Rắn cạp nia là một trong tứ đại rắn độc ở Ấn Độ. Ảnh: Wikipedia.
K.A.Ranjith, giáo viên ở bang Kerala phía nam Ấn Độ, trông thấy đuôi rắn thò ra từ mũ bảo hiểm trên đường tới trường hôm 5/2.
Dù bị sốc lúc đầu, Ranjith nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và lôi con rắn cạp nia đã bị ép chặt tới chết ra khỏi lớp lót của chiếc mũ. Sau đó, anh châm lửa đốt cả xác con rắn và mũ bảo hiểm.
Theo các báo cáo địa phương, Ranjith đỗ xe trước hiên nhà vào đêm hôm trước và treo mũ bảo hiểm trên xe. Nhà chức trách nghi ngờ con rắn bò vào mũ từ ao nước gần đó. Con rắn trốn bên trong mũ suốt quãng đường dài gần 11 km trước khi người đàn ông phát hiện ra nó.
"Lúc đó, tôi không cảm thấy có gì bất thường khi đội mũ", Ranjith kể lại. Ranjith tới thẳng bệnh viện để kiểm tra sau tai nạn. Kết quả khám cho thấy anh chưa bị rắn cắn.
Rắn cạp nia (Bungarus caeruleus) là loài rắn độc thường gặp ở tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng nằm trong nhóm "tứ đại" rắn độc cùng với rắn hổ mang, rắn hổ bướm và rắn lục hoa cân.
Loài rắn này có thể dài tới 1,75 mét, có màu đen hoặc xanh đen với những sọc trắng không đều trên thân.
Rắn cạp nia hoạt động về đêm, chủ yếu ăn thịt đồng loại và các loài rắn khác. Chúng cũng ăn chuột, thằn lằn, ếch nhái. Nọc độc của rắn cạp nia chứa độc tố thần kinh mạnh, có thể gây liệt cơ.