REE, một năm “trong ấm, ngoài êm”

REE, một năm “trong ấm, ngoài êm”

(ĐTCK) Chia sẻ với mong muốn và kỳ vọng của cổ đông về việc tạo nên một CTCP Cơ điện lạnh (REE) với những mảng kinh doanh “quyến rũ” hơn, nhưng Ban lãnh đạo REE vẫn tỏ ra kiên định với những đường hướng kinh doanh đã chọn.

Hạ nhiệt câu chuyện giá, cổ tức

Hài lòng, đó là tâm trạng chung của 500 cổ đông tham dự ĐHCĐ thường niên 2013 của REE  tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Hai mùa ĐHCĐ trước (năm 2011, 2012), ngoài các ý kiến đóng góp về hoạt động kinh doanh của Công ty, hai vấn đề được rất nhiều NĐT, đặc biệt là các NĐT cá nhân quan tâm là giá cổ phiếu và tỷ lệ chia cổ tức.

Đầu năm 2011, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên, chính bà Mai Thanh đã phải đưa ra lời hứa cố gắng giữ giá không thấp hơn 14.000 đồng/CP. Năm 2012, cũng tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên, không chỉ NĐT cá nhân, ngay cả NĐT tổ chức cũng cho rằng, giá của cổ phiếu REE xứng đáng cao hơn rất nhiều so với thị giá, nên Ban lãnh đạo cần có kế hoạch truyền thông hợp lý để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông. Riêng với vấn đề tỷ lệ chia cổ tức, không ít ý kiến cho rằng, REE cần phải chia nhiều hơn nữa, vì ở thời điểm đó, NĐT đầu tư REE chỉ “sống” bằng cổ tức, chứ không được hưởng chênh lệch giá.

REE, một năm “trong ấm, ngoài êm” ảnh 1

REE hiện đang sở hữu 22% cổ phần của PPC, DN đang có tới 4.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm

Mùa ĐHCĐ năm nay, dường như việc tăng giá cổ phiếu REE thời gian vừa qua (cao nhất lên tới gần 22.000 đồng/CP, tức tăng khoảng 50% so với trung bình giai đoạn trước) đã thỏa mãn được sự chờ đợi của NĐT khi đầu tư vào REE. Vấn đề cổ tức vẫn là câu hỏi được quan tâm, nhưng chỉ mang tính góp ý.

Trước câu hỏi vì sao không chia cổ tức cao hơn, trong khi REE lãi lớn, ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch HĐQT đã đưa ra câu trả lời khá thuyết phục, dựa trên quan điểm về lợi nhuận nào nên chia, lợi nhuận nào nên giữ lại; so sánh tỷ suất lợi tức (cổ tức/thị giá) giữa việc đầu tư vào REE với các kênh đầu tư khác (cho thấy mức chia cổ tức của REE đã hấp dẫn)…

 

Làm sao để REE “quyến rũ” hơn?

Yên tâm với các hoạt động của REE, nhất là khi Ban lãnh lãnh đạo Công ty đã cam kết mức lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, xấp xỉ con số thực hiện của năm 2012 - năm có nhiều khoản lợi nhuận bất thường. Tuy nhiên, 2 vấn đề được NĐT quan tâm là: hiệu quả kinh doanh của Ree tech, việc đầu tư vào lĩnh vực điện - nước -  than với mục đích để REE trở nên “quyến rũ” hơn.

Về Ree tech, một cổ đông cho rằng, dù chiếm nguồn lực lớn, nhưng lợi nhuận từ mảng này lại thấp, nên cần thực hiện cổ phần hóa, bán cổ phần… để REE sẽ có một báo cáo đẹp hơn, với các mảng hoạt động đều sinh lợi cao. Tuy nhiên, về vấn đề này, 3 thành viên thuộc Ban lãnh đạo REE và Công ty Điện máy REE trả lời trên 3 góc độ: Ree tech đang có nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả kinh doanh, là mảng truyền thống và góp phần thúc đẩy hiệu quả mảng REE M&E. Kết quả sẽ đến sau một năm nữa.

Vấn đề thứ hai được quan tâm là việc đầu tư vào các nhà máy điện, nước, than, trong đó có 2 ý kiến đóng góp đáng chú ý. Một là, vì sao REE không trực tiếp đầu tư nhà máy điện, nước, thay vì mua cổ phần của các DN, khi họ chịu yếu tố rủi ro về giá (nhất là Nhiệt điện Phả Lại - PPC). Hai là, REE đang nắm tới hơn 22% vốn điều lệ của PPC, một đơn vị có tới hơn 4.000 tỷ đồng đang gửi tiết kiệm. Vì vậy, “REE nên đề xuất PPC đầu tư chéo vào REE, để khi tăng giá cổ phiếu, cổ đông của cả 2 bên đều được hưởng lợi”, một NĐT góp ý.

Về vấn đề này, đặc biệt liên quan đến PPC, bà Mai Thanh nói: “Phả Lại là nhà máy nhiệt điện hoạt động tốt nhất hiện nay. Đầu tư vào DN nào ngành điện - nước cũng phải sử dụng vốn vay lớn và hầu hết chịu rủi ro tỷ giá, nhưng PPC đã trích lập dự phòng đầy đủ, chưa kể khoản tiền gửi 4.000 tỷ đồng, nếu chỉ gửi tiết kiệm, mỗi năm cũng mang về cho công ty này trên 300 tỷ đồng tiền lãi”. Riêng đối với ý tưởng đầu tư chéo, bà Thanh cho biết: “Kỳ tới, chúng tôi sẽ tham gia vào HĐQT của PPC. Phả Lại là DN sản xuất - kinh doanh điện rất tốt, hãy để họ chuyên tâm với ngành nghề chính của mình. Phía REE cũng đã phải mất mấy năm để tái cơ cấu thoát khỏi đầu tư tài chính, nên nếu PPC có ý tưởng đó, chúng tôi cũng sẽ khuyên họ không nên”, bà Thanh nói.