Bà đánh giá như thế nào về không gian phát triển của thị trường trái phiếu?
Với quan điểm phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế, đồng bộ với các cấu phần khác của thị trường tài chính, tại Quyết định 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định mục tiêu tổng quát và cụ thể để phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 và năm 2030.
Quyết định cũng đưa ra hệ thống giải pháp từ khung chính sách, phát triển hệ thống nhà đầu tư và các định chế trung gian, cơ sở hạ tầng thị trường...
Các giải pháp trong Lộ trình đều được xây dựng, đề xuất trên cơ sở thực trạng thị trường trái phiếu và xu hướng, thông lệ quốc tế, nhằm phát triển thị trường trái phiếu chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Thu Hiền
Tại Lộ trình, quan điểm phát triển thị trường trái phiếu là tiếp tục tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu nói chung.
Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với thị trường TPCP, sẽ tập trung phát triển các nhà tạo lập thị trường trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp theo thông lệ quốc tế; thực hiện đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn để phát tiển thị trường TPCP theo hướng bền vững, đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội theo hướng chuyên nghiệp để tổ chức này đóng vai trò là nhà đầu tư trọng yếu trên thị trường TPCP, giúp điều hòa và bình ổn thị trường.
Đối với thị trường TPDN, sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn và tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu; hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phát triển thị trường TPDN thông qua xây dựng chuyên trang thông tin về TPDN.
Thị trường TPDN hiện đang èo uột. Những giải pháp nào sẽ được triển khai để khắc phục tình trạng này, qua đó giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi huy động vốn trái phiếu, thưa bà?
Cuối năm 2016, quy mô thị trường TPCP đạt 36,9% GDP, trong khi quy mô của thị trường TPDN là 5,27% GDP. Điều này cho thấy, có khoảng cách lớn về quy mô giữa thị trường TPCP và thị trường TPDN.
Những tồn tại, hạn chế trong phát triển thị trường TPDN đã được nhận diện và phân tích rõ trong quá trình Bộ Tài chính xây dựng Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu. Đó là do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cơ chế chính sách; tổ chức thị trường; tâm lý và thói quen của doanh nghiệp khi huy động vốn; sự phối hợp, đồng bộ giữa cơ chế về tín dụng ngân hàng với chính sách về huy động vốn TPDN.
Theo đó, Quyết định 1191/QĐ-TTg đã tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường TPDN, giảm áp lực huy động vốn trung và dài hạn qua hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, khuôn khổ pháp lý về phát hành TPDN sẽ được sửa đổi từ cấp luật để đảm bảo tách bạch về điều kiện và hồ sơ phát hành giữa chứng khoán nợ và chứng khoán vốn. Quy định về đăng ký, lưu ký TPDN cũng sẽ được sửa đổi để nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu.
Bộ Tài chính đang tập trung sửa đổi khuôn khổ pháp lý phát hành TPDN tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Về cơ chế công bố thông tin, sẽ tiến tới hình thành hệ thống công bố thông tin tập trung về phát hành, giao dịch đối với TPDN tại Sở giao dịch chứng khoán, giúp nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Về mối quan hệ giữa chính sách huy động vốn trái phiếu và chính sách tín dụng, ngân hàng, đây là giải pháp cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới để giảm áp lực huy động vốn trung và dài hạn qua hệ thống ngân hàng, thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.
Theo đó, trong xây dựng cơ chế chính sách và điều hành, cần tuân thủ chỉ tiêu an toàn vốn của các tổ chức tín dụng, hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, hạn chế cho vay quá lớn đối với một khách hàng. Việc này vừa giảm rủi ro cho các tổ chức tín dụng, vừa thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu.
Qua đó, doanh nghiệp sẽ tăng cường công bố thông tin về tình hình tài chính và quản trị rủi ro, để đáp ứng yêu cầu huy động vốn trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu. Đây cũng là yếu tố giúp các doanh nghiệp làm quen với các chuẩn mực về công bố thông tin và quản trị rủi ro, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể huy động vốn thành công.
Xếp hạng tín nhiệm được coi là một trong những giải pháp giúp thị trường TPDN phát triển. Theo bà, để thị trường xếp hạng tín nhiệm ra đời và phát triển, cần những yếu tố gì?
Theo thông lệ quốc tế, sự ra đời của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm góp phần thúc đẩy thị trường TPDN phát triển, tăng cường tính minh bạch của việc huy động vốn trái phiếu, giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư vào TPDN. Theo đó, sự hình thành và phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cần có thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về khuôn khổ pháp lý, bên cạnh việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tạo khuôn khổ pháp lý cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.
Tại Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu quy định theo hướng đối với TPDN phát hành ra công chúng, sẽ bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi thị trường có tối thiểu 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cung cấp dịch vụ.
Để tổ chức xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò giúp nhà đầu tư đánh giá được mức độ rủi ro khi đầu tư vào TPDN, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường TPDN, thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải đáp ứng được chất lượng cung cấp dịch vụ, phải có quy trình và phương pháp xếp hạng tín nhiệm đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Đối với nhà đầu tư, phải có nhu cầu sử dụng dịch vụ, trên cơ sở đó lựa chọn được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có uy tín, đảm bảo chất lượng.
Như vậy, việc phát triển thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phụ thuộc cả vào yếu tố cung và cầu của thị trường, thiếu một trong hai yếu tố này, chúng ta khó có thể phát triển được thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu hiện chưa đa dạng. Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp nào nhằm đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư cho thị trường?
Trong giai đoạn 2011 - 2016, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp vế tái cơ cấu danh mục nợ TPCP và tái cơ cấu nhà đầu tư, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu nói chung, thị trường TPCP nói riêng có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ trọng tham gia của các nhà đầu tư dài hạn, giảm dần tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại.
Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại giảm còn 55,4%; tỷ lệ nắm giữ TPCP của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức khác ở mức 44,6%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định 261/QĐ-BTC của Bộ Tài chính phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020 (năm 2020, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi là 20%).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, thúc đẩy tăng nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu, thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp phát triển đa dạng cơ sở nhà đầu tư, trong đó ưu tiên phát triển các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh trên thị trường trái phiếu.
Thứ nhất, thúc đẩy việc hình thành và phát triển hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện, để vừa đa dạng hóa các chương trình an sinh xã hội, vừa phát triển nhu cầu đầu tư dài hạn trên thị trường trái phiếu.
Thứ hai, đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên thị trường TPCP theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời đóng vai trò là nhà đầu tư trọng yếu trên thị trường.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư của các nhà đầu tư là ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm để phản ánh đúng bản chất đầu tư theo hướng ưu tiên đầu tư vào TPCP và TPDN có tính thanh khoản, an toàn cao.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua việc hoàn thiện chế độ công bố thông tin; cải cách thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh chính sách thuế và phí giao dịch. Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức nước ngoài phát hành các chứng chỉ lưu ký toàn cầu được niêm yết trên thị trường nước ngoài với tài sản cơ sở là TPCP Việt Nam.