PVX đã phải chật vật để yêu cầu PVL tổ chức ĐHCĐ bầu lại các thành viên HĐQT

PVX đã phải chật vật để yêu cầu PVL tổ chức ĐHCĐ bầu lại các thành viên HĐQT

Rắc rối hủy tư cách thành viên HĐQT

(ĐTCK) Cổ đông cử người đại diện vốn và tham gia HĐQT của công ty mà mình góp vốn. Tuy nhiên, khi cổ đông đã chấm dứt việc cử người làm đại diện vốn thì vẫn không thể hủy bỏ tư cách thành viên HĐQT.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thành viên HĐQT được bầu và miễn nhiệm tại ĐHCĐ, nhưng trên thực tế phát sinh khá nhiều tranh chấp xung quanh tư cách thành viên HĐQT.

Đơn cử là trường hợp cổ đông cử người làm đại diện vốn tại các công ty cổ phần. Người đại diện vốn có thể ứng cử hoặc được đề cử vào HĐQT và đắc cử sau cuộc bầu bán tại ĐHCĐ. Thậm chí, nếu được các thành viên HĐQT tín nhiệm, người đại diện vốn này có thể ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT.

Sự việc chỉ phát sinh khi cổ đông có văn bản yêu cầu chấm dứt tư cách của người đại diện vốn. Việc đại diện vốn chấm dứt, nhưng tư cách thành viên HĐQT không chấm dứt cho đến khi chính thành viên đó làm đơn từ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ. Việc một thành viên/chủ tịch HĐQT không có sự gắn liền trách nhiệm với quyền lợi cổ đông, khiến các cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn không hài lòng, nhưng để bãi nhiệm thành viên này cũng không dễ dàng.

Chẳng hạn, vụ việc xảy ra trong năm 2014 tại một công ty đã niêm yết trên HOSE. Khi đó, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của công ty là đại diện vốn của cổ đông nhà nước. Sau khi vị chủ tịch này nhận quyết định nghỉ hưu cũng nhận luôn văn bản chấm dứt tư cách là người đại diện vốn.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ HĐQT còn 2 năm nữa mới chấm dứt. Vì thế, vị Chủ tịch HĐQT này kiên quyết không từ nhiệm, bởi việc nghỉ hưu cũng như chấm dứt tư cách đại diện vốn không làm chấm dứt tư cách thành viên HĐQT.

Sự việc được đẩy lên cao trào khi vị Chủ tịch HĐQT này tính thông qua các tờ trình bán hàng loạt tài sản lớn của doanh nghiệp như thanh lý đất đai, thanh lý hàng trăm ô tô… Chỉ đến khi cổ đông có đơn thư kêu cứu lên các cơ quan chức năng, chủ trương bán tài sản mới được tạm thời ngăn chặn, nhưng để giải quyết các vấn đề nội bộ, chắc chắn công ty sẽ mất rất nhiều thời gian.

Hay trường hợp xảy ra với CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) và cổ đông lớn là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVX). Người đại diện phần vốn cho PVX tại PVL đã không thể ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT. Do đó PVX đã yêu cầu HĐQT PVL tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu lại các thành viên HĐQT.

Khi HĐQT PVL không triệu tập ĐHCĐ bất thường, PVX với tư cách cổ đông lớn đã đứng ra triệu tập họp. Sự việc dẫn đến khiếu kiện lên cơ quan chức năng, PVX đã được hướng dẫn cổ đông sở hữu 10% cổ phần có quyền thay thế HĐQT, Ban kiểm soát tổ chức ĐHCĐ bất thường.

Nhưng một vướng mắc khác lại phát sinh, đó là chốt danh sách cổ đông. HĐQT đương nhiệm của PVL đã phản đối quyết liệt việc Trung tâm Lưu ký cung cấp danh sách cổ đông cho PVX để tổ chức ĐHCĐ bất thường vì cho rằng, việc này vi phạm các quy định của Luật Chứng khoán. Sau những trao đổi giữa UBCK và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PVX đã được cung cấp danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ.

Đến tháng 4/2014, PVL mới tổ chức ĐHCĐ bất thường một cách êm đẹp và có được Ban lãnh đạo và Ban điều hành mới.

Được biết, thẩm quyền bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát thuộc về ĐHCĐ. Như vậy, tư cách thành viên HĐQT của một cá nhân chỉ có thể bị bãi bỏ bởi ĐHCĐ.

Luật Doanh nghiệp quy định, việc triệu tập ĐHCĐ là thẩm quyền của HĐQT. HĐQT cũng phải triệu tập ĐHCĐ bất thường trong một số trường hợp như xét thấy cần thiết vì lợi ích công ty, số thành viên HĐQT còn lại ít hơn so với quy định pháp luật, theo yêu cầu của cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ trên 10% vốn điều lệ; theo yêu cầu của Ban Kiểm soát…

Như vậy, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ của công ty hoàn toàn có thể làm văn bản yêu cầu triệu tập ĐHCĐ. Trong thời hạn 30 ngày, HĐQT sẽ phải triệu tập họp ĐHCĐ.

Trường hợp HĐQT không triệu tập họp ĐHCĐ thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế HĐQT triệu tập cuộc họp ĐHCĐ. Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập cuộc họp, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn điều lệ yêu cầu triệu tập cuộc họp có quyền thay thế HĐQT, Ban kiểm soát triệu tập họp ĐHCĐ.

Cổ đông hoặc nhóm cổ đông triệu tập họp ĐHCĐ có thể đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh giám sát việc triệu tập và tiến hành họp nếu xét thấy cần thiết.

Luật cũng quy định thêm trường hợp HĐQT, Ban kiểm soát không triệu tập họp ĐHCĐ như quy định thì Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban kiểm soát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại phát sinh đối với công ty.

Tuy nhiên, với mong muốn bãi miễn chính Chủ tịch HĐQT đương nhiệm, thì việc yêu cầu triệu tập ĐHCĐ của cổ đông/nhóm cổ đông thường bị gây khó dễ.

Tin bài liên quan