Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang nỗ lực để đạt mức lạm phát mục tiêu, mức tăng trưởng chậm nhất của Trung Quốc trong gần 3 thập kỷ qua và chi phí năng lượng rẻ hơn đã khiến giá hàng hóa sản xuất tại Đại lục liên tục giảm từ tháng 7/2019.
Mặc dù giá hàng hóa rẻ hơn có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhất là khi các dịp lễ lớn như Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... tới gần, nhưng nhìn chung, diễn biến này có khả năng tạo nên cơn lốc giảm giá trên toàn cầu, khi các doanh nghiệp khác phải cạnh tranh về giá với hàng hóa tới từ Trung Quốc để bảo vệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình. Điều này cũng sẽ tạo thêm áp lực lên xung đột thương mại Mỹ - Trung.
“Lạm phát ngày càng bị chi phối bởi các yếu tố toàn cầu và cụ thể hơn là làn sóng giảm giá từ Trung Quốc.
Điều này liên quan tới việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này xuất khẩu phần lớn lượng công suất sản xuất dư thừa của mình, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu, xung đột thương mại với Mỹ chưa được giải quyết và thiếu các gói kích thích kinh tế”, Stephen Jen và Joana Freire, chuyên gia tại Eurizon SLJ Capital Ltd chia sẻ.
Các số liệu mới được công bố cuối tuần trước càng thể hiện rõ hơn tình trạng này, khi giá cả sản xuất tại Trung Quốc đã giảm trong tháng 10/2019, đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp.
Chi phí đầu vào và giá năng lượng đã giảm kể từ tháng 6/2019 cho tới nay, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc đi xuống.
Tuy nhiên, diễn biến này không giúp các doanh nghiệp thu về lợi nhuận tích cực hơn do nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu và công suất dư thừa quá nhiều.
Theo đó, các nhà sản xuất Trung Quốc quyết định hạ giá thành sản phẩm và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu.
Hàng rào thuế quan của Mỹ đẩy hàng hóa Trung Quốc sang các nước thứ ba khác và sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp, cũng như quốc gia cảm thấy sức nóng giảm phát gia tăng, Chua Hak Bin, chuyên gia tại Maybank Kim Eng Research Pte cho biết.
Nguy cơ giảm phát toàn cầu đã phản ánh vai trò to lớn của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới, khi quốc gia này chiếm 12% tổng giá trị thương mại toàn cầu trong năm 2018, tỷ trọng cao nhất thế giới.
Giá cả hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 6% lạm phát trung bình toàn cầu, theo nghiên cứu của các chuyên gia Bundesbank năm 2016.
Tương tự những gì từng diễn ra giai đoạn 2014-2016, cơn lũ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ra thế giới sẽ khiến các ngân hàng trung ương khác khó lòng đảm bảo mục tiêu lạm phát bền vững.
Hiện tại, lạm phát tại Nhật Bản, Mỹ và Đức đang ở mức thấp hơn mục tiêu 2% và đà giảm của giá hàng hóa nhập khẩu cũng như giá sản xuất càng khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc đang là nguồn nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Mỹ và Nhật Bản, lớn thứ hai đối với Đức.
Đáng chú ý, hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc còn nhận được lực hỗ trợ từ việc sức mạnh của nhân dân tệ suy yếu so với USD, khiến hàng hóa Trung Quốc đã rẻ lại càng rẻ hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ gây rủi ro tạo nên mặt bằng giá mới thấp hơn nữa đối với hàng hóa trên toàn cầu, việc giá hàng hóa giảm khiến doanh nghiệp Trung Quốc đối mặt với nhiều nguy cơ. Thực tế, dù chi phí sản xuất giảm, nhưng lãi vay lại không diễn biến cùng chiều.
Điều này dẫn tới các doanh nghiệp vốn đang chìm trong nợ nần của Trung Quốc khó lòng có thể trả được nợ. Các công ty tư nhân của Đại lục đang chứng kiến tốc độ vỡ nợ đối với trái phiếu tăng gấp đôi so với năm 2018 và ngành ngân hàng chịu đựng áp lực nợ xấu lớn.