Nhiều doanh nghiệp chi trả các khoản “bôi trơn” để công việc được trôi chảy

Nhiều doanh nghiệp chi trả các khoản “bôi trơn” để công việc được trôi chảy

Rủi ro trách nhiệm hình sự khi doanh nghiệp chi ngoài

(ĐTCK) Những khoản chi phí “ngoài”, chi phí “bôi trơn” tiềm ẩn rủi ro pháp lý vô cùng nghiêm trọng đối với doanh nghiệp cũng như các lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp.

Ngày 6/12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Phan Minh Nguyệt và các đồng phạm trong vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Phan Minh Nguyệt thừa nhận những hành vi của mình là không đúng quy định nhưng bị cáo hoàn toàn không tư lợi cá nhân và đã khắc phục hết hậu quả. Theo bị cáo Nguyệt, những khoản tiền để ngoài sổ sách đang bị quy kết trong vụ án đã được sử dụng để “chạy” dự án, để chi cho một số công việc của Công ty.

Theo cáo buộc, 6 bị cáo đã có hành vi sử dụng một số khoản tiền để ngoài sổ sách, không có chứng từ, hóa đơn giải trình được mục đích chi tiêu.

Bị cáo Phan Minh Nguyệt, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Hadico từ năm 2005 - 2014, đến tháng 1/2014 được bổ nhiệm vị trí Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.

Sau một ngày làm việc, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, xác định rõ các điều khoản pháp luật đã bị vi phạm, xác định những người đã thuê nhà, số tiền đã nộp, ý kiến của UBND TP Hà Nội với tư cách là đại diện chủ sở hữu Hadico, ý kiến của cơ quan thuế...    

Khoảng năm 2012, Xí nghiệp vườn quả Từ Liêm (chi nhánh của Hadico) đã phá dỡ dãy nhà kho, xây dựng dãy ki-ốt và nhà cấp 4 rồi cho thuê. Người thuê phần lớn là người nội bộ, tức cán bộ, nhân viên Xí nghiệp cũng như Công ty. Có 100 gian nhà được ký hợp đồng cho thuê và thu của 138 người, tổng số tiền là 46,8 tỷ đồng.

Trong số tiền này, có 25,2 tỷ đồng đã được hạch toán vào sổ sách của Xí nghiệp. Còn 21,6 tỷ đồng, bị cáo Phan Minh Nguyệt giao cho Nguyễn Thị Huyền Hảo quản lý, chi tiêu theo sự chỉ đạo của mình.

Ngoài ra, còn một số khoản thu từ các nhà thầu (2,3 tỷ đồng) và cho thuê nhà ở Khu tập thể Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội (2,3 tỷ đồng).

Ở hành vi tham ô tài sản, cơ quan công tố xác định, bị cáo Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo Huyền Hảo, giám đốc các xí nghiệp thành viên và cán bộ dưới quyền lập khống chứng từ, rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất và bình ổn giá của Hadico đưa cho bị cáo Nguyệt. Tổng số tiền cấp dưới đã rút từ Công ty đưa cho Phan Minh Nguyệt là 40,4 tỷ đồng.

Sau đó, bị cáo Nguyệt đã hoàn trả toàn bộ số tiền hơn 40 tỷ đồng. Có 25,5 tỷ đồng đã được hoàn trả trước khi Nguyệt bị khởi tố, do đó cơ quan công tố chỉ truy cứu trách nhiệm của bị cáo Hảo số tiền 14,9 tỷ đồng khắc phục sau khi bị truy tố.

Những số tiền hàng chục tỷ đồng đã được sử dụng làm gì? Tại phiên tòa, bị cáo Nguyệt chỉ thừa nhận sử dụng cá nhân 2 khoản, với tổng số tiền khoảng 3,6 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nguyệt khai đưa cho ông Nguyễn Trần Đồng, Phó Ban quản lý dự án Hadico để “chạy dự án”, nhưng không có tài liệu chứng minh. Một số khoản chi tiêu khác vào việc của Công ty cũng không có chứng từ, tài liệu chứng minh.

Lâu nay, những báo cáo, điều tra xã hội học của các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hay VCCI cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản “bôi trơn” để công việc được trôi chảy. Tất nhiên, doanh nghiệp không thể chứng minh tính hợp pháp của các khoản chi này và do đó, doanh nghiệp cũng như những nhân sự đang làm việc cho doanh nghiệp có nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề.

Trở lại vụ án trên, ngoài trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo Hadico như chủ tịch hội đồng thành viên, phó giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc xí nghiệp..., chính Công ty Hadico cũng phải đối mặt rủi ro nếu một số hợp đồng đã ký kết bị tòa án xác định là vô hiệu.

Được biết, quá trình giải quyết vụ án, toàn bộ 114 hộ gia đình (hơn 400 nhân khẩu) trong 100 gian nhà ở Xí nghiệp vườn quả Từ Liêm đã có đơn trình bày gửi Tòa án nhân dân TP Hà Nội, UBND Hà Nội xin được tiếp tục được thuê nhà để ở.

Gần 500 cán bộ, nhân viên, người lao động Công ty Hadico có đơn thư gửi tới Tòa án, Viện Kiểm sát xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Phan Minh Nguyệt và các bị cáo khác. Hội đồng thành viên Hadico cũng thống nhất có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các cán bộ nguyên là lãnh đạo Công ty.

Tin bài liên quan