RCEP mở cơ hội phát triển chuỗi cung ứng mới

0:00 / 0:00
0:00

Sẽ không có những cú sốc về cắt giảm thuế quan hay cam kết mở cửa thị trường, nhưng RCEP được cho là sẽ mở rộng cánh cửa các chuỗi cung ứng mới cho doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra. Ảnh: Đức Thanh.

Doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra. Ảnh: Đức Thanh.

Cơ hội của các chuỗi cung ứng mới

Mặc dù còn phải chờ thêm các quy trình phê chuẩn của các nước thành viên trước khi nói về thời điểm hiệu lực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), song giới nghiên cứu và các doanh nghiệp không muốn chậm hơn những tính toán lợi ích từ hiệp định đang được xếp hạng lớn nhất thế giới này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, khi trao đổi về RCEP đã nhấn mạnh, với cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia, cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khó khăn bao trùm nhiều ngành xuất khẩu, RCEP được ký kết và sớm có hiệu lực, tạo kỳ vọng để tăng xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Tất nhiên, không thể né tránh, việc ký kết RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tăng xuất khẩu sang các thị trường trong khối, tăng ưu đãi thuế, nhưng ở chiều ngược lại, nhập siêu từ một số thị trường trong RCEP đang là nguy cơ hiện hữu.

Thực tế, chưa cần chờ RCEP đi vào thực thi, cơ cấu thương mại của Việt Nam với khu vực đã có sự mất cân đối lớn, khi nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, máy móc thiết bị đã lên tới con số vài chục tỷ USD.

Số liệu từ Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2019 cho thấy bức tranh khá đậm nét về nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường trong khu vực RCEP, trong đó nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Autralia và New Zealand, với tổng giá trị nhập siêu lên tới 69 tỷ USD.

Cụ thể, nhập siêu 34 tỷ USD từ Trung Quốc; tiếp đến là Hàn Quốc với 27,2 tỷ USD; từ ASEAN là 6,85 tỷ USD. Hai thị trường Autralia và New Zealand dù thương mại 2 chiều chỉ khoảng 9 tỷ USD, nhưng nhập siêu cũng ghi nhận 970 triệu USD.

Năm 2019, chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản, thương mại hàng hóa đã đảo chiều từ mức nhập siêu 207 triệu USD của năm 2018, thành xuất siêu 887 triệu USD.

10 tháng của năm 2020, cán cân thương mại cũng không có nhiều thay đổi, khi nhập siêu lần lượt từ Trung Quốc 28,2 tỷ USD, ASEAN 5,4 tỷ USD, Hàn Quốc 21,1 tỷ USD…

Đánh giá về khả năng hàng hóa trong nước chịu cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu từ thị trường RCEP khi FTA này đi vào thực thi, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chắc chắn RCEP sẽ tác động cả ở chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu, thị trường nội địa.

Như nhiều FTA khác, mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện để hàng hóa tương đồng từ khối RCEP vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội, điển hình là hàng hóa Trung Quốc. Sự cạnh tranh này buộc các doanh nghiệp nội phải thay đổi, thích ứng để hàng hóa không bị thua ngay trên sân nhà.

Cũng phải nhắc lại, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong trường hợp năng suất tăng bình thường, RCEP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 0,4% và 3,6% so với trường hợp không có RCEP. Nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn, GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP.

Không có cú sốc về cắt giảm thuế quan

Trước quan ngại về việc RCEP đi vào thực thi sẽ làm tăng nguy cơ nhập siêu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, chúng tôi đều tham vấn chặt chẽ các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.

Theo đại diện Đoàn đàm phán Hiệp định RCEP, thực tế, Việt Nam đã tham gia FTA với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP, cụ thể là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1).

Do vậy, có thể hiểu, quá trình tự do hóa thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trong khoảng 15 năm. Vì vậy, việc thực hiện RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

Bộ Công thương đánh giá, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác của ASEAN trong 1 FTA. Doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây.

Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, không lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra, có thể khai thác lợi ích do hiệp định này mang lại.

Điều quan trọng là các doanh nghiệp nắm bắt, vận dụng, thực thi FTA này thế nào cho hiệu quả.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), RCEP không phải là một hiệp định mới. Trước đó, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm với 13 FTA, gần đây nhất là EVFTA.

Do đó, doanh nghiệp cần nắm kỹ các nội dung cam kết trong đúng lĩnh vực mình cần, từ quy tắc xuất xứ hàng hóa với từng ngành hàng, chứng nhận xuất xứ (C/O), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử... để tận dụng Hiệp định.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đánh giá, RCEP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng, giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng.

"Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại. RCEP sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á”, ông Tim Evans nói.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng quy tắc xuất xứ dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI)

RCEP kỳ vọng mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam từ góc độ xuất khẩu. Với quy tắc xuất xứ nội khối trong FTA này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể đáp ứng được quy tắc xuất xứ dễ dàng, qua đó có thể hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn nhiều FTA trước đây.Đơn cử, trước đây muốn hưởng ưu đãi thuế quan sang Nhật Bản, hàng dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ theo VJFTA, AJFTA hay CPTPP, mà cả 3 FTA này đều không có thành viên là Trung Quốc, Hàn Quốc, nên hàng dệt may với phần lớn nguyên liệu đầu vào nhập từ 2 thị trường này sẽ không được giảm thuế khi xuất sang Nhật. Nhưng với RCEP, với các thành viên đang là địa chỉ cung ứng nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam, chúng ta có thể tận dụng ưu đãi cho hàng dệt may xuất khẩu đi Nhật, Australia, New Zealand.

Việt Nam có thể nhận được nhiều lợi ích từ RCEP.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại MM Mega Market

Việt Nam có thể là một trong những quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP. Nguyên nhân là những nước tham gia vào hiệp định này hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng dệt may, giày dép.Các tiêu chuẩn nhập khẩu trong Hiệp định không quá khắt khe, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng, nên việc giao thương thuận lợi.

Tin bài liên quan