Minh bạch, một trong những thước đo sức hút của cổ phiếu

Minh bạch, một trong những thước đo sức hút của cổ phiếu

Rời sàn niêm yết, doanh nghiệp muốn “ẩn mình” trên UPCoM

(ĐTCK) Có nhiều lý do để doanh nghiệp tự nguyện hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, chẳng hạn, tái cơ cấu công ty do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, thị giá cổ phiếu giảm sâu so với giá trị sổ sách, phát hành cổ phiếu cho cổ đông ngoại, thậm chí chỉ vì thanh khoản kém…

CTCP Thế kỷ 21 (C21) niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ tháng 7/2011. Đến tháng 9/2015, C21 quyết định hủy niêm yết tự nguyện với lý do cổ phiếu thanh khoản kém, thị giá giảm mạnh so với giá trị sổ sách. Tháng 11/2016, C21 chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Đáng chú ý, sau khi giao dịch trở lại, thanh khoản cổ phiếu C21 vẫn chẳng mấy cải thiện. Lý do là bởi C21 có cơ cấu cổ đông khá cô đặc, khi cổ đông lớn nắm giữ 46% vốn và lượng cổ phiếu quỹ lớn chiếm gần 30% vốn (tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành của C21 là 19,36 triệu cổ phiếu, trong đó có 5,8 triệu cổ phiếu quỹ được mua lại trước thời điểm chuyển sàn, giá mua vào thời điểm đó là hơn 21.000 đồng/CP).

Từ tháng 7/2016 đến nay, thanh khoản cổ phiếu C21 có phần khởi sắc hơn, với lượng giao dịch bình quân 24.300 cổ phiếu/phiên nhờ kết quả kinh doanh khả quan, nhưng so với trung bình thị trường vẫn rất khiêm tốn. Được biết, lũy kế 6 tháng 2017, lãi sau thuế cổ đông Công ty mẹ C21 đạt 49,4 tỷ đồng, tăng 2,36 lần so với cùng kỳ 2016. EPS đạt 3.502 đồng/CP. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu C21 tăng hơn 40%, từ 18.200 đồng/CP lên 25.500 đồng/CP.

Với CTCP Nhựa Tân Tiến (TTP), câu chuyện tái cơ cấu dường như đã đạt kỳ vọng của doanh nghiệp khi rời sàn. TTP xin hủy niêm yết vào tháng 9/2015 và quay trở lại giao dịch trên UPCoM vào tháng 3/2017. Mục đích hủy niêm yết của TTP là để tái cơ cấu doanh nghiệp, với việc “thay máu” một loạt cổ đông lớn, dẫn tới thay đổi hoàn toàn nhân sự trong HĐQT.

Hiện cổ đông lớn nhất của TTP là Dongwon Systems Corporations (Hàn Quốc) khi sở hữu tới 97,8% vốn của TTP. Trong 2 năm hủy niêm yết, lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tăng mạnh so với trước đó, lần lượt đạt 60,7 tỷ đồng và 105,5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính 2016 của TTP cũng “sạch bóng” nợ vay tài chính ngắn hạn, trong khi giai đoạn 2013-2014 con số này lần lượt là 129 tỷ đồng và 392 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sở hữu quá lớn của Công ty mẹ, thanh khoản của cổ phiếu TTP gần như bằng 0.

Với trường hợp của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), do giá trị cổ phiếu trên thị trường không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp khiến Công ty gặp khó khăn trong kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, nên MPC xin hủy niêm yết tự nguyện để tái cơ cấu Tập đoàn, tìm kiếm đối tác chiến lược.

Dù vậy, suốt hơn 2 năm sau khi hủy yết (tháng 3/2015), MPC vẫn chưa tăng vốn và đối tác chiến lược cũng chưa lộ diện. Kết quả kinh doanh của MPC trong thời gian này cũng kém khả quan (năm 2015 lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, năm 2016 lãi ròng 82 tỷ đồng tính trên mức doanh thu 12.064 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm 2017, MPC có sự cải thiện, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt 144 tỷ đồng, nhưng vẫn cách rất xa kế hoạch cả năm là 841 tỷ đồng lãi ròng.

Khá đặc biệt, CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam (VHG) xin hủy niêm yết trên HOSE để đăng ký giao dịch trên UPCoM với lý do kinh doanh thua lỗ sẽ không tránh khỏi rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, hoặc bị kiểm soát, nên hủy niêm yết để đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Thực tế, tình hình kinh doanh của VHG liên tục đi xuống những năm gần đây. Năm 2016, VHG lỗ ròng 32,5 tỷ đồng. Năm 2017, VHG đặt kế hoạch… tiếp tục lỗ 200 tỷ đồng. Dù vậy, kế hoạch hủy niêm yết của VHG hiện vẫn chưa được thông qua do tỷ lệ dự họp Đại hội đồng cổ đông thấp hơn quy định (chỉ đạt 33,34% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết).

Việc niêm yết cổ phiếu là nhằm nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, củng cố niềm tin với các cổ đông, nhà đầu tư. Qua đó, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn khi muốn đầu tư, mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, doanh nghiệp quyết định hủy niêm yết cổ phiếu và chuyển sang sàn UPCoM. Tại đây, với quy định “dễ thở” hơn 2 sàn niêm yết, phải chăng doanh nghiệp có thể "ẩn mình" thêm chút thời gian, chờ cải thiện hiệu quả? Song, minh bạch có lẽ vẫn là yếu tố quyết định sức hút của cổ phiếu.

Tin bài liên quan