Bên trong Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ

Bên trong Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ

Rủi ro quản trị vốn nhà nước từ “lỗ hổng” công ty sân sau

(ĐTCK) Ngày 31/8, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 4 bị cáo liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX). Bên cạnh bản án đối với các cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật, vụ án còn cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị có vốn nhà nước.

Năm 2008, PVTEX được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư ngày 15/5/2007 về việc xây dựng Nhà máy Sản xuất xơ sợi
Polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với vốn điều lệ 160 tỷ đồng.

Lúc này, ông Trần Trung Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT PVTEX là người đại diện 36% vốn nhà nước, ông Vũ Đình Duy - Tổng giám đốc PVTEX đại diện 20% vốn.

Lời khai của bị cáo Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVTEX Kinh Bắc cho thấy, trong quá trình làm việc với Vũ Đình Duy, nguyên Chủ tịch PVTEX, hai bên đã nhiều lần bàn về các nhà cung cấp cho nhà máy sau khi đi vào hoạt động.

Theo đó, nhà máy này sẽ cần một số nhà cung cấp cho một số lĩnh vực, trong đó có nhà cung cấp lõi giấy cuốn chỉ vào và bao bì. Vũ Đĩnh Duy cũng tiết lộ cho bị cáo Hồng biết “mấy anh em dự định thành lập một công ty cung cấp lõi giấy cho nhà máy”.

Thấy việc này có triển vọng, bị cáo Hồng đã đặt vấn đề xin tham gia đầu tư. Để được tham gia, bị cáo Hồng phải trả 20% vốn góp, Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu mỗi người nhận 10%.

Theo đó, một doanh nghiệp mới được thành lập với cơ cấu cổ đông gồm PVTEX (10%), hai cá nhân Duy và Hiếu (20%) và phần còn lại là bị cáo Hồng.

Thực tế, Vũ Đình Duy và Trần Trung Chí Hiếu không nộp tiền. Đỗ Văn Hồng là người phải nộp tiền thay để được thành lập PVTEX Kinh Bắc và để sau này được PVTEX tạo điều kiện cho công việc kinh doanh được thuận lợi.

Quá trình PVTEX Kinh Bắc hoạt động, PVTEX đã ký 5 hợp đồng mua sản phẩm (khoảng 10 tỷ đồng) và ký 62 hợp đồng bán lượng lớn sản phẩm chạy thử của Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ (hơn 94 tỷ đồng).

Sau này, PVTEX có chủ trương nâng tỷ lệ sở hữu tại PVTEX Kinh Bắc lên mức chi phối và mua lại 20% vốn góp của Vũ Đình Duy, Trần Trung Chí Hiếu và 21% của Đỗ Văn Hồng.

Trên thực tế, tình trạng thành lập các công ty sân sau để nhận công việc từ các dự án lớn có vốn nhà nước như trường hợp PVTEX Kinh Bắc không phải là hiếm.

Một vấn đề dư luận quan tâm là liệu những doanh nghiệp được thành lập với sự tác động của các cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong dự án có đem lại những dịch vụ, sản phẩm có chất lượng và giá cả tốt nhất hay không?

Còn nhớ, Kết luận số 2632 của Thanh tra Chính phủ đã nêu ra nhiều sai phạm trong việc thực hiện dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ và từ khi dự án đi vào sản xuất, kinh doanh thì liên tục lỗ. Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2014 của dự án là 1.472 tỷ đồng.

PVTEX đã có báo cáo sau khi rà soát, kiểm tra, cập nhật định mức dự án..., trong đó cho thấy thời gian thu hồi vốn cho dự án là 22 năm và 10 tháng, trong khi tuổi thọ của dự án là 22 năm, bao gồm 2 năm xây dựng và 20 năm vận hành. Như vậy, rõ ràng dự án không hiệu quả.

Ngoài các công ty sân sau, những nhà cung cấp được “chỉ định” âm thầm như PVTEX Kinh Bắc cũng không phải ít.

Ngay tại dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên của PVTEX, liên danh nhà thầu đã được chỉ định là Công ty Heerim PVC và Công ty PVC Kinh Bắc. Cả hai công ty này đều có một phần vốn góp của Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC, công ty con của PVN.

Tại phiên tòa, đại diện của PVC đã trả lời tòa án rằng, Công ty Heerim PVC đã chuyển trụ sở và cổ đông PVC hoàn toàn không biết công ty này đã chuyển đi đâu.

Trong nhiều trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng không xem xét vấn đề này do không liên quan đến hành vi phạm pháp của các cá nhân.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, rõ ràng là không có sự cạnh tranh từ những nhà cung cấp khác, dẫn đến thiếu đi cơ hội có được sản phẩm dịch vụ chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý để giúp cho dự án đạt hiệu quả tốt nhất.

Tin bài liên quan