NamA Bank dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng 2014 lên 60%

NamA Bank dự kiến điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng 2014 lên 60%

Room tín dụng: Xin tăng để làm gì!

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chấp thuận cho một số TCTD tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu được giao hồi đầu năm, đồng thời thực hiện cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ phù hợp với cơ cấu nguồn vốn, khả năng quản trị rủi ro.

Nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng lớn chưa sử dụng hết một nửa chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao (từ 12 - 14%). Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà băng cho biết, nếu nhu cầu vốn cải thiện rõ nét hơn trong nửa cuối năm, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ phải xin nâng room tín dụng. Một số ngân hàng quy mô nhỏ dù đã sử dụng hết room tín dụng ở mức 9 - 12% trong 6 tháng đầu năm, nhưng do con số tuyệt đối về tăng trưởng tín dụng còn ở mức khiêm tốn cũng dự định sẽ trình NHNN xin thêm dư địa cho vay.

TPBank cho biết, dư nợ cho vay của Ngân hàng đến cuối tháng 6/2014 tăng 8,8% so với cuối năm 2013. Trong đó, cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%, nhưng tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp 1,66%, giảm 0,3% so với đầu năm. Ngân hàng đang tính đến khả năng xin tăng room để có thêm dư địa cho vay, bởi quy mô tín dụng vẫn nhỏ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cũng cho hay, khả năng mức tăng trưởng dư nợ của Ngân hàng đến cuối năm có thể đến 60%. Bởi 6 tháng đầu năm, tín dụng Nam A Bank đã tăng hơn 30% (tương đương với mức tăng khoảng 2.000 tỷ đồng). Theo ông Tâm, nếu đến cuối năm nay, tín dụng tăng trưởng 60% thì dư nợ của Ngân hàng cũng chỉ đạt trên chục nghìn tỷ đồng, tương đương dư nợ của một chi nhánh ngân hàng lớn.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khác cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ông 6 tháng đầu năm đạt trên 10%, trong khi room tín dụng nhận được đầu năm là 9%. Vì thế, Ngân hàng đã xin phép NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng để có thêm dư địa cho vay trong nửa cuối năm. Hiện tín dụng của Ngân hàng chưa đạt 10.000 tỷ đồng và nếu được điều chỉnh room tín dụng thì đến cuối năm, dư nợ tín dụng của nhà băng này cũng chỉ đạt khoảng 12.000 - 13.000 tỷ đồng.

Trong khi các ngân hàng nhỏ đã sử dụng hết room tăng trưởng dư nợ thì một số nhà băng lớn chỉ vừa thoát âm tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, DongA Bank, ACB, Vietcombank, tín dụng 6 tháng đầu năm nay chỉ mới tăng trưởng được vài phần trăm.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nợ xấu vẫn là cục máu đông cản dòng chảy tín dụng, khi chiếm tới 4% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tính đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%). Vì thế, việc nới room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng sẽ được NHNN tạo điều kiện, nếu xét thấy nhà băng đó có thêm dư địa tăng trưởng hoạt động tín dụng.

Đánh giá được đưa ra từ một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, room tín dụng hiện không còn nhiều ý nghĩa như trước khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong xu thế ì ạch. Khả năng tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm được vị lãnh đạo trên cho rằng, sẽ không cải thiện đột biến so với hiện nay, cho dù lãi suất đầu ra được phía ngân hàng giảm tiếp, nên việc đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 14% mà ngành đưa ra cho năm nay rất khó.

“6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới hơn 3,5%, nhưng nếu xét thực tế chưa hẳn tăng trưởng tới mức này. Như vậy, để đạt được mục tiêu 12 - 14% đề ra thì lượng tiền đưa ra sẽ rất lớn, đó là chưa nói đến vấn đề bội thực thị trường. Vì thế, tín dụng sẽ khó tránh tình trạng tăng ảo và giật cục như năm trước”, vị lãnh đạo trên nói.

Mặc dù tăng thấp, nhưng theo NHNN nguyên nhân chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng cho rằng, so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, mức đạt được 6 tháng còn khiêm tốn. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, tín dụng năm nay phải đạt mức 10% mới có thể thúc đẩy kinh tế nên NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để doanh nghiệp dễ dàng vay vốn.

Mặt khác, để khơi thông dòng vốn tín dụng, thời gian tới đòi hỏi tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường. 

Tin bài liên quan