Rà soát, đánh giá toàn diện về tác động của COVID-19 tới kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội của địa phương, từ đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…
Rà soát, đánh giá toàn diện về tác động của COVID-19 tới kinh tế - xã hội

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội và các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-  kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Theo đó, để kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ các biện pháp bảo đảm sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội và nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các rà soát, đánh giá cụ thể bao gồm về tăng trưởng kinh tế (các chỉ tiêu như GRDP, thu ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, khách du lịch…); tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giải thể, tạm dừng hoạt động, tình hình huy động vốn, trả lương cho người lao động, nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, tiêu thụ sản phẩm…); đời sống người dân (tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm, giá cả một số mặt hàng thiết yếu…); công nhân và người lao động (số lượng người lao động mất việc, tạm ngừng việc, giảm lương, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp…); các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng (số lượng đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có công với cách mạng cần hỗ trợ…).

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, duy trì hoạt động; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội…

Một vấn đề quan trọng khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó trọng tâm là chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân ngay các nguồn vốn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo hoàn thành nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng của các thành phần kinh tế; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Việc tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là đầu tư công; nghiên cứu xây dựng hoặc đề xuất cơ chế tổng hợp và chia sẻ thông tin về các đối tượng bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng đã được nhấn mạnh trong Công điện.

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì các nội dung đánh giá và đề xuất phải được các địa phương gửi về Bộ vào các ngày 15 và 30 hằng tháng. 

Như vậy, việc rà soát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế - xã hội địa phương, cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh phải thực hiện thường xuyên và kịp thời.

Tin bài liên quan