Rủi ro bủa vây, giới đầu tư thi nhau tháo chạy

Rủi ro bủa vây, giới đầu tư thi nhau tháo chạy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall khởi đầu tuần mới với một phiên đỏ lửa vào ngày thứ Hai (20/9) khi nhiều rủi ro đang tồn tại trên thị trường.

Đầu tuần, chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng rủi ro lan truyền từ thị trường bất động sản Trung Quốc khi tập đoàn China Evergrande đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Các cơ quan quản lý cảnh báo khoản nợ 305 tỷ USD của China Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho hệ thống tài chính của Trung Quốc nếu các khoản nợ của nước này không được ổn định. Trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm 10,2% trong phiên ngày 20/9.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo cú sụp của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc, ám chỉ sự kiện phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, vốn là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Lo lắng về China Evergrande xuất hiện khi đà phục hồi của chứng khoán gần đây ngày càng chậm chạp khi các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và các ngân hàng trung ương bắt đầu giảm bớt kích thích tiền tệ.

Trong khi đó, Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách vào ngày 21/09 và giới đầu tư lo ngại Fed có thể sẽ sớm phát tín hiệu giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu giữa lúc lạm phát tăng và thị trường việc làm cải thiện.

Thị trường cũng theo dõi các cuộc họp khác của ngân hàng trung ương bao gồm Brazil, Anh, Hungary, Indonesia, Nhật Bản, Na Uy, Philippines, Nam Phi, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Đài Loan (Trung Quốc) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lĩnh vực kinh tế nhạy cảm, đặc biệt là hai nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Các nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn.

Theo dữ liệu của Refinitiv, đợt bán tháo hôm thứ Hai đã khiến ​​2.200 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán thế giới bị xóa sổ.

Cả ba chỉ số chính của phố Wall đều kết thúc phiên đầu tuần trong sắc đỏ. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng không khá khẩm hơn.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Dow Jones giảm 614,41 điểm (-1,78%), xuống 34.970,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 75,26 điểm (-1,70%), xuống 4.432,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 330,07 điểm (-2,91%), xuống 14.713,90 điểm.

Cũng như chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu chìm trong sắc đỏ trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư phương Tây hoảng sợ trước nguy cơ sụp đổ của China Evergrande. Một tuần khởi đầu ảm đạm với các cuộc họp của các ngân hàng trung ương sẽ diễn ra.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 63,84 điểm (-0,91%), xuống 6.963,64 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 161,48 điểm (-1,03%), xuống 15.490,17 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 52,40 điểm (-0,79%), xuống 6.570,19 điểm.

Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á nghỉ giao dịch hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch Ngày kính lão.

Chứng khoán Trung Quốc và Hàn Quốc nghỉ giao dịch Tết Trung thu.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc mạnh và lùi về mức thấp nhất trong hơn 10 tháng, do ảnh hưởng từ khủng hoảng nợ nần của China Evergrande Group.

Kết thúc phiên 20/9, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 821,62 điểm (-3,30%), xuống 24.099,14 điểm.

Giá vàng đêm qua hồi phục trong bối cảnh dòng tiền đổ xô đi tìm nơi trú ẩn an toàn giữa lúc tập đoàn địa ốc khổng lồ China Evergrande ngấp nghé phá sản nếu “quả bom nợ” này phát nổ, ảnh hưởng sẽ lan rộng khỏi biên giới Trung Quốc. Evergrande đang oằn mình gánh lượng khoản nợ 305 tỷ USD.

Kết thúc phiên 20/9, giá vàng giao ngay tăng 10,20 USD (+0,58%), lên 1.764,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 12,40 USD (+0,71%), lên 1.761,80 USD/ounce.

Giá dầu lao dốc trong phiên này thứ Hai trong bối cảnh rủi ro trên thị trường chứng khoán thúc đẩy đồng USD mạnh lên.

Tuy nhiên, tổn thất được hạn chế phần nào khi nguồn cung ở Vịnh Mexico ở Mỹ vẫn bị ngừng hoạt động do hai cơn bão gần đây. Tính đến 17/9, vẫn còn 23% sản lượng khu vực chưa hồi phục, tương đương 422.078 thùng mỗi ngày.

Kết thúc phiên 20/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,68 USD (-2,3%), xuống 70,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,42 USD (-1,9%), xuống 73,92 USD/thùng.

Tin bài liên quan