Vấn đề hóc búa nhất trong vụ án Nguyễn Hồng Anh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Container Quốc tế Cas - Cascon) là dòng tiền đã chảy vào túi ai? Ai là người rút tiền? Chỉ khi xác minh làm rõ được điều này, nhà băng mới có khả năng thu hồi vốn vay; nếu không, nguy cơ mất trắng nguồn vốn giải ngân hơn 16 triệu USD (tương đương hơn 335 tỷ đồng) là hiện hữu.
Cascon (tên gọi cũ là Công ty liên doanh Container Vinashin - TGC, viết tắt là VTC) khi mới thành lập năm 2005 là doanh nghiệp có tiếng vì liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC) với Công ty Toong Goen Đài Loan. Trong mối quan hệ với các tổ chức tài chính, Cascon được ưu ái vì có Vinashin đứng ra bảo lãnh. Một số nhà băng không ngại cho Cascon vay, trong đó có một ngân hàng thương mại cổ phần là Vietcombank.
Năm 2010, Cascon đạt được thỏa thuận bán 10.000 container cho Công ty United Arab Shipping Company - UASC thuộc Các tiểu Vương quốc Ả rập. Giá chào bán là 4.038 USD/container. Nguyễn Hồng Anh với tư cách Tổng giám đốc Cascon đã đề nghị UASC ký hợp đồng mua bán trực tiếp với Cascon số lượng 1.000 container. Số lượng 9.000 container còn lại, Cascon sẽ bán qua đơn vị trung gian là Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunny Investment (viết tắt là SNI).
Hợp đồng 1.000 container, UASC đã hoàn tất thanh toán về tài khoản Cascon. Mọi tranh chấp sau đó liên quan đến đơn hàng 9.000 container còn lại.
Theo cáo buộc, Nguyễn Hồng Anh đã lập 2 hợp đồng để sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đối với hợp đồng để vay tiền ngân hàng, Nguyễn Hồng Anh chỉ đạo Nguyễn Thị Ngà mạo danh đại diện SNI ký kết với nội dung “tất cả thanh toán cho bên thi công - tức Cascon sẽ được chuyển đến tài khoản do ngân hàng quản lý”. Ngân hàng tin tưởng Cascon là khách hàng truyền thống, thấy phương án sản xuất - kinh doanh có lãi, điều khoản thanh toán phù hợp nên nhanh chóng giải ngân 31,3 triệu USD, thay vì yêu cầu bên mua phải có ngân hàng đứng ra bảo lãnh.
Có vốn, Cascon đã sản xuất xong đơn hàng và giao cho bên mua. Trái với điều khoản thanh toán trên, UASC trả đủ số tiền hơn 39 triệu USD vào tài khoản mở tại Ngân hàng HSBC (Hồng Kông). Có việc này bởi vì thực chất, hợp đồng ký kết giữa Cascon và UASC thể hiện: “Các khoản thanh toán cho bên thi công - Cascon sẽ chuyển đến tài khoản của bên bán hàng - tức SNI. Bên mua hàng - tức UASC sẽ được chiết khấu 1,35% phí trên tổng giá trị hợp đồng. Tất cả các khoản thanh toán cho bên bán hàng sẽ được chuyển đến tài khoản Công ty SNI mở tại Ngân hàng HSBC”.
Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Hồng Anh mới trả nợ ngân hàng 11,3 triệu USD; còn chiếm đoạt hơn 16 triệu USD. Hành vi này của bị cáo phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhận thấy Cascon đã xuất hết container nhưng không thấy tiền vào tài khoản SNI do ngân hàng quản lý, lúc này, ngân hàng mới yêu cầu Nguyễn Hồng Anh cung cấp hồ sơ pháp lý của SNI để thực hiện quyền đòi nợ. Trên thực tế, việc này không khả thi, vì bản chất Công ty SNI do Nguyễn Hồng Anh và Hsu Wen-Ta (người Đài Loan) thành lập tại quần đảo Virgin thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh. Qua xác minh, hiện SNI đã được bán cho người khác và không còn hoạt động kinh doanh.
16 triệu USD hiện đang ở đâu? Ai là người đã rút số tiền này? Theo lời khai của Nguyễn Hồng Anh tại tòa ngày 7/6/2018, ông Hsu Wen-Ta thuê bị cáo làm Giám đốc kinh doanh. Bị cáo không biết vì sao có tên trên giấy tờ thành lập Công ty, bị cáo không được cầm con dấu, không phải chủ tài khoản Công ty. Bị cáo khai nhận làm việc cho SNI trong thời gian 3 tháng, sau đó giới thiệu Nguyễn Thị Ngà cho ông Hsu Wen-Ta làm Giám đốc kinh doanh. Bị cáo khẳng định không lừa đảo, chiếm đoạt tiền ngân hàng. Số tiền 16 triệu USD là do Cascon chưa đòi được tiền từ SNI. Theo chỉ đạo của Hsu Wen-Ta, bị cáo và Nguyễn Thị Ngà phải viết giấy khất nợ ngân hàng.
Số tiền 16 triệu USD trong tài khoản tại HSCB chưa được cơ quan điều tra làm rõ do ai rút ra. Vì lý do này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung thêm.
Từ vụ án này có thể thấy, rủi ro tiềm ẩn từ giao dịch liên quan đến công ty có xuất thân từ “thiên đường thuế”. Theo luật sư Hồ Hữu Hoành, ngân hàng có hồ sơ tín dụng liên quan đến doanh nghiệp có trụ sở tại “thiên đường thuế” cần cân nhắc các vấn đề như thực hiện đúng các quy định, cơ chế đánh giá, giám sát, thẩm định khi cho vay.
Điều quan trọng là cần kiểm tra rõ tư cách pháp nhân của các bên liên quan trong hợp đồng mua bán mà hàng hóa dùng để thế chấp cho khoản vay của bên bán. Nếu thấy có những vấn đề không ổn, ví dụ có sự liên hệ chặt chẽ giữa công ty bán với công ty mua về phần vốn góp, đại diện pháp luật... thì phải thận trọng và cân nhắc việc từ chối cho vay.