Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Rủi ro T+4 với các nhà đầu tư là khá lớn

(ĐTCK-online) Tuy thị trường đã có phiên đảo chiều tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/6, nhưng các CTCK cho rằng, đây chỉ là phiên đảo chiều kỹ thuật, chưa đảm bảo một sự bền vững và rủi ro T+4 với các nhà đầu tư là khá lớn.

Thị trường sẽ có xu hướng đi ngang

(CTCK ACB - ACBS)

Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index quay đầu tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/6. Cụ thể, chỉ số VN-Index tăng 11,11 điểm (+2,57%), đóng cửa tại 442,74. HNX-Index tăng 1,72 điểm (+2,28%), dừng ở mức 77,05.

Việc tăng điểm mạnh của cả hai chỉ số là hoàn toàn bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư. Một nguyên nhân có thể giải thích cho sự quay lại của thị trường đó là nhà đầu tư đã có phản ứng thái quá trong phiên giao dịch trước đó khi mà chỉ số CPI của cả hai thành phố được công bố khiến hai sàn giảm mạnh. Vì thế, trong phiên giao dịch ngày 21/6, nhà đầu tư đã trở lại mua vào.

Phiên giao dịch ngày 21/6, VN-Index đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhóm cổ phiếu blue-chip, trong đó có việc tăng trần của VPL, VNM và BVH. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu penny. Điều này thể hiện qua số mã tăng giảm trên sàn HOSE.

Hiện tại, thị trường đang có sự giằng co quyết liệt giữa mua và bán nên chúng tôi dự báo cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index sẽ có xu hướng đi ngang trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài theo dõi thêm vài phiên nữa để đợi dấu hiệu tích cực hơn.

 

Chưa thấy tín hiệu tích cực hơn về xu hướng tiếp theo của thị trường

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 21/6 chứng kiến sự phục hồi đầy bất ngờ của cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. Lực cầu tăng mạnh ngay từ đầu phiên khiến cho cả hai sàn duy trì sắc xanh trong suốt thời gian giao dịch. Tín hiệu tăng xuất phát từ nhóm các cổ phiếu lớn đã tạo hiệu ứng tích cực đến toàn bộ thị trường, chỉ số VN-Index tăng mạnh với mức tăng 11,11 điểm (2,57%)

Như đã nhận định, việc một bộ phận nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang sàn HOSE và chỉ số VN-Index được hỗ trợ khá tốt quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh 430 điểm là nguyên nhân chính khiến cho lực cầu trở lại mạnh mẽ ngay từ đầu phiên giao dịch. Bên cạnh đó, thông tin về chỉ số CPI của Hà Nội và TP. HCM cũng tạo kỳ vọng lạm phát bắt đầu được kiếm soát trong những quý tiếp theo, tác động tích cực đến tâm lý đầu tư. Tuy nhiên, sự tăng lên của lực cầu ngay từ đầu phiên chưa cho thấy tín hiệu tích cực hơn về xu hướng tiếp theo của thị trường.

Theo quan sát của FPTS, lực cầu tăng mạnh nhưng bên bán xuất hiện trạng thái tiết cung khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm trong phiên giao dịch này. Với động thái này, nhiều khả năng lượng cổ phiếu chờ bán sẽ là lực cản lớn cho đà phục hồi của VN-Index trong những phiên tới. Do đó, thanh khoản thị trường và động thái của nhóm cổ phiếu dẫn dắt sẽ cần được đặc biệt lưu ý trong phiên giao dịch tiếp theo.

 

Việc tăng của thị trường chỉ mang tính kỹ thuật

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường có một phiên bật lên với khối lượng không thật sự thuyết phục khi cả VN-Index và HNX -Index chạm vào những ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Việc thị trường bật lên khi chạm vào những ngưỡng hỗ trợ quan trọng là thông thường. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch thấp cho thấy việc thị trường tăng trong phiên 21/6 mới chỉ mang tính chất của một cú bật lên trong quá trình giảm.

Các chỉ số kỹ thuật đều chưa đưa ra tín hiệu xác nhận là thị trường sẽ tiếp tục giảm tiếp hay đi ngang. Kinh tế vĩ mô cho một số tín hiệu tích cực khi lạm phát tháng 6 sẽ giảm xuống thấp ~1%, cho thấy lãi suất vẫn đang xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế khá yếu, với GDP 6 tháng đầu năm 2011 tăng khoảng 5,6%, dự kiến cả năm 2011 tăng khoảng 6%. Lạm phát giảm là tin tốt tuy nhiên tăng trưởng kinh tế yếu thì thị trường không có động lực để đi xa.

Thị trường có dấu hiệu tích cực nhẹ khi lạm phát giảm, lãi suất giảm và quan trọng nhất là lực bán của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, lực mua vào ngày 21/6 khá yếu. Để thị trường đi xa hơn thì lực mua vào cần mạnh hơn. Nếu phiên ngày 22/6, thị trường tăng điểm mạnh với khối lượng giao dịch tăng khá thì thị trường có thể tăng khá hơn, tuy nhiên đỉnh cũ tại 463 điểm vẫn là khu vực khó vượt qua. Còn nếu chỉ số VN-Index không tăng và khối lượng cổ phiếu không tăng khá thì thị trường sẽ suy yếu và có vài ngày lình xình trước khi quyết định hướng đi tiếp theo.

 

Thị trường có một phiên tích cực nhưng vẫn hàm chứa rủi ro T+ cao

(CTCK VNDirect - VND)

Trong bản tin trước chúng tôi đã đề cập đến xác suất nảy lại của thị trường trong phiên 21/6, khi đường giá đã giảm sâu xuống dưới mốc 38.2% của Fibonacci và tiền về đến MA 20 ngày. Thị trường đã diễn biến giống như dự đoán trong nửa đầu phiên hôm nay và về phía cuối phiên, việc nhiều cổ phiếu bất ngờ tăng trần, thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao tương đối, INDEX tăng mạnh hơn so với mong đợi là một tín hiệu tích cực đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lưu ý rằng thị trường đang diễn biến quá đà, thể hiện qua biến động rất mạnh qua các phiên và trạng thái tăng trần của 1 phiên ngày 21/6, giống như phiên ngày 16/6, dù tích cực nhưng vẫn chưa đủ thể cải thiện được xu hướng và rất có khả năng khi mua vào tại phiên tích cực này sẽ có lãi khi cổ phiếu về tài khoản. Thị trường dù có cơ hội hình thành W trung hạn thì căn cứ vào một phiên tăng điểm này chưa thể khẳng định đáy W bên phải đã được hình thành.

 Nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường phiên ngày 22/6 để có quyết định hợp lý với trạng thái tài khoản. Việc mạo hiểm bắt đáy phải cân nhắc đến rủi ro T+ do giai đoạn này thị trường đang biến động rất nhanh.

 

Rủi ro T+4 với các nhà đầu tư là khá lớn

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường đã có những phản ứng khá tích cực sau khi thông tin về mức tăng CPI của hai thành phố Hà Nội và TP. HCM trong tháng 6 được công bố, theo đó HNX và VN-Index đều đóng cửa với sự bứt phá mạnh về điểm số. Tuy nhiên, xét về tính thanh khoản thì lại có những diễn biến trái ngược, sụt giảm đáng kể trên sàn HOSE và tăng mạnh trên sàn Hà Nội.

Có thể thấy rằng, tâm lý thận trọng vẫn chi phối không ít các nhà đầu tư và phải về đến gần cuối phiên cục diễn giằng co mới được phá vỡ phần nào với cảm hứng chủ đạo từ nhóm các cổ phiếu chủ chốt trên cả hai sàn.

Theo chúng tôi, mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng nhiều khả năng mức tăng CPI của tháng này sẽ giảm so với tháng trước, tuy nhiên sẽ khó đủ thấp để thực sự lạc quan. Thị trường có thể đã phản ứng hơi thái quá với thông tin này trong phiên giao dịch ngày 21/6. Do đó, chúng tôi giữ thái độ khá thận trọng cho các phiên giao dịch sắp tới khi mà xu hướng tăng điểm của thị trường vẫn chưa đảm bảo một sự bền vững và rủi ro T+4 với các nhà đầu tư là khá lớn.

 

Nên quan sát những tín hiệu kỹ thuật để xác nhận khả năng đi tiếp

(CTCK Bảo Việt - BVSC)

Sau chuỗi ngày phản ứng với thông tin tiêu cực từ kết quả kinh doanh quý II của các công ty chứng khoán đã khiến nhóm này rơi vào trạng thái bán quá mức, những phiên hồi phục mạnh thường sẽ xuất hiện. Mặc dù điều này chưa đủ để khẳng định những thông tin xấu đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu nhưng nó cũng mang lại cho thị trường một cơ hội để quay lại với đà tăng điểm. Phiên hồi phục hôm nay chưa đủ sức xóa tan sự nghi ngờ của nhà đầu tư và sức mạnh của dòng tiền mua sẽ tiếp tục bị thử thách trong phiên ngày mai.

Khi xu hướng chưa thực sự rõ nét và khi nhà đầu tư chưa đánh giá hết mức độ tác động của các thông tin cơ bản, chúng tôi cho rằng nên quan sát những tín hiệu kỹ thuật để xác nhận khả năng đi tiếp của thị trường cũng như đưa ra các quyết định mua bán cụ thể từng phiên.

 

Thị trường chỉ phù hợp với NĐT lướt sóng chuyên nghiệp

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Sau hai phiên liên tiếp giảm điểm do áp lực nguồn cung cao, kỳ vọng vào sự cải thiện CPI tháng 6/2011 và lãi suất nhờ vậy sẽ được hạ nhẹ đã giúp hai chỉ số đảo chiều thành công trong phiên giao dịch ngày 21/06. Thanh khoản tăng mạnh trên sàn HNX cho thấy lực cầu đang có nhiều lạc quan về sự phục hồi của thị trường. Trong khi đó, trên sàn HOSE, nơi mà các cổ phiếu bluechips chiếm phần lớn, thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể. Điều này cho thấy sự chưa sẵn sàng trở lại của dòng tiền đầu tư giá trị. Sau ba phiên liên tiếp bán ròng mạnh, NĐT nước ngoài đã mua ròng nhẹ trở lại trên sàn HOSE.

Sự trái chiều về thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong bối cảnh thị trường tăng điểm cho thấy dòng tiền tìm đến thị trường chủ yếu vẫn là dòng tiền ngắn hạn. Giải ngân tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn hiện nay do vậy chỉ phù hợp với NĐT lướt sóng chuyên nghiệp và có khả năng chịu rủi ro cao.