Lần đầu tiên đến Việt Nam, cặp đôi robot Universal Robots Chef & Barista đã có màn biểu diễn chiên omelet và pha cà phê cho đông đảo khách tham quan người Việt tại cuộc triển lãm về công nghiệp hỗ trợ đang diễn ra ở TP HCM.
Đây là hai trong số các robot nổi bật tại sự kiện quy tụ hàng loạt robot công nghiệp và các công nghệ về lắp ráp điện tử, gia công kim loại từ hơn 500 thương hiệu của 25 quốc gia.
Tập trung đông đảo là sản phẩm của Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan.
Ứng dụng cánh tay robot trong sản xuất ngày càng đa dạng. Gần chục thương hiệu cánh tay robot trình diễn khả năng sắp xếp vật tư, hàn cắt, đục tiện… Tất cả đều có khả năng tự động hóa cao với chỉ cần một nhân công điều khiển qua màn hình cảm ứng.
Nhật Bản góp mặt với gian hàng Tokyo Pavilion, gồm 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Tokyo, mang đến các công nghệ và sản phẩm đa dạng từ cảm biến đến bộ phận dùng trong máy bay.
Ông Iku Hara – Giám đốc phát triển thị trường ngoài nước, Phòng Thương mại Công nghiệp Tokyo cho rằng, nhu cầu về các công nghệ robot, công nghệ mới tại Việt Nam đang phát triển do sự chuyển đổi của hoạt động sản xuất.
“Ngay cả trong số các nước ASEAN, Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, có lực lượng lao động chăm chỉ và dồi dào.
Chúng tôi nghĩ rằng hoạt động sản xuất đang chuyển dần từ các sản phẩm công nghiệp nhóm 1, công nghiệp nhẹ sang các sản phẩm điện tử như điện thoại di động, chất bán dẫn… để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ cao hơn hẳn về chất”, ông Iku Hara nhận định.
“Một quá trình sàng lọc tự nhiên đang diễn ra tại Việt Nam. Các doanh nghiệp không thể cạnh tranh do thiếu vốn hoặc công nghệ đang dần biến mất khỏi thị trường.
Hơn bao giờ hết, cán cân cung cầu đang thiếu cân bằng khi số lượng doanh nghiệp sản xuất còn ít, trong khi số lượng các nhà đầu tư ngày càng tăng, đi đôi cùng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao”, ông Suttisak Wilanan – Phó giám đốc Reed Tradex đánh giá.
Không chỉ có robot, sự kiện còn dành hẳn một khu vực để trình diễn “drone racing” (đua máy bay không người lái). Nhà tổ chức tin rằng, ngành drone bắt đầu được thương mại hóa và xâm nhập vào Việt Nam.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất drone mà còn cho các công ty sản xuất và cung cấp phụ tùng linh kiện điện tử.