Diễn biến khó lường
TTCK Việt Nam khép lại tháng 7 với mức giảm hơn 3%, tuy thấp nhưng nằm trong Top những thị trường giảm nhiều nhất trên toàn cầu. Trong đó, tuần giao dịch cuối tháng 7 là tuần giảm thứ hai liên tiếp, với mức giảm hơn 8%.
So sánh với thời điểm đầu năm 2020, VN-Index ghi nhận giảm 17%, ngược dòng so với một số thị trường lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia.
Hiện tại, những lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng và lây lan sang các tỉnh, thành phố khác về cơ bản đã được phản ánh vào hai phiên sụt giảm ngày 24 và 27/7.
Bởi vậy, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nghiêng về kịch bản phục hồi nhẹ của thị trường trong những phiên đầu tháng 8, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào những biện pháp mạnh tay khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly của Chính phủ sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh.
Tuy nhiên, giai đoạn này khá nhạy cảm, thị trường chứng khoán vẫn bị chi phối bởi diễn biến của dịch bệnh, nếu có sự đột biến trong số ca nhiễm ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM có thể sẽ khiến tâm lý thị trường nhanh chóng rơi vào trạng thái tiêu cực.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lo sợ dịch Covid-19 thứ hai bùng phát đã kích hoạt làn sóng bán tháo cắt lỗ của không ít nhà đầu tư cá nhân, với mức bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong tuần qua (27 - 31/7). Điểm lạc quan là nhóm tổ chức nước ngoài và khối tự doanh trong nước đã chuyển từ trạng thái bán ròng 5 tuần liên tiếp sang mua ròng 791 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, trái với những lo ngại “kẹp hàng” như phiên cuối tuần trước, niềm tin về việc Việt Nam sớm dập được dịch, cùng với tâm lý nếu không mua cổ phiếu sẽ mất cơ hội khi thị trường hồi phục đã giúp VN-Index tăng hơn 16 điểm.
Giới phân tích chưa kịp giải mã động lực nào giúp thị trường tăng mạnh ở phiên đầu tuần, khi mà chưa có những thông tin tích cực hỗ trợ.
Đã có những nghi vấn, chỉ số được kéo lên để thoát hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, nhưng thị trường nhanh chóng tìm được điểm cân bằng, bất chấp thông tin số người nhiễm bệnh tăng cao và có bệnh nhân tử vong.
“Tôi đặt lệnh bán cổ phiếu hôm thứ Sáu, nhưng không khớp, nay vẫn còn nhiều cổ phiếu, may mắn là cổ phiếu lại ở trạng thái xanh. Chưa khi nào nhà đầu tư trải qua được nhiều cảm xúc trong cùng một phiên như hôm nay (3/8)”, anh Trung Nam, nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.
Tâm lý nhà đầu tư có sự mâu thuẫn, đó là đầu tư cổ phiếu và nắm giữ trong trung và dài hạn, nhưng luôn nghĩ cách làm thế nào để kiếm lời nhanh. Do đó, thị trường tăng (qua T+3) là thực hiện chốt lời, nhưng khi thấy thị trường tiếp tục thì sốt ruột và mua lại.
Lúc này, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận là 50/50. Vì thế, điều quan trọng không chỉ là xác định thời điểm chốt lãi, mà còn là cắt lỗ phù hợp, nhằm tránh nguy cơ tổn thất lớn.
Tận dụng các nhịp tăng để bán
Ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư đồng hành cùng thị trường chứng khoán 20 năm qua, không ngày nào nghỉ giao dịch chia sẻ, cuộc chơi nào cũng vậy, đặc biệt là chứng khoán, khi tham gia thì phải chấp nhận rủi ro, phải biết rút kinh nghiệm từ những chính những trải nghiệm của bản thân.
Nghĩa là, nhà đầu tư phải có chính kiến trong các quyết định, không nên quá trông chờ vào nhận định từ phía các tư vấn viên. Theo ông Dũng, thị trường càng biến động càng có nhiều cơ hội đối với nhà đầu tư,nên việc “mất hàng” hay “thoát hàng” chỉ tính tại một thời điểm, quan trọng là hiệu quả sau một quá trình đầu tư.
Theo nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, thực tế, tiền đối với nhà đầu tư không thiếu, chủ yếu đang “bí” chỗ để đầu tư. Những nhóm cổ phiếu được gọi là có tiềm năng, hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, hay đầu tư công được đẩy mạnh như dệt may, thủy sản, vật liệu xây dựng… đã tăng giá, nên vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Một số nhà đầu tư e ngại rủi ro nên chuyển sang mua vàng, đẩy giá vàng tăng cao.
Nhưng vàng chỉ là mặt hàng phù hợp với dự trữ, không phù hợp với đầu tư, còn chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhất, chỉ vì thời điểm chưa thực sự phù hợp nên một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội phù hợp sẽ giải ngân.
“Gần đây, tôi giữ tỷ trọng cổ phiếu từ 30 - 50% trên tổng tiền thật của mình, hạn chế sử dụng giao dịch ký quỹ (margin), vì thị trường chưa có nhiều động lực để tăng trong ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu ưu tiên giải ngân và nắm giữ là cổ phiếu giá trị có thị giá thấp, doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng và đảm bảo mức lợi suất cổ tức tối thiểu bằng lãi suất ngân hàng, thuộc các ngành ngân hàng, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp, cao su… Tuy nhiên, tôi sẽ bán ra nếu giá đạt mục tiêu”, nhà đầu tư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Diễn biến dịch Covid-19 cùng với thông tin kết quả kinh doanh quý II là các yếu tố chính chi phối đến diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp tăng điểm của thị trường để bán ra, giảm tỷ trọng danh mục vẫn đang được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, trong ngắn hạn, dù có phiên tăng điểm khá ấn tượng nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn nghiêng về trạng thái giảm, cho nên chiến lược thích hợp giai đoạn này vẫn là bán hạ tỷ trọng cổ phiếu. Mặc dù vậy, dòng tiền có sự phân hóa và các nhà đầu tư vẫn có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở từng nhóm ngành có câu chuyện riêng.
“Nhà đầu tư nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu thấp và chú ý vào các nhóm cổ phiếu như bất động sản khu công nghiệp để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể giao dịch trên thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường giá xuống”, ông Minh nói.
Trong khi đó, theo KBSV, rủi ro thị trường đang ở mức cao với tình hình dịch bệnh Covid-19 khó đoán định, trong khi thị trường chứng khoán thế giới đang mất dần động lực tăng điểm, nhà đầu tư được nên tận dụng các nhịp tăng để giảm tỷ trọng danh mục về mức thấp.
Việc giải ngân, nâng tỷ trọng trở lại chỉ nên được cân nhắc trong kịch bản thị trường có thêm những nhịp giảm sâu và nhiều cổ phiếu có nền cơ bản tốt trở về vùng giá thấp.