Rắc rối pháp lý khi bán doanh nghiệp tư nhân

Rắc rối pháp lý khi bán doanh nghiệp tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Bán doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một hoạt động được quy định tại Luật Doanh nghiệp và được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại cho thấy những vướng mắc, bất cập liên quan đến việc mua bán DNTN, mà chủ yếu là xoay quanh trách nhiệm của người chủ cũ và chủ mới đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp này.

Chủ cũ biến mất, chủ mới chối bỏ trách nhiệm

Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp này cho cá nhân, tổ chức khác. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

Theo quy định trên, về nguyên tắc chung, trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài sản của người chủ doanh nghiệp tư nhân cũ vẫn tồn tại dù rằng người này đã bán doanh nghiệp tư nhân cho người khác. Nguyên tắc này chỉ bị thay đổi nếu giữa chủ doanh nghiệp tư nhân cũ, người mua doanh nghiệp tư nhân mới và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác đi.

Một điều luật tưởng chừng khá rõ ràng, nhưng khi triển khai vào thực tế lại tạo ra nhiều bất cập mà người phải gánh chịu rủi ro lại chính là các khách hàng, chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân này.

Gần đây, có một giao dịch mua bán doanh nghiệp tư nhân diễn ra mà hệ quả tạo ra những vấn đề pháp lý đan xen hết sức rắc rối. doanh nghiệp tư nhân A có chủ sở hữu là ông B. Doanh nghiệp A là chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản lớn. Giống như nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác, doanh nghiệp A phải huy động và vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau để thực hiện dự án.

Khi doanh nghiệp tư nhân A không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ khởi kiện ra Tòa án yêu cầu chủ doanh nghiệp A thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong quá trình tố tụng, chủ doanh nghiệp A chết, những người thừa kế liền ký hợp đồng bán doanh nghiệp này cho người mua là ông X và xuất cảnh ra nước ngoài định cư.

Trong hợp đồng mua bán, các bên thỏa thuận rằng người mua sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm đối với các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp tư nhân đã phát sinh trước ngày ký hợp đồng và giá trị hợp đồng mua bán này là rất thấp. Đây có thể là giá trị mà những người thừa kế của ông A đưa ra sau khi đã tính toán cấn trừ giữa các tài sản của doanh nghiệp này và các khoản nợ còn tồn đọng.

Tuy nhiên, khi được Tòa án triệu tập, người mua mới cho rằng ông ta chỉ là người mua lại doanh nghiệp tư nhân, những hợp đồng, giao dịch, khoản nợ của doanh nghiệp này đã phát sinh trước thời điểm mua bán doanh nghiệp thì thuộc trách nhiệm của chủ cũ, chủ mới không có bất kỳ trách nhiệm gì.

Rủi ro đối với các chủ nợ, khách hàng của doanh nghiệp tư nhân

Xét trong vụ việc trên, về góc độ pháp lý, Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ rằng chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có quyền thỏa thuận khác đi về chế độ trách nhiệm của người chủ cũ đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đã phát sinh trước ngày chuyển giao doanh nghiệp.

Như vậy, thỏa thuận giữa ông B và ông X (về việc ông X sẽ tiếp nhận toàn bộ nghĩa vụ của ông B liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trước ngày chuyển giao doanh nghiệp) hoàn toàn có giá trị ràng buộc các bên nếu nhận được sự đồng ý từ các chủ nợ. Thế nhưng về khía cạnh chủ nợ, để xác định được có nên đồng ý hay không, thì điều kiện tiên quyết là phải xác định được giá trị tài sản của chủ cũ và tài sản của chủ mới có sự chênh lệch hay không, giá trị tài sản của chủ mới có đủ để thực hiện các nghĩa vụ của chủ cũ để lại hay không?

Đặt trong tình huống cụ thể này, những người thừa kế của chủ cũ đều đã định cư tại nước ngoài nên việc xác định các tài sản mà họ đã thừa kế được từ chủ cũ là hết sức khó khăn. Vì vậy, chẳng chủ nợ nào lại liều lĩnh để chấp thuận giải phóng nghĩa vụ cho chủ cũ trong trường hợp này.

Ngoài ra, một vấn đề khác không kém phần quan trọng là nếu không có thỏa thuận nêu trên, thì trách nhiệm của chủ mới như thế nào? Có quan điểm cho rằng trách nhiệm của chủ mới đối với các nghĩa vụ của doanh nghiệp chỉ phát sinh đối với các nghĩa vụ hình thành sau thời điểm mua bán doanh nghiệp tư nhân.

Có quan điểm lại cho rằng quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ đề cập đến việc giải phóng trách nhiệm của chủ cũ, còn trách nhiệm của chủ mới vẫn có thể hiểu rằng gắn liền với tất cả các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, mà không phân biệt đã phát sinh trước hay sau thời điểm mua bán doanh nghiệp.

Đã gọi là quan điểm pháp lý thì sẽ không tránh khỏi nhiều tranh cãi, lập luận khác nhau để bảo vệ cho quan điểm của mình, nhưng người bất lực và thiệt hại trước tiên trong tình huống này lại chính là các chủ nợ, người có quyền đối với doanh nghiệp tư nhân. Họ không thể tìm được chủ cũ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, còn chủ mới lại luôn khăng khăng từ chối thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào.

Thiết nghĩ để tránh những trường hợp tranh chấp này, thì cơ chế về việc bán doanh nghiệp tư nhân là một vấn đề đáng để bàn luận và suy ngẫm. Theo pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân. Tài sản của chủ sở hữu và bản thân doanh nghiệp này không hề có sự tách bạch.

Khi bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp cũng không cần phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản qua cho doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn, dùng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện tất cả nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp tư nhân.

Đã là chế độ trách nhiệm vô hạn và sự gắn liền chặt chẽ giữa chủ doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân, thì liệu có nên đặt ra cơ chế bán doanh nghiệp tư nhân hay không? Bởi lẽ thực tế cho thấy sự nhập nhằng về chế độ trách nhiệm giữa chủ cũ và chủ mới đã tạo ra những rủi ro không hề nhỏ cho các chủ nợ của doanh nghiệp này.

Tin bài liên quan