Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng nhanh
Thị trường tài chính tiêu dùng được TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá có nhiều bước phát triển tích cực về cả khuôn khổ pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm, dịch vụ và hiệu quả hoạt động.
Về quy mô thị trường, trong vòng 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ lĩnh vực này đến cuối năm 2020 ước đạt 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, tín dụng bất động sản nhà ở ước đạt 1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 55,5% (theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng bất động sản).
Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (tăng khoảng 15,4%/năm). Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế, nên tiềm năng còn lớn.
Tỷ trọng dư nợ của các công ty tài chính trong tổng tín dụng tiêu dùng gia tăng đáng kể so với trước đây, từ mức dưới 1% vào năm 2011 lên 16,3% năm 2020, đạt khoảng 130.000 tỷ đồng (tỷ trọng dư nợ của các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng trong tổng tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 75%).
Theo thông tin công bố trên website của 3 công ty tài chính lớn nhất hiện nay là FE Credit, Home Credit và HD Saison, tổng số lượng khách hàng giao dịch đạt con số 30 triệu tại 37.000 điểm bán. Các công ty tài chính đã xây dựng được mạng lưới khách hàng thân thiết, thường xuyên sử dụng dịch vụ.
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích tài chính, thị trường tài chính tiêu dùng có một số bất cập như thị phần tập trung vào một số ít công ty; kiến thức về tài chính, tín dụng của người dân còn hạn chế; thiếu dữ liệu chuẩn về khách hàng; hầu hết công ty tài chính gặp khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn chưa thực sự phát triển), năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động cao; một phần tín dụng bất động sản “núp bóng” cho vay tiêu dùng, tiềm ẩn nợ xấu…
Còn “nhập nhèm” giữa vay tiêu dùng và vay mua bất động sản |
Nguy cơ bị “núp bóng”
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thị trường bất động sản thời gian gần đây tương đối “nóng”, giá có chiều hướng tăng tại nhiều địa phương. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó xuất hiện tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số vấn đề hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… nhằm kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản...; đặc biệt, không thực hiện cấp tín dụng đối với các nhu cầu vay vốn để đầu cơ hoặc triển khai thực hiện các dự án tiềm ẩn rủi ro cao.
Theo quy định, các khoản vay ngân hàng với mục đích đầu tư bất động sản và sinh lợi trên bất động sản đó được xếp vào nhóm tín dụng bất động sản, nhưng thực tế có thể có thêm các khoản khác, “núp bóng” tiêu dùng như vay mua nhà, sửa nhà để ở.
Giới phân tích tài chính nhìn nhận, mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền có dấu hiệu chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó có bất động sản. Đến ngày 15/3/2021, tín dụng bất động sản tăng 2,13% so với cuối năm 2020, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (2,04%).
Trước đó, năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 12,13%, tổng dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 9,2 triệu tỷ đồng, tỷ trọng cho vay lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 6,8%.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn so với tín dụng sản xuất - kinh doanh. Tín dụng tiêu dùng tăng sẽ kéo theo cuộc đua lãi suất huy động đầu vào, từ đó tác động làm lãi suất đầu ra tăng. Trước sức nóng của thị trường bất động sản hiện nay và đà tăng của tín dụng bất động sản, tín dụng bất động sản “núp bóng” tiêu dùng là nguy cơ khó tránh khỏi.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đã không ít lần cảnh báo về nguy cơ tín dụng bất động sản “núp bóng” dư nợ tiêu dùng trong thời gian qua.
Một chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định, một phần dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào khu vực bất động sản, đây là động lực lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường này, nhưng cũng góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cần siết chặt vốn cho vay các lĩnh vực rủi ro, trong đó có cho vay tiêu dùng, nhưng nếu không bóc tách cho vay mua nhà ra khỏi cho vay tiêu dùng thì cho vay tiêu dùng sẽ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu gia tăng.
Trước sức nóng của thị trường tài chính tiêu dùng và thực trạng công ty tài chính khi giải ngân trực tiếp cho khách vay (cho vay tiền mặt) thường có rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, từ năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN, siết tỷ lệ cho vay giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các công ty tài chính theo lộ trình từ 70% năm 2021 xuống chỉ còn 30% vào năm 2024. Theo đó, công ty tài chính chỉ được cho vay tiền mặt đối với khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia CIC) tại thời điểm gần nhất so với thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Quy định này nhằm bảo đảm cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả.