực cho năm tài chính 2022, sau sự tụt hạng của năm 2021.

Xét P/E dự phóng và tăng trưởng EPS năm 2022 thì định giá thị trường Việt Nam tương đối rẻ. HSC đưa ra dự báo VN-Index sẽ đạt 1.800 điểm vào cuối năm 2022, mặc dù trong vài tháng tới thị trường có nhiều biến động.

Phiên thử thách mốc hỗ trợ 1.460 điểm cuối tuần qua, chủng virus mới chỉ “dọa” được nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn hiện tượng nhiều cổ phiếu midcap tăng nóng bởi dòng tiền đầu cơ, lo ngại về dòng tiền rút về, giảm margin khi đến kỳ báo cáo cuối năm và việc chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về gói kích thích kinh tế mới được cho là những yếu tố khiến các nhà đầu tư lâu năm chọn đứng ngoài.

Tuy nhiên, các tác động ngắn hạn này sẽ sớm qua đi bởi định giá đa số các cổ phiếu lớn còn ở mức hấp dẫn và tích lũy trong thời gian dài vừa qua sẽ là động lực thúc đẩy dòng tiền trở lại.

Thị trường và giới doanh nghiệp tin chắc rằng các giải pháp kích thích kinh tế sẽ được thực hiện sau khi được bàn thảo một cách kỹ lưỡng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong khi các phản ứng phụ ở mức thấp nhất có thể. Đó cũng là những thông tin chủ đạo được Đầu tư Chứng khoán lựa chọn bàn thảo trong mục Tiêu điểm của số báo tuần này.

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, các cân đối lớn như xuất khẩu, chỉ số sản xuất, thu ngân sách… ngày càng sáng trở lại và khi dòng vốn chảy mạnh trong nền kinh tế, TTCK rung lắc là cơ hội để thu hút dòng tiền mới tham gia.

Tin bài liên quan