Rủi ro lạm phát, kỷ nguyên mới của căng thẳng tiền tệ đối với các ngân hàng trung ương

Rủi ro lạm phát, kỷ nguyên mới của căng thẳng tiền tệ đối với các ngân hàng trung ương

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từng bị cáo buộc đẩy đồng tiền xuống thấp hơn để thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng trung ương hàng đầu hiện đang tìm cách nâng cao tỷ giá hối đoái để giúp chống lại sự đe dọa của lạm phát.

Đã gần 11 năm kể từ khi Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cáo buộc các quốc gia giàu có tiến hành "chiến tranh tiền tệ" bằng cách cắt giảm lãi suất để đưa nền kinh tế của họ thoát khỏi suy thoái thông qua các đồng tiền rẻ hơn, từ đó đẩy tỷ giá hối đoái của các quốc gia như của Brazil lên.

Hiện nay, lạm phát quá cao trong khi tăng trưởng quá thấp là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, đồng tiền tăng giá có thể giúp hạ nhiệt mức giá tăng cao bằng cách làm cho các sản phẩm từ nước ngoài trở nên rẻ hơn.

Theo mô hình SHOK của Bloomberg Economics, đồng đô la tăng 10% tính theo tỷ trọng thương mại trong quý thứ 2 sẽ giảm lạm phát khoảng 0,4% so với trong hai quý tiếp theo. Tác động lớn hơn một chút trong khu vực đồng euro trong trường hợp đồng euro tăng 10% trên cơ sở tương tự.

Trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde và những người khác đã tránh tán thành mức tăng gần đây của đồng tiền nước họ, họ cũng không từ chối chúng.

Kết quả là các chiến lược gia tại Goldman Sachs và các nơi khác trên Phố Wall đang tuyên bố “chiến tranh tiền tệ đảo ngược” đang diễn ra khi các nhà hoạch định chính sách tìm ra một công cụ để dập tắt lạm phát trong việc tăng cường tỷ giá hối đoái.

George Cole, Trưởng bộ phận Chiến lược Tỷ giá châu Âu tại Goldman Sachs cho biết: “Sự thay đổi lớn đang diễn ra khi không còn cho rằng việc tăng giá tiền tệ là điều không mong muốn nữa. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta ngày càng thấy các ngân hàng trung ương G10 nhận ra rằng thực sự một đồng tiền mạnh có thể hữu ích trong chu kỳ thắt chặt này”.

Trong một báo cáo cho khách hàng trong tuần này, chiến lược gia Cole gợi ý rằng, Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn dự đoán trước đây, các ngân hàng trung ương khác sẽ tìm cách theo kịp một phần để tránh tỷ giá hối đoái thấp hơn.

Goldman Sachs ước tính rằng, các ngân hàng trung ương lớn sẽ cần phải tăng lãi suất trung bình khoảng 0,1% để bù đắp 1% thay đổi trong đồng tiền có trọng số thương mại của họ.

Tỷ giá hối đoái có thể nổi lên như một chủ đề khi các thống đốc ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính từ G20 tổ chức các cuộc họp ở Jakarta, và sẽ có một thông cáo diễn ra vào thứ Sáu (18/2).

Tỷ giá hối đoái từ trước đến nay là một chủ đề nhạy cảm giữa các chính phủ không muốn bị cáo buộc gian lận tiền tệ để gây khó khăn trong hoạt động giao dịch thương mại hoặc liên quan tới báo cáo thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.

Đi ngược xu hướng

Đối với Trung Quốc, một đồng tiền mạnh hơn đã giúp bù đắp giá hàng hóa cao nhưng cũng đang đóng vai trò khiến chi phí sản xuất tăng cao. Đồng nhân dân tệ là đồng tiền có hoạt động tốt thứ hai ở châu Á tính từ đầu năm đến nay trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn và làn sóng lây nhiễm virus lặp đi lặp lại.

Điều đó khiến ngân hàng trung ương Trung Quốc có phạm vi cắt giảm lãi suất khi ngân hàng này thay đổi lập trường để hỗ trợ một nền kinh tế đang bị sụt giảm về thị trường nhà ở.

Nhật Bản là quốc gia đang có lạm phát quá ít và đang đi ngược với xu hướng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda đã nói với các nhà hoạch định chính sách trong tuần này rằng, đồng yên yếu đã không thúc đẩy nhiều chi phí nhập khẩu.

Đồng Yên của Nhật Bản là đồng tiền trong nhóm G10 hoạt động kém nhất kể từ tháng 3/2020, mất 17% giá trị trên cơ sở điều chỉnh lạm phát so với các đối tác thương mại lớn.

Tuy nhiên, không phải nền kinh tế nào cũng sẽ được hưởng một vùng đệm lạm phát do đồng tiền mạnh hơn vì điều này phụ thuộc nhiều vào cấu tạo của rổ lạm phát và các động lực tại nước sở tại, chẳng hạn như tăng lương. Đồng tiền mạnh hơn cũng sẽ không làm giảm được lạm phát ở các nền kinh tế dựa vào dịch vụ trong nước để tăng trưởng.

Nhưng đối với những ngân hàng trung ương cần kiềm chế giá cả, việc cho phép đồng tiền của họ mạnh lên là một công cụ quan trọng khi kết hợp với chi phí đi vay cao hơn.

“Có khả năng sẽ có cuộc thảo luận xung quanh những nguy cơ tiềm ẩn từ sự thay đổi diều hâu của ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế lớn, đặc biệt là khi đồng tiền yếu hơn sẽ là một nguồn bổ sung của việc nhập khẩu lạm phát”, nhà kinh tế Priyanka Kishore của Oxford Economics cho biết.

Tin bài liên quan