Ngân hàng khuyến khích cho vay bằng sổ tiết kiệm
Với khoản tiền 2 tỷ đồng đem gửi tiết kiệm tại VietABank kỳ hạn 3 tháng, lãi suất được nhà băng này điều chỉnh từ ngày 19/8 xuống mức 3,92%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn dài ngày từ 13 tháng lên tới 7,25%/năm, thậm chí nếu khách hàng gửi tiết kiệm bằng hình thức online kỳ hạn 13 tháng có thể được hưởng lãi suất 7,7%/năm.
Điều này khiến chị Minh Vy (TP.HCM) đắn đo chưa biết chọn kỳ hạn gửi ngắn hay dài ngày. Bởi nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn ngày thì lãi suất không cao, còn gửi dài ngày thì khi cần vốn đột xuất rút ra trước hạn sẽ bị tính lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,3%/năm...
Khi còn đang phân vân thì chị Vy được nhân viên giao dịch tại quầy của VietABank tư vấn nên gửi kỳ hạn dài 13 tháng để nhận mức lãi suất trên 7%/năm, khi cần vốn thì có thể cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại.
Mức lãi suất vay cầm cố sổ tiết kiệm VietABank đang áp dụng theo hình thức tính lấy lãi suất trên sổ tiết kiệm cộng thêm biên độ 1,8%/năm nếu khách hàng vay dưới 6 tháng, 2%/năm nếu vay từ 6-12 tháng và 2,7%/năm nếu trên 12 tháng.
Như vậy, mức lãi suất vay cầm cố sổ tiết kiệm mà chị Vy phải trả dao động từ 9,05-9,95%/năm. Ngẫm nghĩ một lúc chị Vy thấy hợp lý nên chọn gửi tiết kiệm online kỳ hạn 13 tháng.
Thực tế, so với cách đây khoảng 6 tháng, hiện lãi suất cho vay cầm cố sổ tiết kiệm đã giảm khoảng 0,5%/năm theo mặt bằng chung của thị trường. Đồng thời, trong bối cảnh tín dụng khó tăng trưởng do tác động của dịch Covid-19, ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm dài ngày để khi cần vốn dễ dàng được vay lại. Hạn mức vốn được các nhà băng cho vay lên đến 100% giá trị sổ tiết kiệm nếu thời gian thực gửi đã được 1/2 kỳ hạn tiền gửi hoặc 95% giá trị sổ nếu gửi mới.
Với mục tiêu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, việc kiểm soát cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết bởi có thể tạo nên tài sản và dư nợ “ảo”
Tại Viet Capital Bank, lãi suất cho vay cầm cố sổ tiết kiệm được tính bằng lãi suất trên sổ cộng thêm biên độ 2,5-3%/năm tùy theo thời gian thực gửi và kỳ hạn vay. Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng tại ngân hàng này lần lượt là 4%/năm, 6,5%/năm và 6,8%/năm.
Nếu khách hàng gửi số tiền 1 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng và thời gian thực gửi đã được 6 tháng, có nhu cầu vay lại trong thời gian 6 tháng, Viet Capital Bank sẽ lấy lãi suất trên sổ tiết kiệm là 6,8%/năm cộng thêm biên độ 2%/năm, tổng cộng là 8,8%/năm. Còn nếu thời gian thực gửi là 3 tháng mà khách hàng vay lại 6 tháng, lãi suất sẽ là 9,8%/năm.
Tuy nhiên, với các sổ tiết kiệm gửi cách đây 3-6 tháng thì lãi suất còn ở mức cao: 5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nên mức lãi vay cầm cố sổ tiết kiệm cũng cao hơn, dao động từ 10,1-11,5%/năm.
Trong các loại hình tín dụng, cầm cố sổ tiết kiệm thường được các ngân hàng ưu tiên bởi tính an toàn cao. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM, với hình thức cho vay này ngân hàng không lo mất vốn bởi nguồn tiền gửi của khách hàng đang được ngân hàng nắm giữ.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank cũng cho hay, cầm cố sổ tiết kiệm là một trong những hình thức cho vay được Ngân hàng đẩy mạnh. Hạn mức giải ngân từ 95-100% nguồn tiền gửi của khách hàng, lãi suất cho vay thường được tính bằng lãi suất tiền gửi cộng thêm biên độ khoảng 2,5-3%/năm.
Rủi ro khó lường
Thực tế, khách hàng khi có nhu cầu vốn mà sổ tiết kiệm chưa đến ngày đáo hạn cũng chọn phương án cầm cố sổ để vay lại. Các ngân hàng thì sẵn sàng cho vay bằng sổ tiết kiệm bởi không cần phải chứng minh phương án sử dụng vốn quá khắt khe như hình thức vay cầm cố bằng các tài sản khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình tiếp tục giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, các ngân hàng lại càng khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm dài ngày và không từ chối việc vay lại cầm cố bằng sổ tiết kiệm.
Trả lời câu hỏi về tỷ trọng dư nợ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm trong tổng dư nợ, đại diện một ngân hàng cổ phần cho biết, ngân hàng không thống kê và phân biệt loại hình giải ngân, nhưng đây là loại hình tín dụng được ưu tiên. Trong đó, nhiều trường hợp được giải ngân hạn mức 100% giá trị sổ tiết kiệm. Khi đến hạn trả, nếu khách hàng chưa trả nợ được, ngân hàng tự tất toán khoản vay. Lãi vay sẽ được cấn trừ từ lãi suất tiền gửi của khách hàng.
Tại một số ngân hàng nước ngoài còn cho khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ để vay vốn ngoại tệ, lãi suất cao hơn mức 0% như hiện tại, dao động từ 3-4%/năm mà không cần chứng minh dòng vốn ra.
Tuy nhiên, đáng chú ý là việc khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn rồi cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại tiền, sau đó dùng khoản tiền này gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hoặc đầu tư vào các giấy tờ có giá nhằm hưởng lãi suất cao hơn đang có xu hướng tăng, có thể gây rủi ro cho các ngân hàng, đặc biệt khi thời gian gần đây nhiều ngân hàng, doanh nghiệp đua phát hành các giấy tờ có giá như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu... với lãi suất cao từ 11-14%/năm. Nếu quay vòng nhiều lần theo hình thức này sẽ tạo ra dư nợ và huy động “ảo”.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo các ngân hàng khi cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Theo cơ quan này, qua công tác thanh tra, giám sát vào cuối năm 2019 cho thấy, có tình trạng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, vi phạm quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.
Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng cố tình vi phạm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, với mục tiêu hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, việc kiểm soát cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là cần thiết. Lý do bởi việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm có thể tạo nên tài sản và dư nợ “ảo” khi số tiền vay được dựa trên số tiền gửi là một khoản, nhưng bút toán ghi trên tài sản có là hai khoản (cả tiền gửi và vay).
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, mặc dù đảm bảo bằng sổ tiết kiệm là một trong những biện pháp an toàn, nhưng không phải là không có rủi ro, đó là chưa kể tới tình trạng làm giả sổ tiết kiệm để vay vốn. Nếu nhận diện sai, ngân hàng sẽ tự chuốc thêm rắc rối không cần thiết và đánh mất những cơ hội kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Khách hàng phải chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả khi cầm cố sổ tiết kiệm
Thông tư 39/2016 đã có những thay đổi về quy định cho vay cầm cố sổ tiết kiệm theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, Thông tư yêu cầu khách hàng vay phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn và cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn, kể cả khi cầm cố sổ tiết kiệm.
Việc phải cung cấp tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn giúp hạn chế tình trạng tăng khống dư nợ tại một số ngân hàng, giảm thiểu các rủi ro về làm giả sổ tiết kiệm để cầm cố vay vốn, phát hiện các mục đích sử dụng vốn không hợp pháp, cũng như đảm bảo tương thích với yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm tra và giám sát mục đích sử dụng vốn vay sau giải ngân theo quy định cho vay.