Rực sáng tình người trong “màn đêm” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam một lần nữa được thắp sáng, khi cả nước đồng lòng chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Niềm vui của những bệnh nhân Covid-19 được xuất viện. Ảnh: Nguyễn Dũng

Niềm vui của những bệnh nhân Covid-19 được xuất viện. Ảnh: Nguyễn Dũng

Chưa hẹn ngày về

Dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng, khi đất nước chuẩn bị chạm ngưỡng 100 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng. Từ ca nhiễm đầu tiên, những ngày sau đó, số người nhiễm bệnh tăng chóng mặt và có trường hợp đầu tiên tử vong vì Covid-19, nhiều bệnh viện, khu dân cư phải phong tỏa.

Đó thật sự là tin sốc đối với người dân Đà Nẵng. Cả Thành phố đang sôi động với các hoạt động kinh tế - du lịch sau đợt dịch đầu tiên, bỗng chốc như “đóng băng” khi Đà Nẵng áp đặt biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt.

“Chống dịch như chống giặc”, chỉ đạo ấy của Thủ tướng Chính phủ được Đà Nẵng thực hiện triệt để. Sau những giờ phút đầu tiên lo sợ vì dịch bệnh, người Đà Nẵng đã nhanh chóng thích ứng với cuộc sống mới thời Covid. “Đà Nẵng ơi, cố lên”…, mọi người động viên nhau với thông điệp đó, rồi mỗi người một việc, góp sức để Đà Nẵng trở thành tiền đồn ngăn giặc Covid-19 cho đất nước.

Lúc này, cả nước cùng hướng về hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam - nơi tâm dịch Covid-19. Để tiếp sức cho ngành y tế hai địa phương này, những đội “đặc nhiệm” là hàng trăm y bác sĩ, chuyên gia đầu ngành khắp mọi miền Tổ quốc đã tình nguyện đến “tiền tuyến” chống dịch.

Khi đoàn y bác sĩ Hải Phòng đến hỗ trợ Đà Nẵng, thì các nam bác sĩ đã cạo trọc đầu, còn nữ y tá thì cắt ngắn mái tóc óng mượt để hạ quyết tâm chống dịch. Bác sĩ Trần Anh Cường, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hải Phòng quả quyết: “Chúng tôi sẽ ở đây, khi tình hình ổn thỏa mới quay về”.

Ngược thời gian, năm 1960, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện phong trào kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Nam, nhiều chàng trai ở “thành phố hoa phượng đỏ” cũng đã ước hẹn ra đi “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chi viện cho chiến trường Quảng Đà. 60 năm sau, các y bác sĩ Hải Phòng vào chi viện cho Đà Nẵng, lần này để chiến đấu với “giặc Covid”. Nhắc chuyện xưa để thấy, cái tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” luôn được kế thừa và phát huy.

Chi viện cho Đà Nẵng - Quảng Nam, đội ngũ chuyên gia từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, của TP. Hải Phòng, tỉnh Bình Định đã lao mình vào cuộc chiến.

“Các y bác sĩ làm việc không có thời gian ngơi nghỉ”, chia sẻ của Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng đã nói lên nỗi vất vả của những người lính mang sắc áo blouse trắng trước sức tấn công dịch bệnh. Đã có trường hợp nhân viên y tế nhiễm Covid-19 khi chăm sóc bệnh nhân, nhiều người khác làm việc kiệt sức nằm ngủ trên hành lang bệnh viện… Song, những vất vả đó không khiến họ chùn bước.

Những khách sạn thắp sáng hình trái tim để cổ vũ Đà Nẵng trong những ngày chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Nguyễn Trịnh
Những khách sạn thắp sáng hình trái tim để cổ vũ Đà Nẵng trong những ngày chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Nguyễn Trịnh

Câu chuyện của bác sĩ Huỳnh Quang Đại, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy khiến nhiều người xúc động. Khi đang hỗ trợ chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, thì bác sĩ Huỳnh Quang Đại nhận được tin bố bị nhồi máu cơ tim phải nhập viện điều trị. Dù vậy, ông vẫn gác niềm riêng để ở lại cùng đồng đội chữa trị, cứu sống nhiều bệnh nhân.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang mô tả việc đưa Bệnh viện dã chiến Hòa Vang vào hoạt động trơn tru, hiệu quả là một chiến dịch thần tốc nhờ sự chi viện của cả nước.

Nghĩa đồng bào

Covid-19 đã phủ bóng đêm khắp vùng đất xứ Quảng. Những con phố vắng lặng, những con đường bị phong tỏa, những dòng chữ “khu vực hạn chế” xuất hiện khắp nơi... Thủ phủ du lịch của miền Trung sôi động ngày nào, bây giờ lại trở thành điểm nóng của dịch bệnh nguy hiểm.

Nhưng trong cuộc chiến này, Đà Nẵng và Quảng Nam không đơn độc, khi tình cảm của người dân của nước luôn hướng về như những ánh lửa xua tan bóng đêm u ám của dịch bệnh Covid-19.

Nếu không có sự chi viện của các y bác sĩ trên cả nước, thì Bệnh viện dã chiến Hòa Vang rất khó đáp ứng được yêu cầu. Đến giúp đỡ Đà Nẵng với tâm thế “Chưa đẩy lùi dịch bệnh thì chưa về”, đội ngũ y bác sĩ ưu tú từ các bệnh viện lớn đã tiếp thêm năng lượng, cả chuyên môn và tinh thần cho Đà Nẵng. Nhiều ca bệnh nặng được cứu sống, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh và xuất viện nhờ quyết tâm đó

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng)

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh chia sẻ, ông rất cảm kích trước tình cảm của người dân cả nước luôn hướng về tâm dịch.

“Hô gì đáp nấy, thiếu gì có nấy. Tôi thật sự xúc động. Ngày đầu tiên, chúng tôi nóng quá, vì không được bật điều hòa, nên chỉ có cách dùng quạt công suất lớn. Những người bạn của tôi ngay lập tức mang lên 3 chiếc quạt công nghiệp, rồi sau đó thêm 3 cái nữa. Khi chúng tôi cần những bộ đồ vải để mặc bên trong đồ bảo hộ, thì các mạnh thường quân chở ngay đến vài trăm bộ. Chúng tôi cần máy bộ đàm để thuận tiện cho công tác chỉ huy, liên lạc, thì cũng được hỗ trợ ngay 7 máy, sau đó tăng lên 11 máy…”, bác sĩ Vĩnh kể.

Cảm kích trước tinh thần như vậy, bác sĩ Vĩnh quả quyết: “Với hậu phương vững chắc như vậy, Covid-19 sẽ bị đánh bại”.

Đà Nẵng - Quảng Nam trải qua những ngày sống giãn cách, nhưng tình người luôn gắn kết. Minh chứng cho những câu chuyện tình người đó nhiều vô kể. Đó là cậu bé Hồ Ánh, người Ca Dong (Nam Trà My, Quảng Nam) hái rau rừng ủng hộ Đà Nẵng; những người nông dân ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cùng nhau gặt lúa giúp một gia đình phải đi cách ly vì Covid-19.

Đó là những bữa cơm nóng mà người dân tự nấu để mang đến cho các y bác sĩ và khu vực cách ly, những chuyến xe chở vật tư y tế nối đuôi nhau xếp thành hàng dài để hỗ trợ các lực lượng chống dịch, hàng chục tỷ đồng được quyên góp cho tuyến đầu chống dịch…

Hay câu chuyện về anh Michael Harris (quốc tịch Anh, sống tại Đà Nẵng) đã thành lập một nhóm thiện nguyện đều là người nước ngoài, góp kinh phí mua nhu yếu phẩm hỗ trợ các khu cách ly. Đó là Tập đoàn Sun Group thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến Tiên Sơn; Tập đoàn Vingroup tặng Đà Nẵng hàng trăm máy thở…

Anh Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng kể, khi Hội kêu gọi, dù đang rất khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và cả nước đã đóng góp gần 3 tỷ đồng và nhiều vật tư y tế để Hội hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch.

“Doanh nhân chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc chiến chống Covid-19. Với sự chia sẻ và đoàn kết, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này”, anh Hùng tâm sự.

Tất cả, mỗi người, mỗi doanh nghiệp đóng góp theo cách riêng, tạo nên sức mạnh “đại đoàn kết” để giúp Đà Nẵng - Quảng Nam chiến thắng kẻ thù vô hình Covid-19.

Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết, Mặt trận Thành phố đã tiếp nhận hơn 48 tỷ đồng và hàng chục tấn hàng hóa, thiết bị y tế của đồng bào cả nước gửi về.

“Với số kinh phí này, Mặt trận đã chuyển cho Sở Y tế Thành phố 30 tỷ đồng để mua vật tư y tế và sắp đến sẽ hỗ trợ gần 200.000 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Sự hỗ trợ của người dân, kiều bào và doanh nghiệp trên cả nước rất kịp thời và đáng quý, nhằm hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta - luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn”, bà Liên chia sẻ.

Sau hơn 1 tháng bùng phát, Covid-19 tại Đà Nẵng - Quảng Nam đã được kiểm soát. Ngày chiến thắng “giặc Covid” đang đến rất gần. Và một lần nữa, chiến thắng đó đã được tạo nên từ tinh thần đoàn kết và nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam.

Tin bài liên quan