Thống kê cho thấy, sau nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã chạm hoặc gần chạm trần hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp (từ 14-16%) như TPBank (16%), HDBank (15%), LienVietPostBank (13,3%), OCB (12,2%)...
Trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng bị siết chặt theo Chỉ thị 04 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, LienVietPostBank đã điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận năm 2018, từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng, nhưng nhiều ngân hàng khác vẫn giữ nguyên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra từ đầu năm.
Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6/2018, dư nợ cho vay khách hàng của OCB đạt 52.901 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% và gần "kịch kim" hạn mức tín dụng được cấp đầu năm.
Tuy nhiên, OCB vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 2.000 tỷ đồng trước thuế bởi đã đi được gần 2/3 chặng đường khi đạt trên 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm.
Tại Kienlongbank, tuy lãi ròng 6 tháng đầu năm nay tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với kế hoạch cả năm thì mới hoàn thành 30%, đạt 121 tỷ đồng. Dù vậy, Kienlongbank vẫn duy trì mục tiêu đạt 408 tỷ đồng lãi ròng cho năm 2018.
Tương tự, dù room tăng trưởng đã "kịch kim" sau nửa đầu năm, song HDBank và TPBank cũng giữ vững mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Theo đại diện một ngân hàng, dù room tín dụng còn lại không nhiều, nhưng nhiều ngân hàng đã và đang tăng thu từ dịch vụ, đặc biệt là đẩy mạnh cho vay tín dụng nhỏ lẻ, đồng thời tăng cường thu hồi nợ để tái tạo dư địa cho vay, đảm bảo đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Theo Chỉ thị 04, hạn mức tăng trưởng tín dụng khó có thể được nới thêm trong nửa cuối năm 2018. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn giữ chỉ tiêu lợi nhuận xây dựng từ đầu năm với lý do đã hoàn tất hơn nửa chặng đường sau nửa đầu năm.
Hơn nữa, nửa cuối năm mới là mùa kinh doanh của các ngân hàng. Theo nhiều công ty chứng khoán, đây là yếu tính chính giúp các ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Tại ACB, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng trên 10% và room còn lại không nhiều. Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, việc cơ cấu lại danh mục cho vay lãi suất cao, đẩy mạnh xử lý nợ xấu... sẽ tạo điều kiện cho ACB nâng cao kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm.
Theo VCSC, các khoản thu nhập bất thường từ xử lý nợ xấu của ACB trong năm 2018 sẽ giúp thu nhập ròng hoạt động khác tăng 35% so với năm trước lên 1.250 tỷ đồng.
VCSC dự báo, thu nhập lãi thuần năm 2018 của ACB sẽ tăng 22% so với năm trước nhờ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) hợp nhất tăng 3 điểm cơ bản, cho vay bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 19% và chiếm 76% tổng thu nhập hoạt động.
Thu nhập phí thuần dự báo tăng 33% và chiếm 14% tổng thu nhập từ hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu là 0,8%. Tỷ lệ dự phòng thất thoát vốn vay (LLR) đạt 132%, dù chi phí dự phòng dự báo giảm 61%. VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế của ACB sẽ tăng 133% so với năm 2017, đạt 4.885 tỷ đồng.
Với Vietcombank, dư địa tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm chỉ còn 3,5%. Tuy nhiên, theo VCSC, việc tăng trưởng tín dụng năm 2018 thấp hơn so với năm 2017 được bù đắp bởi NIM tăng mạnh mẽ hơn.
VCSC ước tính, thu nhập lãi thuần của Vietcombank sẽ tăng 30,4%, NIM hợp nhất cao hơn 32 điểm cơ bản. Thu nhập phí thuần tăng trên 30% mà không quá phụ thuộc vào hoa hồng từ bancassurance và không chịu ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.
VCSC dự báo, Vietcombank có thể thu khoảng 1.600 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn tại OCB, Eximbank, MB và Vietnam Airlines trong năm nay, lợi nhuận cả năm ước đạt 14.205 tỷ đồng (tăng 56% so với năm 2017). Kết thúc 6 tháng đầu năm, VCB đạt hơn 8.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cũng có cái nhìn lạc quan, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết trong năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 32,28% và tiếp tục tăng trưởng 22,52% trong năm 2019.
Theo đánh giá của một chuyên gia tài chính, mức độ ảnh hưởng của Chỉ thị 04 đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng là khác nhau. Mặt khác, khi room tăng trưởng tín dụng bị kiểm soát, các ngân hàng chuyển sang tập trung vào phân khúc khách hàng bán lẻ vốn có biên lợi nhuận cao. Theo đó, mặt bằng NIM của ngành còn dư địa cải thiện.